Elon Musk lên tiếng về các quy định trên App Store và tác động của nó với Spotify sau khi ứng dụng phát nhạc trực tuyến công bố báo cáo thu nhập hôm 25.10.
Tỷ phú giàu nhất thế giới đã phản hồi về bài viết của The New York Times mà Giám đốc điều hành Spotify - Daniel Ek chia sẻ trên Twitter. Bài viết cho biết Apple đã từ chối Spotify trên App Store ba lần trong một tháng, cho rằng tính năng sách nói của nó phá vỡ các quy tắc xung quanh việc các nhà phát triển ứng dụng giao tiếp với người dùng về việc mua hàng trực tuyến.
Daniel Ek viết trong một bài đăng trên Twitter rằng Apple vẫn đang đặt các đối thủ cạnh tranh vào thế bất lợi, điều mà ông cho rằng có tác động rất lớn đến các nhà phát triển ứng dụng, người tiêu dùng, nhà xuất bản và tác giả.
"Nếu không có các nhà hoạch định chính sách hành động, sẽ không có gì thay đổi. Tôi không phải là người duy nhất nhìn thấy điều phi lý", Daniel Ek nhấn mạnh.
Elon Musk đã trả lời bài đăng của Daniel Ek với dòng tweet: "Đáng lo ngại".
Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX cũng trả lời một bài đăng khác về việc Apple cập nhật hướng dẫn thanh toán của mình. Cụ thể hơn, ông nói rằng các nền tảng truyền thông xã hội cho phép quảng cáo và tính phí các bài đăng trên phương tiện truyền thông (chẳng hạn Instagram) phải tuân theo chính sách của Apple cắt giảm 30% doanh thu với mua hàng trong ứng dụng.
"30% là rất nhiều", Elon Musk viết trên Twitter.
Apple yêu cầu các ứng dụng trên App Store, nơi bán nội dung như chương trình hoặc sách, phải sử dụng hệ thống thanh toán của công ty cho bất kỳ giao dịch mua hàng trong ứng dụng nào và áp thuế 30%.
Nhận xét của Elon Musk được đưa ra sau khi thu nhập của Spotify được công bố vào ngày 25.10. Báo cáo cho biết Spotify có 456 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong quý 3/2022, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021, và 195 triệu người đăng ký trả phí, tăng 13% so với một năm trước.
Bài đăng trên Twitter của Daniel Ek là phản ứng mới nhất từ Spotify về các quy tắc trên App Store. Spotify đã cáo buộc Apple có các hành vi chống cạnh tranh và trước đó từng thách thức quyền kiểm soát của nhà sản xuất iPhone với App Store.
Trước đây, Apple thu hoa hồng 30% từ các nhà phát triển ứng dụng có doanh thu hàng năm hơn 1 triệu USD thông qua App Store. Song với các nhà phát triển kiếm được ít hơn, Apple chỉ thu phí 15% thông qua chương trình Small Business Developer Program.
Hồi tháng 5, Elon Musk từng chỉ trích mức phí Apple áp dụng cho App Store. Tỷ phú 51 tuổi gọi mức hoa hồng mà Apple đang thu của nhà phát triển "chắc chắn không ổn" và giống như "đánh thuế 30% trên internet". Ông thậm chí còn nói mức phí này "cao hơn gấp 10 lần mức nên có theo đúng nghĩa đen".
Vào tháng 7.2021, Elon Musk cũng chê bai Apple vì tạo ra “một khu vườn có tường bao quanh” và khẳng định Tesla sẽ không bao giờ làm điều tương tự.
"Tôi nghĩ chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mục tiêu của mình là hỗ trợ sự phát triển của năng lượng bền vững. Điều đó không phải để tạo ra một khu vườn với tường bao quanh và sử dụng nó để chèn ép đối thủ cạnh tranh mà là được dùng bởi các công ty khác nữa", Elon Musk trả lời câu hỏi về việc cho phép đối thủ cạnh tranh sử dụng mạng lưới trạm sạc của Tesla.
Thời điểm đó, giữa Apple và Epic đang xảy ra kiện tụng về vấn đề phí hoa hồng, cũng như phương thức thanh toán mua hàng trong ứng dụng trên App Store. Elon Musk đã đứng về phía công ty game và gọi cách thu của Apple là "thuế toàn cầu trên internet".
Tesla và Apple từng va chạm khi nhà sản xuất iPhone lôi kéo nhân viên cũ của Elon Musk để bước chân vào thị trường ô tô điện. Năm 2015, Elon Musk từng gọi Apple là "nghĩa địa của Tesla".
"Nếu bạn không làm được việc gì ở Tesla, hãy sang làm ở Apple", Elon Musk mỉa mai đối thủ.
Hiện Elon Musk đang trong quá trình mua lại Twitter với mức giá 44 tỉ USD.
Elon Musk thông báo kế hoạch hoàn tất việc mua Twitter vào ngày 28.10
Elon Musk đã thông báo với các nhà đầu tư đã cam kết tài trợ cho việc mua lại Twitter rằng ông có kế hoạch hoàn tất thương vụ vào ngày 28.10, theo một người quen thuộc với vấn đề này.
