Trong tuần này, người dùng không thể truy cập được Tianya.cn, cổng thông tin điện tử Trung Quốc từng là đối tác chiến lược của Google và là cộng đồng trực tuyến sôi động để thảo luận về các chủ đề chính trị, xã hội...

Cổng thông tin điện tử tiên phong ở Trung Quốc chìm trong bóng tối, dân mạng thương nhớ

Sơn Vân | 27/04/2023, 20:53

Trong tuần này, người dùng không thể truy cập được Tianya.cn, cổng thông tin điện tử Trung Quốc từng là đối tác chiến lược của Google và là cộng đồng trực tuyến sôi động để thảo luận về các chủ đề chính trị, xã hội...

Điều đó khiến nhiều cư dân mạng buồn và hoài niệm về khoảng thời gian thảo luận trực tuyến sôi động ở Trung Quốc.

Trình làng Tianya.cn vào tháng 3.1999 khi internet còn sơ khai ở Trung Quốc, công ty Tianya Community Network Technology chưa chính thức công bố bất kỳ quyết định nào về việc đóng cửa dịch vụ này.

Đầu tháng 4, Tianya.cn cho biết sẽ “tiến hành nâng cấp kỹ thuật và cấu hình lại dữ liệu”. Trong thời gian đó, người dùng sẽ không thể truy cập được trang web. Tuy nhiên, Tianya.cn đang phải vật lộn với khủng hoảng tiền mặt, nợ nhà cung cấp máy chủ China Telecom hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD). Để trả nợ, Tianya.cn đã phải bán tất cả tài sản cho China Telecom, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu dữ liệu của mình.

Hoạt động này cũng làm nhiều nhân viên nghỉ việc do chậm trả lương. Tianya.cn chỉ còn lại khoảng 20 người, hãng truyền thông Leiphone (Trung Quốc) đưa tin.

Cả Tianya.cn và China Telecom đều không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Cư dân mạng Trung Quốc gọi việc đình chỉ trang web là “sự kết thúc của một kỷ nguyên” và là “những giọt nước mắt, nuối tiếc của tuổi trẻ”.

Tianya.cn là cái tên quen thuộc với những người dùng internet đầu tiên của Trung Quốc, chủ yếu truy cập web thông qua máy tính cá nhân. Tianya.cn có hơn 1 triệu người dùng đã đăng ký tính đến tháng 6.2015, theo hồ sơ nộp cho Sở giao dịch và niêm yết Quốc gia (NEEQ).

Vào năm 2007, Google đã mua cổ phần của Tianya.cn với số tiền không được tiết lộ và hai công ty cùng phát triển các sản phẩm web dưới tên của Tianya. Các sản phẩm này đã bị chấm dứt 3 năm sau đó. Công ty Trung Quốc đã mua lại cổ phần của mình từ gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào năm 2010 khi Google rời khỏi thị trường Trung Quốc. Xing Ming, người sáng lập Tianya.cn, tiết lộ thông tin này với trang The Beijing News vào năm 2015.

Ge Jia, nhà phân tích internet độc lập ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), nằm trong nhóm người dùng Tianya.cn đầu tiên khi nó ra mắt. Ông nhớ lại rằng Tianya.cn trở nên nổi tiếng sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị Mỹ ném bom năm 1999, với người dùng đổ xô vào trang web và tham gia vào các cuộc tranh luận. “Sau đó, nó trở thành quảng trường công cộng cho mọi thứ, từ chính trị, các vấn đề quốc tế và văn học cho đến tin đồn về ngôi sao”, ông nói.

Nhiều nhân vật nổi tiếng Trung Quốc ban đầu được nhiều người biết đến trên Tianya.cn, gồm cả Zhang Zetian (vợ của người sáng lập hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com - Richard Liu Qiangdong), nhà văn Hao Qun (được biết đến rộng rãi với bút danh Murong Xuecun), nhà biên kịch Chen Wanning (dùng bút danh Ninh Cai Shen).

Tuy nhiên, Tianya.cn “không thích nghi được với thời đại di động”, theo Ge Jia. 

