Đại hội đồng LHQ đêm qua đã bỏ phiếu về cuộc tấn công của Nga tại Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.
Nghị quyết, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng. Trong đó có 5 nước bỏ phiếu chống và 35 nước bỏ phiếu trắng.
5 nước bỏ phiếu chống là Nga, Syria, Belarus, Eritrea và CHDCND Triều Tiên bỏ phiếu chống nghị quyết.
Tuy nhiên, dù số phiếu thuận áp đảo thì nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc mà chúng chỉ có sức nặng mang tính chính trị.
Trước đó vào cuối tháng trước, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu với nghị quyết do Mỹ và Albania soạn thảo. Ngoài Nga bỏ phiếu chống thì Trung Quốc, Ấn Độ và UEA đã bỏ phiếu trắng. Do Nga là một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên có quyền phủ quyết đối với nghị quyết.
Tại phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng LHQ tổ chức về tình hình Ukraine, đại diện Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Theo đó, Đại sứ hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28.2 giữa hai phái đoàn Ukraine và Nga và mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.
Đại sứ cũng nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.