Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, là kênh tiềm năng để đưa hàng Việt phủ sóng mọi nơi.
Hàng Việt là lựa chọn số 1
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, hàng Việt đã trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng Việt. Theo ghi nhận của PV tại nhiều hệ thống siêu thị ở Hà Nội như: Vinmart, Hapro, Co.opmart... hàng Việt Nam đang chiếm tới 90% thị phần hàng hóa. Tại hệ thống doanh nghiệp nước ngoài như: Mega Market, Big C,... hàng Việt Nam cũng chiếm tới 60 - 90%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ dừng lại ở cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hiện tại "Hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt". Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng vì nguồn gốc, nhãn hiệu, chất lượng ngày càng được cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng ưu tiên hàng trong nước, việc vận động ủng hộ hàng cứu trợ những nơi bị phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng hàng Việt. Lý do ưu tiên chọn hàng có nguồn gốc trong nước là vì mong muốn hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất với sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của địa phương lan tỏa khắp nơi.
Những năm qua, các cấp, các ngành đã vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền, đưa hàng Việt về khu vực công nhân, khu công nghiệp, chương trình bán hàng bình ổn đã mang lại hiệu quả thiết thực… nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hiện nay, làn sóng khởi nghiệp ở nước ta đang nở rộ. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Đồng thời góp phần cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối.
Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn, có chất lượng, nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt, đặc biệt là thâm nhập được vào các hệ thống siêu thị lớn như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart...
Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như: giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã...
Để doanh nghiệp thực hiện được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải tìm hiểu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Lưu ý đặt ra về quy chuẩn sản phẩm khi đưa vào hệ thống siêu thị và kênh phân phối bán lẻ. Đồng thời, đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khi sản xuất và sử dụng những hàng hóa sản xuất tại Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đề xuất thêm, khi sản xuất và sáng tạo ra sản phẩm, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho rằng, cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp. Đây sẽ là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro. Bà con nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất.
Như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, quản lý được chất lượng. Cùng với đó, có thể đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Thương mại điện tử được xem là hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tập trung phát triển để tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Vào tháng 3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025.
Đề án vạch ra 4 nhóm nhiệm vụ trong tâm gồm: Thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, chính sách phát triển chủ yếu gồm: Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng, miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam theo các phân khúc khác nhau tại thị trường trong nước.
Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhà nước tập trung xây dựng chiến lược và chính sách phát triển hàng Việt Nam trong lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường nội địa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp; hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”