Tianya.cn đã cố gắng tung ra một số ứng dụng dành cho thiết bị di động, gồm cả một dịch vụ tiểu blog, nhưng chúng không trở nên phổ biến”, Ge Jia nói.

Trong năm 2010, Tianya.cn đã thành lập "đơn vị kinh doanh không dây" chuyên phát triển các ứng dụng di động, theo hồ sơ NEQ của công ty.

Ge Jia cho biết những người dùng Tianya.cn trung thành thích viết các bài đăng dài tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn từ, khiến nó khó phù hợp trong thời đại có thói quen đọc trên smartphone. “Nó không giống như Weibo, nơi nội dung dạng ngắn phổ biến”, ông nói.

Xing Ming thừa nhận vào năm 2015 rằng cơ sở người dùng cùng lưu lượng truy cập Tianya.cn đã giảm mạnh và họ “mất người dùng vào tay các mạng xã hội mới khác”.

Bản thân Ge Jia đã không truy cập Tianya.cn trong hơn ba năm. Ứng dụng mạng xã hội mà ông sử dụng thường xuyên nhất là WeChat đa năng.

tianya-cn-cong-thong-tin-dien-tu-tien-phong-o-trung-quoc-chim-trong-bong-toi.jpg
Tianya.cn đã phổ biến trước khi web di động ra đời ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

WeChat là ứng dụng mạng xã hội và nền tảng nhắn tin được phát triển bởi tập đoàn Tencent Holdings. WeChat trình làng vào năm 2011 và từ đó trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc.

Ngoài tính năng nhắn tin và mạng xã hội, WeChat cũng cung cấp một loạt các dịch vụ khác như thanh toán di động, chơi game, thương mại điện tử và thậm chí là ngân hàng trực tuyến. Người dùng cũng có thể thực hiện cuộc gọi thoại và video, chia sẻ ảnh và video, tham gia các nhóm trò chuyện.

Một tính năng thú vị của WeChat là Moments, cho phép người dùng chia sẻ bài viết với bạn bè và người theo dõi, tương tự như news feed của Facebook. WeChat cũng hỗ trợ các tài khoản chính thức cho doanh nghiệp và tổ chức, được sử dụng để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, cũng như tương tác với khách hàng.

WeChat đã đối mặt với nhiều tranh cãi về chính sách bảo mật, khi bị cáo buộc thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Tencent Holdings đã phủ nhận những cáo buộc này và khẳng định tuân thủ tất cả luật cũng như quy định liên quan.

Theo thống kê gần đây, WeChat có khoảng 1,3 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. Từ năm 2011 đến 2021, số lượng người dùng WeChat đã tăng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình là 48,7%, với sự tăng trưởng nhanh nhất đến trong vài năm đầu tiên.

Vì sao Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị Mỹ tấn công bằng bom dẫn đường chính xác?

Những bài báo tại Trung Quốc cho biết Đại sứ quán nước này ở Nam Tư cũ bị Mỹ đánh bom vào năm 1999 để phá hủy xác một máy bay tàng hình F-117 giấu trong tầng hầm?!

Tháng 5.1999, Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị tấn công bởi 5 quả bom dẫn đường chính xác phóng từ máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ. Ba công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng chống đối Mỹ và biểu tình giận dữ ở Trung Quốc.

Bất chấp lời xin lỗi từ Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton, chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định rằng đó không thể là một vụ tấn công nhầm và rằng quân đội Mỹ cố tình thả bom. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ cáo buộc đó là vụ tấn công có chủ đích.

Cuối tháng 5.2021, các bài báo trên mạng Trung Quốc đã đi sâu vào vấn đề, cho rằng lý do thực sự khiến Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư trở thành mục tiêu là do tại đây cất giữ một mảnh vỡ máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ.

Chỉ hơn một tháng trước vụ đánh bom sứ quán, một chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighhawk của Mỹ, được điều động trong cuộc xung đột ở Kosovo, đã bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không do Nga sản xuất, được quân đội Nam Tư do Serbia chỉ huy phóng lên.

