Việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Theo dòng thời sự

Gián đoạn nguồn cung xăng dầu: Có nguyên nhân từ Thông tư 38 của Bộ Công Thương

Lam Thanh 05/01/2024 17:55

Việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Chính sách bộc lộ nhiều bất cập

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, trong năm 2021, 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên… ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.

Qua đó, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm… dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế…

Nguyên nhân khách quan là do cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu còn một số bất cập, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng, giảm bất thường, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát tăng cao…

Nguyên nhân chủ quan là do các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành (giá cơ sở chưa bám sát sự biến động của thị trường, một số chi phí chưa điều chỉnh kịp thời…).

Ngoài ra, hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian. Một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước. Thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu.

Một số vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu như: Việc sản xuất, nhập khẩu xăng dầu; việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao; việc thực hiện kinh doanh xăng dầu đầu mối; việc mua bán xăng dầu, xuất hóa đơn không tuân thủ chế độ kế toán và quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng…

Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác

Đáng chú ý, theo TTCP, hiện nay Chính phủ đang cho áp dụng giá cơ sở xăng dầu để điều hành thị trường xăng dầu, trong khi đó, việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại.

Ví dụ, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường như quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá cơ sở thiếu cơ sở pháp luật; áp “định mức” về chi phí từ nhiều năm trước không phù hợp với thị trường; chi phí premium đưa vào giá cơ sở lớn hơn chi phí premium thực tế tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD); áp dụng chi phí cố định đã ban hành từ 2014 không phù hợp với thực tế hiện nay.

xang.jpeg
Gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Ngoài ra, Bộ Công Thương căn cứ vào cơ sở tính bình quân 15 ngày/10 ngày giá xăng dầu thế giới và các chỉ tiêu do Bộ Tài chính thông báo để áp dụng và tính giá cơ sở xăng dầu. Điều này dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không tính đúng, tính đủ theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác như chi phí thuế nhập khẩu, vận chuyển, bảo hiểm… không theo kịp biến động thị trường.

Do đó, khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ (ví dụ Công ty Long Hưng, Tổng công ty Xăng dầu quân đội đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu giảm, mặt hàng xăng hạn mức nhập khẩu bằng 0).

Theo TTCP, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Trường hợp bắt buộc phải nhập khẩu xăng dầu để bán thì để đảm bảo thu được lợi nhuận định mức và thu hồi vốn, các thương nhân đầu mối KDXD nhập khẩu thiếu khối lượng xăng dầu được giao, phải cắt giảm chi phí bán lẻ, giảm mức chiết khấu cho các đại lý.

Điều này dẫn đến tính trạng chiết khấu bằng 0, nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu tự ý không bán hàng, góp phần làm gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, TTCP nêu rõ, liên bộ Công Thương - Tài chính thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối KDXD dẫn đến một số thương nhân đầu mối xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở; chỉ gửi quyết định điều chỉnh giá, không gửi văn bản kê khai giá/văn bản đăng ký giá đến Bộ Công Thương.

Ngoài ra, tổ liên ngành được thành lập để giúp liên bộ thực hiện điều hành giá nhưng tổ này làm việc không theo quy chế, không hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng giá cơ sở xăng dầu, quá trình vận hành thị trường xăng dầu.

Thông tư 38 không rõ ràng

TTCP cho rằng, từ việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Thậm chí quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau là trái quy định của khoản 12 Điều 13 và Điều 15 Nghị định này; đồng thời vi phạm Luật Ban hành VBQPPL.

Theo TTCP, điều này dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống KDXD bị phá vỡ; "biến" thương nhân đầu mối KDXD thành thương nhân phân phối. Lý do là trách nhiệm của thương nhân đầu mối KDXD là phải thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết.

Tuy nhiên, khi mua bán xăng dầu, thương nhân đầu mối đã chuyển sang vai trò của thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông (điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc làm trung gian mua bán xăng dầu để hưởng chênh lệch giá hàng tỉ đồng).

Ngoài ra, việc thương nhân đầu mối KDXD mua bán với nhau và thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau sẽ tạo ra tầng nấc trung gian, dẫn đến việc hưởng chiết khấu chênh lệch giá.

Điều này đã dẫn đến việc một phần tiền chiết khấu và chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối KDXD. Trong vòng 5 năm (2017-2022), đã xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối KDXD mua bán xăng dầu, hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá khoảng 9.700 tỉ đồng; trong khi đó, một số thương nhân phân phối chỉ hưởng hơn 75 tỉ đồng.

Hệ quả của tình trạng trên là chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ giảm đi, thậm chí không còn. Đây là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.

"Khi thương nhân đầu mối KDXD dừng không mua - bán xăng dầu với nhau, dẫn tới gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước", kết luận thanh tra chỉ rõ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam khẳng định tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc
một giờ trước Sự kiện
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 16.1, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Đại hội đồng LHQ Khóa 79 đã tổ chức phiên họp toàn thể để nghe giới thiệu và thảo luận về các ưu tiên của Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gián đoạn nguồn cung xăng dầu: Có nguyên nhân từ Thông tư 38 của Bộ Công Thương