Tại giải Ngôi sao xanh 2022, hạng mục webdrama, Nguyễn Quốc Trường Thịnh (vai Đại Thái Tử; Xì Dách - Phim Bụi đời chợ quê) đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng đầu tiên sau 5 năm theo nghiệp diễn của chàng trai đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và đam mê nghệ thuật.
Tìm cái mới trong một loạt vai
Ngay từ thời điểm đầu bước chân vào nghệ thuật, Thịnh nhanh chóng được giao nhiều vai chính trong cả truyền hình lẫn sitcom (situation comedy, tạm dịch là “hài kịch tình huống”). Vẻ đẹp trai đầy nam tính là một lợi thế, nhưng bản thân Thịnh cũng ý thức rằng điều quan trọng của một diễn viên là sự hóa thân chứ không chỉ dựa vào ngoại hình. Thịnh đăng ký và học hành chăm chỉ tại lò đào tạo Xuân Phước và sân khấu Idecaf. Dẫu nhanh chóng có nhiều vai diễn lớn, nhưng theo chính nhìn nhận của Thịnh, anh vẫn chưa tạo được dấu ấn đậm nét.
Tình hình bắt đầu thay đổi khi vai Trường Ca của Trường Thịnh trong phim Mẹ trùm nhận được phản hồi nồng nhiệt từ khán giả. Trường Ca là một giang hồ có vẻ ngoài trí thức. Trong vai này, Trường Thịnh đã lột tả được tính cách hào hoa phong nhã của một doanh nhân nhưng lạnh lùng trong các cuộc giao chiến mang đậm tính chất xã hội đen, và trượng nghĩa với anh em. Diễn xuất của anh đã chạm vào cảm xúc của công chúng.
Tiếp đến, hai vai diễn đối lập tính cách trong webdrama Bụi đời chợ quê đã công nhận Thịnh là một đại ca giang hồ biến hóa đa sắc về tâm lý của màn ảnh Việt. Tại Bụi đời chợ quê, Thịnh hóa thân vào hai tính cách của nhân vật đại ca giang hồ trước và sau khi mất trí nhớ. Vai Đại Thái Tử của Bụi đời chợ quê cũng có nét tương đồng với Trường Ca của Mẹ trùm về sự trầm tính và lạnh lùng trong giải quyết ân oán giang hồ, nhưng Đại Thái Tử thì có cả sự hài hước, điều mà trước đây chưa phải là thế mạnh của Thịnh.
Đến giờ này, riêng thể loại đại ca giang hồ, Thịnh đã lột tả được nhiều dạng tâm lý. Nếu nói rộng ra Thịnh diễn tốt cả vai phản diện, chính diện.
Có ý kiến cho rằng, webrama là thể loại không chính thống nên chưa được chọn lựa ở các giải thưởng lớn. Thịnh quan niệm, nếu xét về phong cách thì phim webrama gần với chất điện ảnh hơn phim truyền hình. Điểm mạnh của webdrama là tiếp cận được với số đông khán giả trẻ. Một số đạo diễn cũng biết chắt lọc tình huống để không sa đà vào việc khuyến khích điều sai trái, ảnh hưởng tâm lý giới trẻ.
Ngược lại, phim truyền hình kiểm soát chặt chẽ hơn về mặt nội dung và thông điệp hướng tới giáo dục. Nhìn chung, cả hai thể loại đều có những điểm mạnh rất đáng trân trọng, và buộc có những sở trường riêng, không phải giỏi làm phim truyền hình thì có thể thành công ở webdrama.
Dẫu nhận giải thưởng phim ảnh, nhưng ngay thời điểm được vinh danh, Thịnh gửi lời cám ơn cố đạo diễn Vũ Minh, người thầy của anh tại sân khấu kịch Idecaf. Thịnh chia sẻ: “Thầy Xuân Phước hiện đang còn sung sức cống hiến, thầy Vũ Minh thì đã về chốn bình yên. Cả hai thầy đều là những người giỏi nghề và hết lòng với học trò. Với tôi, nghĩa tử là nghĩa tận, nhân dịp trọng đại nhất tôi thể hiện tình cảm của mình cho một trong những vị thầy đáng kính đã không may mắn rời bỏ ánh đèn sân khấu. Tôi hy vọng rằng ở một nơi nào đó, thầy sẽ rất vui khi tôi được công nhận và vinh danh”.
Dấn thân nghề diễn trong lúc thất nghiệp
Trường Thịnh sinh năm 1992 tại một huyện miền quê, khá gần nhà ngôi sao Quyền Linh ở tỉnh Tiền Giang. Trong gia đình Thịnh, từ ông nội đến cha và các cô chú đều hát hay và tham gia ca hát tài tử, nhưng không ai trở thành nghệ sĩ. Duy chỉ có một người em của ông nội là bầu kiêm soạn giả cải lương khá nổi danh ở miền Tây.
Lớn lên trong một không gian âm nhạc nên Thịnh thích nghệ thuật, nhưng niềm yêu thích đó chưa đủ lớn thành đam mê để dấn thân. Vì vậy, Thịnh thi vào trường đại học giao thông vận tải TPHCM, chuyên ngành hàng hải. Thời sinh viên, ý thức được gia cảnh nghèo, Thịnh tranh thủ dạy thêm để kiếm tiền trang trải chi phí đắt đỏ ở đất Sài Gòn.
Nhận thấy Thịnh có ngoại hình đẹp, vài bạn đã rủ anh đăng ký casting các chương trình quảng cáo. Anh đã nhận được khá nhiều hợp đồng làm hình ảnh thương hiệu, và công việc mang đến một khoản thu nhập đáng kể giúp chàng sinh viên nghèo duy trì được việc học hành. Ra trường, Thịnh làm việc cho một công ty hàng hải, chuyên mảng giao nhận.
