Sau 1 năm thảm hại nữa với Facebook, các chuyên gia và nhà hoạt động đã thấy những cách rõ ràng để giải quyết các vấn đề của nó.
Năm nay, công chúng đã chứng kiến tình hình đáng báo động của Facebook sau khi vụ rò rỉ lớn tài liệu nội bộ tiết lộ mức độ của thông tin sai lệch về vắc xin và chủ nghĩa cực đoan trên nền tảng này, cùng những tác động độc hại của Instagram với thiếu niên.
Các nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số trên khắp thế giới đã cảnh báo về những vấn đề này trong nhiều năm, nhưng với việc Facebook đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn, năm 2022 có thể mang đến cơ hội hành động chưa từng có.
Tờ The Guardian đã nói chuyện với các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động và chuyên gia công nghệ về cách Facebook có thể được cải tiến vào năm 2022 và hơn thế nữa, cùng các giải pháp sáng tạo có thể mang lại sự thay đổi.
Quy định pháp luật
Ở Mỹ, con đường đi tới quy định pháp luật có thể là chặng đường dài. Song năm nay đã chứng kiến những lời kêu gọi hiếm hoi của lưỡng đảng nhằm thắt chặt các quy tắc với các hãng công nghệ lớn.
Điều 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp, bảo vệ Facebook khỏi các vụ kiện nếu người dùng đăng bất kỳ điều gì bất hợp pháp, một lần nữa bị xem xét kỹ.
Rashad Robinson, Chủ tịch nhóm dân quyền Color of Change, người đã dẫn đầu cuộc tẩy chay Facebook vào tháng 7.2020, nói rằng việc sửa đổi nó là bước quan trọng đầu tiên.
“Tôi tin rằng cần phải loại bỏ quyền miễn trừ của Điều 230 khi nói về quảng cáo trả phí và những thứ kết nối với thiết kế sản phẩm”, Rashad Robinson cho hay.
Trong khi đó, các nhà lập pháp đã đưa ra dự luật: Đạo luật Tiến bộ nghiên cứu trẻ em và truyền thông cùng Đạo luật Công bằng thuật toán và minh bạch nền tảng trực tuyến năm 2021, sẽ tài trợ cho nghiên cứu về ảnh hưởng của nền tảng với những người trẻ tuổi và giải quyết các thuật toán khó diễn tả được của Facebook.
Rashad Robinson nói rằng những luật như vậy sẽ giải quyết “những cách mà Facebook kiếm tiền và từ chối chịu trách nhiệm”.
Năm 2022 sẽ chứng kiến phán quyết cuối cùng của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) với quy định chơi game trực tuyến của Đức, có thể khiến Facebook đối mặt với các vấn đề pháp lý do vi phạm quyền riêng tư.
Javier Pallero, Giám đốc chính sách của tổ chức dân quyền kỹ thuật số Access Now, nói bất kỳ quy định nào cũng phải xem xét đến quyền con người, đặc biệt là khi kiểm duyệt nội dung ở các nước.
Ông nói mô hình kiểm duyệt hiện tại của Facebook còn thiếu sót. “Họ cho phép quá nhiều hoặc gỡ xuống quá nhiều và về cơ bản sẽ kiểm duyệt các thực thể, nhà hoạt động trên khắp thế giới. Vì vậy, bạn cần người kiểm duyệt, cần đầu tư nhiều hơn, cần nhiều người hơn”, Javier Pallero chia sẻ.
Phá bỏ sự thống trị của Facebook
Quy mô tuyệt đối và sự thống trị thị trường của Facebook vẫn là rào cản lớn với sự thay đổi. Ngày càng có nhiều nhà lập pháp và những người khác đang kêu gọi thực hiện một giải pháp đơn giản: Hãy phá bỏ sự thống trị của Facebook.
Matt Stoller, Giám đốc nghiên cứu tại Dự án Tự do Kinh tế Mỹ, cho rằng sức mạnh khổng lồ của Facebook là mối đe dọa lớn nhất với nền dân chủ.
Matt Stoller nói về Mark Zuckerberg: “Ông ấy đang hoạt động như một người có chủ quyền. Đó là những gì mà một nhà độc quyền làm. Ai đó phải có quyền kiểm soát, quản lý quyền lực thị trường".
Đầu tiên, Matt Stoller thúc giục phá bỏ sự kìm kẹp của Facebook trên thị trường truyền thông xã hội. Khi Facebook tiếp quản tất cả đối thủ cạnh tranh của mình, “họ chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn, thực sự không có cách nào để giải quyết vấn đề đó”, theo Matt Stoller.
