Từ hàng trăm năm qua, người nhập cư luôn là một trụ cột quan trọng để tạo nên sức mạnh của nước Mỹ; và giờ đây khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump muốn phá hủy trụ cột này, thì nền kinh tế Mỹ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước hết.

Kinh tế Mỹ sẽ suy yếu nếu Donald Trump hạn chế nhập cư?

Nhàn Đàm | 16/11/2016, 17:33

Từ hàng trăm năm qua, người nhập cư luôn là một trụ cột quan trọng để tạo nên sức mạnh của nước Mỹ; và giờ đây khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump muốn phá hủy trụ cột này, thì nền kinh tế Mỹ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước hết.

Ngày mà ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump giành chiến thắngcó lẽ là một thời điểm không mấy sáng sủa đối với hàng chục triệu người nhập cư hoặc đang có ý định xin cấp quốc tịch Mỹ. Một bản kế hoạch 100 ngày sau khi trở thành tổng thống được các cố vấn của ông Trump đưa lên Internet đã công khai thừa nhận rằng, hạn chế nhập cư là một trong 3 ưu tiên chính của vị tân tổng thống. Theo dự kiến, ngoài kế hoạch xây dựng bức tường ngăn cách biên giới Mexico, thì chính phủ của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ trục xuất khoảng 2-3 triệu người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời siết chặt các quy định cấp thẻ xanh. Tuy nhiên, từ hàng trăm năm qua, người nhập cư luôn là một trụ cột quan trọng để tạo nên sức mạnh của nước Mỹ; và giờ đây khi ông Trumpmuốn phá hủy trụ cột này, thì nền kinh tế Mỹ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước hết.

Không khó để hiểulý do vì sao Donald Trump lại có xu hướng phản đối việc nhập cư, đặc biệt là nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Một quan điểm phổ biến tại xã hội Mỹ thời điểm hiện tại là người nhập cư, thường là gốc Mỹ Latinh như Mexico hay các nước châu Á, đang lấy mất việc làm của người Mỹ bản địa, kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới đang ở mức rất thấp là 4,9% - thấp nhất kể từ năm 2007 đến nay. Những phúc lợi xã hội tại Mỹ cũng đang phải chi trả nhiều hơn cho những người nhập cư thay vì người dân Mỹ bản địa, mà điển hình là chương trình Obamacare. Trong quan điểm của một bộ phận lớn người dân Mỹ, những người đã bỏ phiếu cho ông Trump, thì nền kinh tế Mỹ sẽ thịnh vượng và phát triển hơn nếu giảm tỷ lệ người nhập cư xuống.

Tuy nhiên, điều này đang đi ngược lại với lịch sử phát triển mạnh mẽ của chính nước Mỹ. Sự lớn mạnh của nước Mỹ trong lịch sử một phần lớn là đến từ số lượng người nhập cư khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới đến quốc gia này. Theo thống kê, kể từ thời điểm năm 1776 đến nay, dân số Mỹ đã tăng khoảng 120 lần, trong khi đó trong cùng giai đoạn thì dân số Anh chỉ tăng khoảng 10 lần mà thôi. Chính tốc độ tăng dân số chóng mặt đã giúp Mỹ qua mặt Anh trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới ngay từ những năm 1930, khi mà Anh vẫn đang là đế chế sở hữu lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới. Sự khác biệt chủ yếu đến từ người nhập cư.

Chính sách khá cởi mở đối với người nhập cư của Mỹ trong những năm gần đây cũng cho phép nước này duy trì được đà tăng trưởng kinh tế ổn định và thoát khỏi nguy cơ rơi vào giảm phát như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt. Sự già hóa dân số với số lượng người cao tuổi nghỉ hưu cần được chăm sóc tăng lên, trong khi số người trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm đi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng giảm phát và tăng trưởng kinh tế trì trệ đang diễn ra tại Nhật Bản, Đức và một số nền kinh tế phát triển khác, những nơi đều có điểm chung là tỷ suất sinh thấp, thậm chí âm.

Nếu chính phủ của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump siết chặt việc kiểm soát và hạn chế người nhập cư, nền kinh tế Mỹ có thể đi vào vết xe đổ của Nhật hay EU. Hiện tại tỷ suất sinh của người dân Mỹ đang thấp hơn mức tỷ suất sinh cân bằng là 2,1. Tỷ suất sinh cân bằng được xem là điều kiện bắt buộc đối với một quốc gia để có thể duy trì ổn định dân số về dài hạn. Trong phần lớn thời gian, tỷ suất sinh của người dân Mỹ ở mức rất cao, lên tới 3,5; nhưng đến thời điểm đầu những năm 2000 nó quay trở lại mức cân bằng là 2,1; và sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 diễn ra thì nó chỉ còn khoảng 1,9 mà thôi.

Nếu tình trạng hiện tại tiếp tục diễn ra thì Mỹ sẽ dần đi theo con đường già hóa dân số của Nhật và EU. Hạn chế nhập cư ở Mỹ chỉ khả dĩ khi tỷ suất sinh của người dân cao hơn mức cân bằng, đồng nghĩa với việc xã hội đủ khả năng để tự duy trì ổn định dân số về dài hạn mà không cần đến người nhập cư. Điển hình cho điều này là giai đoạn trước năm 1965, khi tỷ suất sinh tại Mỹ không bao giờ dưới 2,1. Sự ổn định về tăng trưởng dân số trong giai đoạn này khiến cho chính sách nhập cưcủa Mỹ trở nên khắt khe hơn bao giờ hết. Chỉ đến khi tăng trưởng dân số chững lại sau thời điểm năm 1965, thì chính sách nhập cư mới lại được nới lỏng.

Nói cách khác, nếu ôngDonald Trump vẫn quyết định ban hành các chính sách kiểm soát nhập cư một cách chặt chẽ sau khi nhậm chức, nó có thể đem lại những lợi ích về ngắn hạn khi phúc lợi xã hội và việc làm cho người bản địa sẽ nhiều hơn, nhưng về dài hạn nó có thể tiềm tàng những tai họa làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê, người nhập cư ngoài việc giữ vai trò là lực lượng lao động quan trọng, thì họ có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ hơn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để làm giàu hơn là người Mỹ bản địa. Nếu nhìn sang Trung Quốc, nơi chính phủ nước này đang phải chật vật tìm cách giải bài toán về tỷ suất sinh một cách khó khăn đến mức nào, thì vị tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ sẽ nhận ra rằng sự cởi mở về chính sách nhập cư truyền thống có thể đem lại những lợi ích lớn như thế nào, và cần phải phát huy thay vì tìm cách kiểm soát và hạn chế nó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Mỹ sẽ suy yếu nếu Donald Trump hạn chế nhập cư?