Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và Bộ trưởng Nội các tự xưng, nói rằng sẽ không có thỏa hiệp giữa NUG và chế độ quân sự trừ khi các yêu cầu của nhóm được đáp ứng. Ông hoan nghênh những quan ngại được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia ra 4 điều kiện để đối thoại với quân đội Myanmar

Nhân Hoàng | 25/04/2021, 10:50

Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và Bộ trưởng Nội các tự xưng, nói rằng sẽ không có thỏa hiệp giữa NUG và chế độ quân sự trừ khi các yêu cầu của nhóm được đáp ứng. Ông hoan nghênh những quan ngại được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Trong cuộc phỏng vấn từ một địa điểm không được tiết lộ, Tiến sĩ Sasa cho biết sẽ không có cơ hội đối thoại trừ khi chính quyền quân sự (được gọi là Hội đồng Hành chính Nhà nước) đồng ý với 4 điều kiện.

Không có thỏa hiệp, chúng tôi đã đặt ra 4 điều kiện của mình. Không phải tôi, đó là người dân Myanmar, chúng tôi không thể hợp pháp hóa việc giết người”, ông nói.

NUG đã yêu cầu chính quyền khôi phục các nhà lãnh đạo và nghị sĩ được bầu một cách dân chủ của Myanmar từ cuộc bầu cử tháng 11.2020, bao gồm cả người đứng đầu thực tế của đất nước là bà Aung San Suu Kyi. Các yêu cầu khác là chấm dứt bạo lực với dân thường, loại bỏ binh lính khỏi đường phố và trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Quân đội Myanmar tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận sau khi các đảng mà họ ủng hộ gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò và sử dụng cáo buộc này để biện minh cho việc đảo chính hôm 1.2.2021.

Tiến sĩ Sasa phát biểu sau khi các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gặp gỡ Tổng tư lệnh quân đội - Thượng tướng Min Aung Hlaing tại Thủ đô Jakarta, Indonesia. Tại đây, các nhà lãnh đạo ASEAN thuyết phục ông Min Aung Hlaing chấm dứt cuộc đàn áp bạo lực chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ khiến ít nhất 750 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em, và hơn 4.000 bị bỏ tù.

Theo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2021 – Brunei được đưa ra sau cuộc họp, 5 điểm được các nhà lãnh đạo hoặc đại diện của họ nhất trí với sự đồng ý của Min Aung Hlaing gồm:

1. Bạo lực ở Myanmar sẽ phải chấm dứt ngay lập tức và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế.

2. Đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

3. Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải tiến trình đối thoại, với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN (Lim Jock Hoi. người Brunei).

4. ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa).

5. Đặc phái viên và phái đoàn sẽ thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Tiến sĩ Sasa cho biết: “Dù chúng tôi hoan nghênh các tuyên bố, điều này sẽ được đo lường bằng mức độ hành động của họ. Chúng ta phải chờ xem họ có rút lực lượng hay không”.

chinh-phu-thong-nhat-quoc-ra-4-dieu-kien-de-doi-thoai-voi-quan-doi-myanmar3.jpg
Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia và Bộ trưởng Nội các

1 phần của tiến trình về 5 điểm nhất trí sẽ nằm ở Brunei, quốc đảo nhỏ bé ngoài khơi bờ biển Borneo đang nắm giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN. Tổng thư ký ASEAN, Lim Jock Hoi, cũng là nhà ngoại giao người Brunei.

Hiện không rõ ai sẽ thay mặt cho Ủy ban đại diện cho Hạ viện Myanmar (CRPH), nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ, và NUG trong bất kỳ cuộc đối thoại nào với chính quyền quân sự Myanmar, vì nhiều thành viên đang lẩn trốn hoặc bị bỏ tù sau khi hai nhóm này bị cho là bất hợp pháp.

Trong dấu hiệu có thể xảy ra rằng các nhà lãnh đạo ASEAN dường như vẫn chưa quyết định sẽ đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar, một số điều kiện của NUG gây thêm căng thẳng sau hội nghị thượng đỉnh hôm 24.4.

Các dự thảo trước đó về tuyên bố của Chủ tịch ASEAN có kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, nhưng đã bị loại bỏ trong phiên bản cuối cùng, theo hai nhà ngoại giao đã xem các dự thảo.

Dường như tạo tiền đề cho đối thoại nhưng tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch ASEAN cũng không đề cập đến các lời kêu gọi từ NUG để khôi phục nền dân chủ và cho phép các chính trị gia được bầu trở lại nắm quyền.

