Nghề báo giống với đạp xe đạp hàng ngày, dù bây giờ nhà báo tác nghiệp chủ yếu bằng xe máy, nhiều nhà báo tác nghiệp bằng xe ô tô “nhà giồng được”.
Đạp xe đường trường có lắm cái thú vị. Chẳng thế mà năm 1981, một chú em tôi quen, tên gọi Bảo ‘điên”, đã đạp xe từ Hà Nội vào Sài Gòn. Khi ghé Qui Nhơn thăm tôi, Bảo “điên” ở lại mấy ngày vui chơi với tôi, và lên đường lúc 1 giờ sáng để tiếp tục hành trình. Vợ tôi nấu xôi gói cho chú em ăn đường. Và chú em đã lập kỷ lục vượt 220 km qua hai ngọn đèo danh tiếng là đèo Cù Mông và đèo Cả trên chiếc xe đạp cà tàng. Chú cán đích ở Nha Trang lúc 22 giờ đêm cùng ngày. Đạp xe như thế thì hạnh phúc thật, dù người đời có bảo mình điên.
Nghề báo giống với đạp xe đạp hàng ngày, dù bây giờ nhà báo tác nghiệp chủ yếu bằng xe máy, nhiều nhà báo tác nghiệp bằng xe ô tô “nhà giồng được”. Phương tiện càng hiện đại thì độ nhanh nhạy độ kịp thời của bài báo càng được phát huy. Nhưng tôi nhớ, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chưa có internet, hoặc mới có nhưng chưa phổ biến, và xe gắn máy cũng chưa thật xịn như bây giờ, thì nhiều nhà báo, trong đó có tôi, vẫn di chuyển tác nghiệp bằng xe đạp, viết bài bằng máy đánh chữ, và gửi về toà soạn bằng fax. Vậy mà sao hồi đó guồng máy ở các tòa soạn báo lớn vẫn hoạt động thông suốt và nhanh nhạy tới mức mình phải ngạc nhiên như thế chứ.
Như tôi, khi viết bình luận bóng đá từ EURO cho tới World Cup, nhiều lúc rất khổ khi phải viết ở những địa điểm xa nhà. Như năm 1996 và năm 1998, khi tôi đưa con vào Sài Gòn thi đại học, đúng vào mùa EURO 1996 và mùa World Cup 1998, dù được bạn bao cho ở khách sạn bình dân không tốn tiền, nhưng những trận bóng đều diễn ra vào lúc từ 1 giờ sáng tới 3 giờ sáng, và khi vừa dứt trận đấu thì tòa soạn phải có bài ngay, sớm nhất.
Tôi cộng tác với tờ Tin Nhanh World Cup của báo Thanh Niên do anh Nguyễn Công Khế là Tổng biên tập, anh Đặng Thanh Tịnh là Phó tổng biên tập, cứ mỗi tối lại canh giờ xem bóng đá ở khách sạn để khi trận bóng vừa xong thì bò ra đánh máy chữ bài bình luận. May quá, tôi có cộng tác cả với Tin Nhanh World Cup của nhà báo Chánh Trinh và được ông bày cho kinh nghiệm viết bài bóng đá nhanh: khi hết hiệp 1 anh phải viết ngay 1/3 bài, rồi lúc kết thúc trận đấu anh viết 2/3 bài còn lại. Như thế sẽ nhanh hơn.
Năm 1998, ba bố con tôi ở cùng phòng, cùng xem bóng đá vì các cháu rất mê, và khi dứt trận, tôi viết thật nhanh cho xong hai bài báo cho hai tờ báo khác nhau, con tôi mang ngay xuống lễ tân để họ fax về cho báo, tiền lệ phí mỗi bài 2.000 đồng. Việc của hai đứa con tôi chỉ có vậy, nhưng đó là thời điểm chúng buồn ngủ nhất, mà phải căng mắt hoàn thành nhiệm vụ rồi mới được ngủ, sáng mai đi thi. Có hôm tôi đã lấy giờ đồng hồ báo thức (chứ không phải điện thoại báo thức như bây giờ), chả hiểu sao không nghe nó reo, có lẽ do tôi thức đêm nhiều, buồn ngủ quá nên không nghe chăng, lúc vùng dậy trận đấu đã qua nửa hiệp 1. Cũng không sao, khi tỉ số đang là 0-0. Viết bài bóng đá vất vả là thế, nhưng chỉ cần sáng sớm, mới hơn 5 giờ 30 phút sáng ra quầy báo trước cửa khách sạn, đã thấy bài mình trên trang báo rồi. Niềm vui lúc ấy thật dịu ngọt.
Tôi không hiểu, từ lúc tòa soạn nhận bài tới lúc báo ra sạp chỉ hơn 2 giờ đồng hồ, vậy mà phải đánh máy, phải dàn trang, phải đưa nhà in, làm sao mà báo ra sạp nhanh và đúng giờ đến vậy? Nhưng nếu báo ra chậm, sẽ mất thời cơ. Vì năm tháng ấy chẳng ai biết báo online là báo gì, chỉ có báo giấy, và phải ra sạp sớm để còn cạnh tranh bán. Từ 5 giờ 30 phút sáng người mua đã đông rồi. Nhắc lại chuyện này để anh em làm báo giấy bây giờ chép miệng tiếc nuối:“Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”
Có thể thời ấy chúng tôi đi xe đạp làm báo, nhưng tốc độ để có một bài báo không hề chậm thua bây giờ đâu, thậm chí còn phải nhanh hơn, tác nghiệp phải hợp lý hơn, và như thế, niềm vui cũng đậm đà hơn.
Làm báo một mình thì đạp xe cũng một mình.
Nhiều người hay đạp xe một mình có lẽ sẽ tốt cho xã hội. Những người đạp xe một mình thường hay nghĩ ngợi, và dễ độc lập trong suy nghĩ hơn. Một xã hội muốn phát triển phải cần có nhiều người biết suy nghĩ độc lập, dĩ nhiên theo hướng tích cực. Ở đâu ken đặc tâm lý bầy đàn, ở đó rất dễ bị dẫn dắt. Mọi thứ đều có mục đích riêng của nó. Và theo tín hiệu nào thì đi, theo tín hiệu nào thì dừng lại, bầy cừu vô thức biết, người chăn cừu ý thức biết. Tôi có thể là con cừu, nhưng không thuộc đàn cừu nào.
Albert Einstein nói: "Đời người như ngồi trên chiếc xe đạp. Chỉ có đi thì mới khỏi ngã" (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving). Biết vậy, nhưng nhiều khi thiếu cẩn thận một chút cũng ngã. Tôi là người đi xe đạp cẩn thận, viết báo cũng cẩn thận, nhưng nhiều khi cũng “lắc lư”, tuy chưa ngã tới mức bị thương tích. Vậy là may rồi.