Sáng 19.10, tại hội thảo khoa học với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở).

Không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các dự án du lịch lớn có thể ách tắc?

Lam Thanh | 19/10/2023, 10:40

Sáng 19.10, tại hội thảo khoa học với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở).

Sự phát triển du lịch bị ách tắc do... đất

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính trị giá dự án condotel khoảng 297.128 tỉ đồng, dự án villa 243.990 tỉ đồng, dự án shophouse khoảng 154.245 tỉ đồng. Tổng trị giá của 3 thứ sản phẩm này khoảng 681.886 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nêu tại điều 79 dự thảo Luật Đất đai hiện nay vắng bóng các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí thông thường. Dự án phải “dính” một phần chức năng ở (không quy định mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm) thì Nhà nước mới được thu hồi đất.

dau-tu-bat-dong-san-nghi-duong-chuyen-gia-khuyen-than-trong-voi-mot-noi.jpg
Hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

Chuyên gia pháp lý BĐS Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở), thậm chí trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở.

Chẳng hạn, tại những địa điểm phù hợp để làm du lịch (các địa phương ven biển còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... thuộc địa bàn cần thu hút đầu tư) thì cần ưu tiên thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, thậm chí tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, khu vực.

“Thực tế cho thấy, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn (ví dụ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn hecta, vốn đầu tư vài tỉ USD) để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực. Nếu giữ quy định như dự thảo luật hiện nay thì việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm sẽ gặp ách tắc”, ông Đỉnh nói.

Theo ông Đỉnh, để thực hiện các dự án du lịch, vui chơi, giải trí thì địa phương buộc phải “nhét” một phần đất ở (có thể tỷ lệ rất nhỏ) vào trong đồ án quy hoạch của dự án nhằm đáp ứng điều kiện thu hồi đất.

van-dinh.jpeg
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

“Hình thức “lách” này sẽ gây ra hệ lụy là quỹ đất ở không được sử dụng, gây lãng phí nguồn lực; hoặc nếu sử dụng thì sẽ hình thành chức năng ở trong phạm vi dự án du lịch. Việc cư dân sinh sống lâu dài trong dự án (đồng thời phải có các chức năng giáo dục, y tế, văn hóa..., hạ tầng xã hội khác kèm theo) sẽ làm giảm mức độ sang trọng của một dự án du lịch nghỉ dưỡng (ví dụ vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, phơi quần áo của cư dân... khiến du khách mất thiện cảm).

Tăng cường chế tài để tránh đầu cơ

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, Phó chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội chia sẻ, các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện nhà nước thu hồi đất trong Luật Đất đai 2003. Nghị định 84 năm 2007 cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ.

Sở dĩ bị loại bởi nhà làm luật không căn cứ vào mục tiêu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, rất dè dặt trong việc đưa vào Luật Đất đai danh sách các dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng các tổ hợp vui chơi giải trí, phục vụ du lịch mang tính kinh doanh. Chính vì vậy, Luật Đất đai 2013 đã đưa các dự án phát triển du lịch ra khỏi danh sách các dự án trong diện cần thu hồi đất.

“Trong khi đó, giai đoạn từ 2015-2019, du lịch phát triển mạnh mẽ. Nhiều tỉnh, thành phố xem phát triển du lịch là hướng đi tốt, xác định du lịch là mũi nhọn. Điều này cũng dẫn đến câu chuyện, dù pháp luật quy định BĐS du lịch không thuộc diện được nhà nước thu hồi đất nhưng nhiều tỉnh vẫn thu hồi đất và giao đất cho doanh nghiệp. Hệ quả là sau giai đoạn 2019 thì những câu chuyện liên quan pháp lý cho BĐS du lịch bắt đầu nảy sinh. Khi có yêu cầu rà soát, hàng loạt dự án bị treo do vướng quy định về giao đất và hệ quả đến bây giờ những dự án đó vẫn đang tiếp tục treo để chờ khung pháp lý mới”, ông Chung nêu.

hong-chung.jpeg
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, Phó chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội

Luật sư Chung cho rằng việc phát triển kinh tế mỗi giai đoạn đều có sự ưu tiên khác nhau. Khi chúng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì các dự án du lịch như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… phải được bổ sung vào diện nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đồng quan điểm nên bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo… Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội.

Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng; từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này.

luc.jpeg
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh cần “luật hóa” cùng với việc tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.

“Tránh tình trạng xin làm dự án du lịch 10ha nhưng chỉ làm một rạp chiếu phim, khu vui chơi… rồi bỏ không 9,5ha còn lại”, ông Lực nói.

Bài liên quan
Cuối năm, dòng tiền đổ về thị trường bất động sản vùng Đông Bắc Hà Nội
Sự xuất hiện của khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hội tụ nhiều chủ đầu tư uy tín tại khu vực Đông Bắc Hà Nội nhanh chóng tạo ra hấp lực mới, xoay hướng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, các dự án du lịch lớn có thể ách tắc?