Nếu quân đội Myanmar phớt lờ các đề xuất chấm dứt bạo lực của ASEAN, NUG sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng sự ủng hộ từ quốc tế với chính phủ song song của mình, Tiến sĩ Sasa nói.

Phát biểu sau cuộc họp ASEAN, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo nói rằng "đối thoại toàn diện phải bắt đầu", đồng thời lặp lại lời kêu gọi thả các tù nhân chính trị: "Chúng tôi cần cử một đặc phái viên ASEAN để thúc đẩy các cuộc đối thoại liên quan đến tất cả các bên ở Myanmar".

Thế nhưng, Tiến sĩ Sasa nói rằng các đề xuất của ASEAN sẽ không đưa NUG và cơ quan lập pháp của nó - CRPH lên bàn thảo chừng nào 4 điều kiện của nhóm không được đáp ứng.

Các điều kiện của NUG là không thể thương lượng, Tiến sĩ Sasa lưu ý.

Nếu không có tiến triển về các điều kiện đối thoại của NUG, chính phủ song song này sẽ tiếp tục làm việc với cái mà Sasa gọi là "liên minh các quốc gia” để giành được sự công nhận và ủng hộ.

Chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau, chẳng hạn như với Anh, Mỹ, EU, cũng như các quốc gia châu Á bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc - họ là những nền dân chủ, họ phải giúp đỡ chúng tôi”, tiến sĩ Sasa nói.

Tiến sĩ Sasa cảnh báo những doanh nghiệp tiếp tục đóng thuế cho chế độ đang hỗ trợ quân đội Myanmar mua thêm vũ khí từ Trung Quốc và Nga để giết nhiều người hơn.

Ông nói Nhật Bản là một trong những "đồng minh mạnh nhất" của NUG và là một nền dân chủ hàng đầu ở châu Á. "Chúng tôi đang làm việc rất, rất chặt chẽ với Nhật Bản, NUG đã được hỗ trợ từ những ngày đầu".

Tiến sĩ Sasa cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước ASEAN cũng như các quốc gia khác hành động chống lại hoạt động kinh doanh của quân đội Myanmar.

Ông nói các nước như Singapore, được biết đến là một trung tâm ngân hàng nước ngoài được ưa chuộng với các thành viên quân đội cấp cao, nên tuân theo tinh thần đồng thuận ASEAN phản đối việc quân đội tiếp quản chính quyền và đóng băng tài khoản ngân hàng của họ.

Các doanh nghiệp ở các nước ASEAN đầu tư vào Myanmar, đặc biệt là các doanh nghiệp Singapore và Thái Lan, nên giữ lại tất cả khoản thanh toán cho chính quyền, Sasa nói.

"Hiện tại, trừ khi các tướng lĩnh quân đội ngừng giết người dân và rút các tay súng khỏi các đường phố trong nước, xin đừng đưa tiền cho họ. Những doanh nghiệp tiếp tục nộp thuế cho chế độ đang hỗ trợ quân đội mua thêm vũ khí từ Trung Quốc và Nga để giết nhiều người hơn", Tiến sĩ Sasa nói.

Là một phần của phong trào phản kháng lớn đã khiến bộ máy chính quyền và các ngân hàng ngừng hoạt động, những người biểu tình đang kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ việc tẩy chay thuế nhằm chặn các nguồn lực và tiền cho quân đội Myanmar.

Singapore và Thái Lan là hai trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Myanmar, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Hàn Quốc.

Sasa cho biết, sau khi NUG thiết lập các tài khoản ngân hàng ở Thái Lan, ông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Thái Lan ở Myanmar nộp thuế cho các tài khoản đó. Làm như vậy có nghĩa là những nhà đầu tư đó đang chuyển tiền "cho người dân Myanmar thông qua Chính phủ Myanmar, đó là NUG".

Nếu không, họ nên tạm thời giữ tiền của mình và nói với chính quyền rằng chúng tôi được chính phủ yêu cầu không đưa tiền ngay bây giờ", Sasa chia sẻ thêm.

Bài liên quan
Chính phủ Thống nhất Quốc gia kêu gọi Interpol bắt lãnh đạo quân đội Myanmar ở Indonesia
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) kêu gọi Interpol làm việc với cảnh sát Indonesia để bắt giữ lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ Thống nhất Quốc gia ra 4 điều kiện để đối thoại với quân đội Myanmar