Hơn 1 năm qua, đời sống kinh tế người dân Nga vẫn không khác mấy so với lúc cuộc chiến tại Ukraine chưa nổ ra.
Tại thủ đô Moscow, người đến trung tâm mua sắm giảm bớt nhưng không đáng kể. Một số thương hiệu nước ngoài như McDonald’s và Starbucks bị đơn vị nội địa tiếp quản, sử dụng tên khác nhưng thực đơn hầu như vẫn vậy.
Công dân Nga Vladimir Zharov cho biết: “Về mặt kinh tế chẳng có gì thay đổi cả. Tôi vẫn làm việc và đi mua sắm như trước đây. Giá cả có thể tăng chút ít nhưng không đến mức đáng chú ý”.
Nền kinh tế Nga vượt qua sự trừng phạt của phương Tây tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên loạt hạn chế với dầu mỏ được áp đặt cuối năm 2022 sẽ là “bài kiểm tra” lớn hơn nữa cho “pháo đài kinh tế” mà Tổng thống Vladimir Putin dày công xây dựng.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định lệnh trừng phạt nhắm vào nhiên liệu hóa thạch Nga tới giờ mới phát huy tác dụng đầy đủ. Một số nhà phân tích dự báo vài dấu hiệu rắc rối - tình hình tài chính công căng thẳng hay đồng tiền mất giá - có thể xuất hiện trong vài tháng tới.
Nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng Điện Kremlin sở hữu lượng tiền dữ trự đáng kể chưa bị trừng phạt, cũng như đã thành công xây dựng quan hệ thương mại ở châu Á, vì vậy không có khả năng Nga rơi vào cảnh cạn tiền trong năm nay mặc dù phải đối mặt với nguy cơ kinh tế trì trệ nhiều năm.
Theo giám đốc điều hành công ty tư vấn Macro-Advisory Chris Weafer: “Nga chắc chắn có đủ tiền ở bất cứ kịch bản hợp lý nào. Họ sẽ tiếp tục thu được tiền từ dầu mỏ ngay cả với giá bán thấp hơn. Hiện Điện Kremlin chẳng phải chịu sức ép kinh tế nào để phải kết thúc cuộc chiến”.
Vẫn mua được mọi thứ
Trong lúc sự trừng phạt bủa vây, những gì người Nga có thể mua vẫn không thay đổi đáng kể.
Apple ngừng bán sản phẩm ở Nga nhưng đơn vị bán lẻ lớn nhất nước Wildberries vẫn cung cấp điện thoại iPhone 14 với giá ngang bằng thị trường châu Âu. Nhà bán lẻ trực tuyến Svaznoy bán cả AirPods Pro.
Đồ nội thất cùng hàng gia dụng còn lại sau khi Tập đoàn IKEA rời khỏi Nga đang được bán tháo trên trang Yandex. Viên nén cà phê Nespresso hết hàng sau khi Nestle ngừng xuất khẩu sang Nga, nhưng đã có hàng nhái thay thế.
Nhãn trên lon bia Budweiser và Leffe bán tại Moscow cho thấy chúng được sản xuất bởi đối tác địa phương của ABInBev mặc dù công ty bia đã bán bớt cổ phần trong liên doanh ở Nga. Coca đóng chai tại Ba Lan vẫn có bán bên cạnh sản phẩm nội địa Nga.
Rõ ràng hàng hóa lách lệnh trừng phạt bằng cách nhập khẩu từ nước thứ 3 không áp dụng lệnh cấm vận Nga, chẳng hạn xuất khẩu của Armenia sang Nga tăng đến 49% trong nửa đầu năm 2022, điện thoại thông minh và xe Trung Quốc ngày càng nhiều.
Ngành công nghiệp ô tô khó thích nghi hơn. Các hãng xe phương Tây như Renault, Volkswagen, Mercedes-Benz đều ngừng hoạt động sản xuất tại Nga, các nhà máy bị đơn vị nội địa tiếp quản.
Giám đốc điều hành chuỗi đại lý bán xe Avtodom Andrei Olkhovsky cho biết ô tô nước ngoài vẫn có, dù số lượng ít hơn và giá cao hơn. “Xe của Porsche hay các thương hiệu khác không thể nhập qua kênh chính hãng. Trên thị trường là hàng nhập bởi cá nhân riêng lẻ hoặc nhập từ quốc gia thân thiện với Nga”, theo ông Olkhovsky.
Cư dân Moscow Alexander Yeryomenko nhận xét: “Có lẽ sự trừng phạt chưa ảnh hưởng đến tôi”. Một công dân Nga khác là Dmitry cũng chia sẻ: “Chúng tôi từng trải qua giai đoạn tồi tệ hơn mà vẫn ứng phó được. Chúng tôi cần phát triển hoạt động sản xuất nội địa, không phụ thuộc vào nhập khẩu”.
Pháo đài kinh tế
Yếu tố lớn giúp kinh tế Nga trụ được là thu nhập 325 tỉ USD từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 nhờ giá cả tăng vọt.
Doanh thu nói trên cùng với tình trạng Nga bị hạn chế lượng hàng có thể nhập khẩu khiến nước này thặng dư thương mại. Thặng dư giúp đồng ruble tăng giá trở lại, đem lại tiền cho Điện Kremlin để chi trả nhiều thứ.
Nga đã triển khai hàng loạt biện pháp củng cố nền kinh tế từ sau cuộc sáp nhập Crimea năm 2014. Các doanh nghiệp tìm nguồn cung linh kiện và thực phẩm trong nước, chính phủ tích lũy lượng lớn tiền từ hoạt động bán dầu khí.
Loạt biện pháp triển khai từ trước khiến nền kinh tế Nga năm 2022 chỉ sụt giảm 2,1%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay Nga tăng trưởng 0,3%, không lớn nhưng chẳng phải thảm họa.
Bước ngoặt đi xuống
Nhưng thay đổi lớn có thể đến từ sự hạn chế với dầu mỏ Nga được áp đặt cuối năm 2022. Đó là mức trần giá dầu 60 USD/thùng có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái, mức trần với dầu diesel cùng sản phẩm tinh chế khác có hiệu lực từ tháng 2 năm nay.
Trường Kinh tế Kyiv dự báo kinh tế Nga sắp đối mặt với bước ngoặt trong năm nay khi doanh thu dầu khí giảm 50% và thặng dư thương mại giảm từ 257 tỉ USD (năm 2022) xuống còn 80 tỉ USD.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế, doanh thu từ thuế với dầu mỏ của Nga trong tháng 1 giảm đến 48% so với một năm trước.
Nhiều nhà kinh tế hoài nghi nhận định nêu trên. Chuyên gia Janis Kluge (Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức) cho rằng Nga đủ sức vượt khó dù doanh thu dầu mỏ giảm ngắn hạn.
“Doanh thu dầu mỏ giảm 1/3 dù có là cú sốc nghiêm trọng với GDP cũng không thể khiến Nga vỡ nợ dẫn đến sụp đổ”, theo chuyên gia Kluge. Ông nhận định tác động thực sự là trong dài hạn, kinh tế Nga chậm phát triển thời gian dài do bị mất công nghệ tiên tiến của phương Tây.