Thứ hai, Matt Stoller đề xuất đưa ra cáo buộc hình sự với Mark Zuckerberg và đội ngũ lãnh đạo của ông ta vì gian lận và giao dịch nội gián. Facebook đã bác bỏ những cáo buộc đó.
Thứ ba, Matt Stoller khuyến nghị áp đặt các quy tắc trên thị trường truyền thông xã hội để các công ty như Facebook không thể tham gia vào quảng cáo được thúc đẩy bởi giám sát siêu cá nhân hóa.
Sửa chữa Facebook từ bên trong
Một số động lực mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi đang đến từ lực lượng lao động của chính Facebook hoặc những nhân viên cũ, bao gồm Frances Haugen - cựu Giám đốc sản phẩm tại bộ phận liêm chính công dân Facebook, người đã tiết lộ hàng chục ngàn tài liệu nội bộ của công ty cho tờ Wall Street Journal cùng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ.
Jeff Allen và Sahar Massachi từng là nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư dữ liệu tại Facebook giúp xây dựng đội ngũ "liêm chính công dân và bầu cử" cho công ty, đang điều hành tổ chức phi lợi nhuận có tên Integrity Institute. Họ tin rằng giải pháp là trao quyền cho các chuyên gia liêm chính, những người xử lý các vấn đề như sự tin cậy, bảo mật và phát hiện hoạt động giả mạo.
Sahar Massachi cho biết văn hóa của Facebook đang khuyến khích điều ngược lại: Một nhóm sẽ gắn cờ nội dung có hại và khuyến nghị giảm mức độ tương tác, trong khi một nhóm khác sẽ dùng thủ thuật để tăng mức độ tương tác với nội dung có hại.
Để khắc phục điều này, Sahar Massachi đề xuất giới thiệu một số liệu hàng tháng xếp hạng các công ty dựa trên tính liêm chính. Các cơ quan quản lý có thể giám sát các công ty dựa trên số liệu này. Ông hình dung các cơ quan quản lý có thể thực hiện hành động cụ thể nếu các công ty không duy trì được điểm số của họ.
Katie Harbath, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty tư vấn chính sách công nghệ Anchor Change, nói việc thiếu trao quyền cho các nhóm liêm chính là một vấn đề thuộc về cơ cấu tại Facebook.
Bà nói: “Thực tế nhóm liêm chính báo cáo cho nhóm tăng trưởng là có vấn đề, dẫn đến việc ưu tiên tăng trưởng. Một cách để nghĩ về điều này là đặt sự chính trực và tăng trưởng ngang hàng trong công ty”.
Chia sẻ thêm dữ liệu cho các nhà nghiên cứu
Khi Facebook hứa sẽ hợp tác trong một sáng kiến nghiên cứu với các học giả sau vụ bê bối Cambridge Analytica, đã có nhiều hy vọng rằng nó sẽ làm sáng tỏ cách công ty ảnh hưởng đến xã hội. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã gặp phải dữ liệu thiếu sót và không đầy đủ, chỉ một số ít học giả được cấp quyền truy cập.
Vụ bê bối liên quan tới việc Facebook cùng công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica thu thập trái phép thông tin người dùng để phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Nate Persily, Giáo sư tại Trường Luật Stanford và là Giám đốc Trung tâm Chính sách Mạng Stanford, đã làm việc với Facebook với tư cách học giả nhưng ngày càng trở nên thất vọng với lượng dữ liệu mà công ty chia sẻ với các nhà nghiên cứu. Kể từ đó, ông đã soạn thảo văn bản Đạo luật về tính minh bạch nền tảng và trách nhiệm giải trình, sẽ cấp cho các học giả quyền truy cập vào thông tin mà công ty truyền thông xã hội nắm giữ, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Nate Persily nói: “Những công ty này đã phát triển mạnh trong sự bí mật và chúng ta đang thấy điều đó từ những tiết lộ của Frances Haugen”.
Lợi ích của việc chia sẻ thêm dữ liệu của Facebook cho các nhà nghiên cứu:
Thứ nhất, nó sẽ giúp giới học giả và công chúng biết về những gì đang xảy ra trên nền tảng này, bao gồm vai trò của các thuật toán, ứng dụng nhắm mục tiêu đến trẻ em và tỷ lệ thông tin sai lệch.
Thứ hai, Facebook sẽ hành xử khác nếu biết rằng nó đang bị theo dõi.