Các mảnh vỡ của F-117 Nighhawk nằm ngổn ngang trên một khu đất nông nghiệp và một số sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở Nam Tư. Cũng thời điểm đó, các đặc vụ Trung Quốc đã lùng sục khắp khu vực, mua lại các bộ phận của chiếc máy bay từ người dân địa phương, theo lời Đô đốc Davor Domazet-Loso, khi đó là tham mưu trưởng quân đội Croatia láng giềng, nói với hãng tin AP vào năm 2011.

tianya-cn-cong-thong-tin-dien-tu-tien-phong-o-trung-quoc-chim-trong-bong-toi1.jpg
Người dân kéo đến xem xác chiếc F-117 của Mỹ bị bắn rơi vào ngày 28.3.1999 tại làng Budjanovci, Serbia, cách Belgrade khoảng 40km về phía tây - Ảnh: Reuters

F-117 Nighthawk là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới, được phát triển bởi công ty hàng không vũ trụ Lockheed (Mỹ), nay là Lockheed Martin.

Nghiên cứu phát triển F-117 Nighthawk bắt đầu từ những năm 1970, nên công nghệ của máy bay này vào thời điểm sự cố không còn là tối tân nhất nữa. Song, những mảnh vỡ của nó vẫn có giá trị làm vật liệu nghiên cứu và là tâm điểm chú ý của các nước đối thủ.

"Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã sử dụng những vật liệu đó để tìm hiểu sâu hơn về các công nghệ tàng hình bí mật", Đô đốc Domazet-Loso trả lời phỏng vấn hãng tin AP vào năm 2011.

Theo các bài báo của Trung Quốc, Bắc Kinh đã yêu cầu chính phủ Nam Tư chia sẻ phần còn lại của xác máy bay được thu hồi và sau các cuộc tham vấn, họ đã có được hệ thống dẫn đường, phần thân chính tàng hình và các bộ phận vòi phun động cơ chịu nhiệt. Do phải giữ bí mật, rất khó để người Trung Quốc vận chuyển ngay “kho báu” đó bằng đường biển hoặc đường hàng không. Kết quả là Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cất giữ chúng tạm thời trong tầng hầm của Đại sứ quán ở Nam Tư.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã phát hiện ra các tín hiệu định vị từ xác máy bay và biết được nơi cất giữ chúng là tầng hầm của toà nhà.

Các bài báo từ Trung Quốc kết luận rằng phi đội máy bay ném bom B-2 đã được Mỹ cử đi để giữ bí mật quân sự không rơi vào tay người Trung Quốc. Một trong những quả bom đã rơi trúng tầng hầm nhưng không phát nổ, để lại đống xác máy bay còn nguyên vẹn.

Sau đó, Trung Quốc đã dành 10 năm để nâng cấp công nghệ tàng hình của họ và tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tên lửa dẫn đường bằng laser. Năm 2011, AP từng cho rằng công nghệ dùng cho máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ chiếc F-117 Mỹ bị bắn rơi.

Năm 2011, tờ Thời báo Hoàn cầu đã phủ nhận giả thuyết Trung Quốc đánh cắp công nghệ của máy bay chiến đấu tàng hình từ Mỹ.

Thế nên vẫn chưa thể khẳng định các bài báo nói trên có nêu đúng sự thật về vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch Google Trung Quốc tham gia cuộc đua với ChatGPT, đặt tham vọng vào AI 2.0
Lý Khai Phục (Lee Kai-fu), cựu Chủ tịch Google Trung Quốc, là một trong những nhân vật công nghệ có tiếng mới nhất tham gia cuộc đua AI bằng kế hoạch thành lập công ty trí tuệ nhân tạo (AI) vượt xa "phiên bản ChatGPT của Trung Quốc".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Vì sao ngân hàng chỉ bán vàng mà không mua vào?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổng thông tin điện tử tiên phong ở Trung Quốc chìm trong bóng tối, dân mạng thương nhớ