FTX chìm trong hỗn loạn hôm 12.11 khi phát hiện ra truy cập trái phép.
Các nhà phân tích nói rằng hàng trăm triệu USD tài sản đã bị chuyển khỏi sàn giao dịch tiền mã hóa này trong trường hợp đáng ngờ.
FTX đã nộp đơn xin phá sản hôm 11.11 sau khi các nhà giao dịch vội vã rút 6 tỉ USD khỏi nền tảng chỉ trong 72 giờ và sàn giao dịch đối thủ Binance đã từ bỏ một thỏa thuận giải cứu FTX được đề xuất.
John J. Ray III, Giám đốc điều hành FTX, cho biết hôm 12.11 rằng công ty đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan quản lý để giảm thiểu vấn đề và đang thực hiện "mọi nỗ lực để bảo vệ tất cả tài sản, ở bất kỳ đâu".
Sự sụp đổ của FTX đã chứng kiến người sáng lập Sam Bankman-Fried (30 tuổi), nổi tiếng với trang phục quần đùi và áo phông, từ việc trở thành ngôi sao cho những thành công của tiền mã hóa trở thành nhân vật chính trong vụ tai nạn lớn nhất ngành.
Bankman-Fried, sống ở Bahamas (quốc gia nói tiếng Anh tại Vùng Caribe), từng là chủ đề về những đồn đoán về nơi ở của anh. Bankman-Fried phủ nhận tin đồn trên Twitter rằng anh đã bay đến Nam Mỹ. Khi được hãng tin Reuters hỏi liệu đã bay đến Argentina chưa, Bankman-Fried trả lời bằng tin nhắn: "Không". Bankman-Fried nói với Reuters anh đang ở Bahamas.
Các nguồn tin nói Reuters hôm 11.11 rằng sự hỗn loạn tại FTX khiến ít nhất 1 tỉ USD tiền của khách hàng biến mất khỏi FTX. Bankman-Fried đã chuyển 10 tỉ USD tiền khách hàng sang công ty thương mại Alameda Research của mình, theo các nguồn tin.
Vấn đề mới xuất hiện hôm 12.11 khi Ryne Miller, Tổng cố vấn của FTX U.S, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng tài sản kỹ thuật số của công ty đang được chuyển vào kho lạnh để giảm thiểu thiệt hại khi thấy các giao dịch trái phép. Kho lạnh đề cập đến các ví tiền mã hóa không được kết nối với internet để đề phòng hacker.
Công ty phân tích blockchain Nansen cho biết đã thấy 659 triệu USD chảy ra từ FTX International và FTX U.S trong 24 giờ qua.
Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, khoảng 515 triệu USD tiền mã hóa "nghi đã bị đánh cắp", trong khi 186 triệu USD có thể đã được FTX chuyển vào kho lưu trữ an toàn.
Sàn giao dịch tiền mã hóa Kraken thông báo: "Chúng tôi có thể xác nhận rằng đội của chúng tôi biết danh tính tài khoản liên quan đến vụ hack FTX đang diễn ra và chúng tôi cam kết làm việc với cơ quan thực thi pháp luật nhằm đảm bảo họ có mọi thứ cần thiết để điều tra vấn đề này".
FTX chưa bình luận về dòng tiền ra hoặc tuyên bố của Kraken.
Trong đơn yêu cầu phá sản, FTX Trading cho biết có tài sản từ 10 tỉ đến 50 tỉ USD, nợ phải trả từ 10 tỉ đến 50 tỉ USD và hơn 100.000 chủ nợ. John J. Ray III, chuyên gia tái cấu trúc, được bổ nhiệm đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành FTX.
Theo một tài liệu mà Bankman-Fried chia sẻ với các nhà đầu tư hôm 10.11, FTX có 13,86 tỉ USD nợ phải trả và 14,6 tỉ USD tài sản. Tuy nhiên chỉ có 900 triệu USD trong số tài sản đó là thanh khoản, dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt kết thúc với việc công ty phải nộp đơn phá sản.
Sự sụp đổ gây sốc với các nhà đầu tư và thúc đẩy các lời kêu gọi điều chỉnh lĩnh vực tiền mã hóa, vốn đã chứng kiến thiệt hại chồng chất trong năm nay khi giá loại tiền này lao dốc.
Alan Wong, Giám đốc vận hành của Sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Hồng Kông, cho biết: “Mọi thứ sẽ tiếp tục sôi sục sau sự cố FTX. Với khoảng cách 8 tỉ USD giữa nợ phải trả và tài sản, việc FTX vỡ nợ sẽ kích hoạt hiệu ứng domino, dẫn đến hàng loạt nhà đầu tư liên quan đến FTX phá sản hoặc buộc phải bán tài sản".
Kể từ khi thành lập năm 2019, FTX đã huy động được hơn 2 tỉ USD từ các nhà đầu tư hàng đầu, gồm cả Sequoia, SoftBank, BlackRock và Temasek. Vào tháng 1, FTX đã huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư với mức định giá 32 tỉ USD.
SoftBank và Sequoia Capital cho biết đang đánh dấu khoản đầu tư của mình vào FTX xuống còn 0.
Sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase Global Inc cũng sẽ xóa bỏ khoản đầu tư mà chi nhánh liên doanh của mình thực hiện vào FTX vào năm 2021, theo người quen thuộc với vấn đề này.
Bitcoin đã giảm giá xuống dưới 16.000 USD lần đầu tiên kể từ năm 2020 sau khi Binance từ bỏ thỏa thuận giải cứu FTX hôm 9.11. Hôm 12.11, Bitcoin được giao dịch quanh mức 16.800 USD, giảm hơn 75% so với mức cao nhất mọi thời đại là 69.000 USD từng có vào tháng 11.2021.
Token FTT của FTX đã giảm khoảng 91% trong tuần này. Cổ phiếu các công ty liên quan đến tiền mã hóa và blockchain cũng giảm.
Các nhà phân tích của Citi Group viết: “Chúng tôi tin rằng thị trường tiền mã hóa vẫn còn quá nhỏ và quá ảm đạm để gây ra sự lây lan trong thị trường tài chính, với mức vốn hóa thị trường 890 tỉ USD so với 41.000 tỉ USD vốn chủ sở hữu của Mỹ. Trong hơn 4 năm, FTX đã huy động được 1,8 tỉ USD từ vốn đầu tư mạo hiểm và quỹ hưu trí. Đây là cách mà thị trường tài chính có thể bị ảnh hưởng, vì nó có thể có tác động nhỏ hơn nữa với các cú sốc danh mục đầu tư trong một chế độ vĩ mô đầy biến động".
Cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ đang điều tra việc FTX.com xử lý các khoản tiền khách hàng cũng như các hoạt động cho vay tiền mã hóa của nó, theo một nguồn tin có kiến thức về cuộc điều tra.
Quỹ phòng hộ tiền mã hóa Galois Capital có một nửa tài sản bị mắc kẹt trên FTX, tờ Financial Times đưa tin hôm 12.11, trích dẫn bức thư của người đồng sáng lập Galois Capital - Kevin Zhou gửi cho các nhà đầu tư và ước tính số tiền vào khoảng 100 triệu USD.