Các nhà đầu tư, bao gồm Sequoia Capital, Binance, Qatar Investment Authority và những người khác, đã nhận được thủ tục giấy tờ cần thiết cho cam kết tài trợ từ các luật sư của Elon Musk, nguồn tin cho biết thêm.
Động thái này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Elon Musk có kế hoạch tuân thủ thời hạn hoàn thành giao dịch của thẩm phán tòa án Delaware vào ngày 28.10.
Các ngân hàng cam kết tài trợ cho việc mua lại Twitter của Elon Musk đã hoàn thành thỏa thuận tài trợ nợ cuối cùng và đang trong quá trình ký các tài liệu cần thiết, theo báo cáo của Bloomberg News.
Theo báo cáo, Elon Musk đã cam kết kết thúc thỏa thuận trong một cuộc họp video với các chủ ngân hàng đang giúp tài trợ cho thỏa thuận.
Cổ phiếu Twitter đã tăng vọt sau tin tức này và đang giao dịch ở mức 52,78 USD vào ngày 26.10, gần với giá đề nghị của Elon Musk là 54,20 USD.
Các ngân hàng, gồm cả Morgan Stanley và Bank of America Corp, đã cam kết cung cấp khoản vay nợ trị giá 13 tỉ USD để hỗ trợ cho thỏa thuận mua lại Twitter.
Các nhà đầu tư khác, gồm cả người đồng sáng lập Oracle Corp - Larry Ellison và Hoàng tử Ả Rập Saudi - Alwaleed bin Talal, sẽ tham gia với 7,1 tỉ USD.
Việc kết thúc thương vụ sẽ dập tắt nhiều tháng đồn đoán rằng Elon Musk sẽ từ bỏ việc tiếp quản Twitter.
Elon Musk tự nhận mình là người ủng hộ tự do ngôn luận và chỉ trích cách tiếp cận của Twitter trong việc giám sát nội dung bạo lực hoặc thù hận, dẫn đến lệnh cấm với nhiều tiếng nói bảo thủ nổi tiếng, trong đó có ông Trump.
Chính phủ Mỹ đang xem xét các đánh giá an ninh quốc gia với một số dự án kinh doanh của Elon Musk, bao gồm cả thương vụ tiếp quản Twitter của ông, tờ Bloomberg đưa tin.
Các kế hoạch của Elon Musk để mua Twitter với giá 44 tỉ USD với sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Saudi, quỹ tài sản có chủ quyền của Qatar và Binance Holdings (được thành lập bởi doanh nhân Trung Quốc) khiến các quan chức chính quyền Biden lo ngại.
Các quan chức đang xem xét những công cụ nào họ có thể sử dụng để xem xét các dự án kinh doanh của Elon Musk, bao gồm cả hành động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan đánh giá việc mua lại các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài.
CFIUS thực hiện đánh giá bảo mật nếu "giao dịch có nguy cơ làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ", theo quy định của liên bang. Khi xem xét giao dịch, CFIUS có thể đề xuất với tổng thống rằng một giao dịch bị đình chỉ hoặc bị cấm, theo quy định.
Nếu việc mua lại Twitter được CFIUS xem xét vì lý do an ninh quốc gia, cơ quan này có thể đề xuất với Tổng thống Biden để ông chấm dứt thỏa thuận - điều mà bản thân Elon Musk cố gắng mà không thực hiện được những tháng gần đây.
Các Tổng thống Mỹ từng hủy bỏ các giao dịch trong quá khứ theo khuyến nghị của CFIUS. Vào năm 2019, ông Donald Trump đã ngăn chặn nỗ lực của Beijing Shiji Information Technology Co để mua lại nền tảng quản lý khách sạn StayNTouch sau đề xuất từ CFIUS.
Mạng internet vệ tinh Starlink của SpaceX cũng có thể bị đánh giá an ninh quốc gia. Các quan chức Biden lo ngại sau khi Elon Musk đăng dòng tweet đề xuất "kế hoạch hòa bình" cho cuộc chiến dường như thiên về Nga.
Elon Musk đã liệt kê một số lựa chọn, bao gồm cả việc thực hiện lại các cuộc bầu cử ở 4 khu vực Ukraine mà Nga sáp nhập gần đây là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia; biến Crimea trở thành một phần vĩnh viễn của Nga; giữ cho Ukraine vai trò trung lập trong tương lai.
Tweet này đến trước cảnh báo của SpaceX rằng công ty có thể phải ngừng cung cấp Starlink cho Ukraine. Sau đó, Elon Musk tuyên bố SpaceX sẽ tiếp tục tài trợ Starlink cho Ukraine dù thua lỗ.
Tỷ phú giàu nhất thế giới cũng tiết lộ yêu cầu tài trợ mà SpaceX gửi đến Lầu Năm Góc để nhận khoản thanh toán cho Starlink ở Ukraine đã được rút lại.