Công việc bắt buộc anh phải giao tiếp, thường xuyên có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng với đối tác của công ty. Đồng lương khá tốt, nhưng việc phải uống quá nhiều rượu khiến sức khỏe Thịnh sa sút. Thịnh suy nghĩ một cách thật nghiêm túc về công việc mà mình đang mưu sinh. Anh quyết định từ bỏ, mà chưa biết ngày mai mình sẽ làm gì để sống.
Trong lúc thất nghiệp, Thịnh cùng một người bạn đi casting quảng cáo. Đạo diễn yêu cầu anh thử vai. Dù không có ý định tham gia nhưng Thịnh được chọn với yêu cầu là phải học diễn xuất. Thịnh đăng ký học lớp dạy diễn xuất ngắn hạn tại hãng phim Xuân Phước. Lò đào tạo này cùng tọa lạc trong cùng khuôn viên với lò đào tạo sân khấu Idecaf. Vì vậy, Thịnh quyết định đăng ký học thêm tại lò Idecaf.
Nhờ có năng khiếu nghệ thuật nên khi khóa học kết thúc, Thịnh được chọn vào vai phản diện Trịnh Hâm trong vở nhạc kịch kinh điển Tiên nga của Idecaf và được diễn chung với thần tượng NSƯT Thành Lộc. Với Thịnh, đó là một giấc mơ. Tất cả nhờ sự chỉ dẫn và tạo điều kiện của cố đạo diễn Vũ Minh.
Nhìn lại chính mình
Dù mới bước vào nghề, nhưng nhờ sự chỉ dạy của nghệ sĩ tiền bối, Trường Thịnh diễn sắc nét tính cách phản diện của Trịnh Hâm trong vở kịch Tiên nga. Với vai diễn này nhiều người trong nghề ngỡ anh đã từng làm nghề lâu năm. Vở kịch thành công đặc biệt và ở đó Trường Thịnh ghi một dấu ấn với công chúng và các đạo diễn. Kết quả là Thịnh được mời vào một loạt các vai chính, thứ chính trong phim truyền hình và sitcome. Hình ảnh của Thịnh dần dần xuất hiện sang cả các talkshow. Nhờ sự đắt show này đã giúp Thịnh giải quyết được tình trạng khó khăn tài chính, đồng thời khơi gợi niềm đam mê nghệ thuật tiềm ẩn trong anh.
Thịnh lao vào các dự án nghệ thuật bằng tất cả nguồn năng lượng dạt dào của tuổi trẻ. Dẫu vậy, đến một lúc, anh nhìn lại, và nhận thấy dù xuất hiện nhiều nhưng anh chưa đạt được một mức độ thành công tương xứng. Anh tìm câu trả lời. Anh tự nhận thấy mình chưa có đủ kinh nghiệm tích lũy nên chưa thể tạo được sự đột phá qua tính cách nhân vật phức tạp, biến hóa của nhân vật chính. Thịnh loay hoay tìm cách khắc phục. Rồi bế tắc và mất tự tin đến mức đạo diễn mời anh vào phim mới, đọc kịch bản xong, Thịnh từ chối vì nghĩ mình không đủ sức.
Thịnh tâm sự: “Sự thuận lợi ngay trong những ngày đầu mới bước vào nghề là điều ai cũng mong muốn, vậy nhưng, tôi nhận ra điều đó thật sự không tốt. Tôi chưa đủ thời gian rèn luyện, thử thách để trưởng thành nên càng về sau càng đuối sức”.
Cho đến phim Mẹ trùm cũng thế. Đó là khoảng thời gian Thịnh tạm dừng để tìm ra lối đi mới cho mình. Đọc kịch bản xong, Thịnh khóc vì xúc động. Kịch bản chung rất hay, còn thân phận vai Trường Ca vô cùng thăng trầm, vừa đáng thương vừa đáng kính phục. Vậy nhưng Thịnh xin không nhận vai. Lý do vì anh sợ sẽ làm đạo diễn thất vọng.
Đạo diễn Hồng Chi động viên Thịnh rất nhiều. Thịnh xin được casting và được chọn. Kỳ vọng bộ phim sẽ tạo bước ngoặt cho mình, Thịnh đã dồn hết sức vào đó. Có những hôm quay từ tối đến sáng, Thịnh và anh em kiệt sức, nhưng niềm tin vào chất lượng bộ phim khiến họ bật dậy làm việc quên hết mệt mỏi. Để rồi sau khi phim phát sóng, những dòng bình luận đầy thiện cảm về bộ phim suốt thời gian qua đã đền bù cho khoảng thời gian miệt mài đầy mồ hôi và nước mắt.
Chính bộ phim là một trường học giúp Thịnh khám phá chính mình, và dạy nhiều bài học quý báu từ thực tế trường quay. Đến vai Đại Thái Tử thì Thịnh đã rất tự tin, hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đây cũng là thời điểm Thịnh tiếp tục đắt show phim truyền hình và cả webdrama.
Giờ đây, sau vài năm dồn hết tâm huyết cho phim ảnh, Thịnh bắt đầu nhớ về và mong mỏi được cống hiến cho sân khấu Idecaf, nơi đã đào luyện kỹ năng hóa thân của Thịnh từ những ngày đầu tiên. Sân khấu với Thịnh là “thánh đường”, và nơi đó còn níu giữ nhiều tình cảm đẹp đẽ của thầy Vũ Minh, cùng những ngôi sao đồng nghiệp tiền bối.