Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Malaysia bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế

PV | 15/09/2021, 05:51

Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Ngày 14.9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác.

Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế.

Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại

Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô; siêu thị điện máy; cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp; cửa hàng nội thất; cửa hàng dụng cụ thể thao; cửa hàng phụ kiện xe hơi; trung tâm phân phối và bán xe ô tô; chợ sáng và chợ nông sản; cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện; cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần. Ông nhấn mạnh việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế, mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống của họ.

Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. 

Đề cập đến những lưu ý khi quy định giãn cách dần được dỡ bỏ đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng, Thủ tướng Ismail cho rằng mặc dù một số lĩnh vực được phép mở cửa trở lại song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xuất trình chứng nhận tiêm chủng đủ 14 ngày.

Malaysia ngày hôm qua 14.9 ghi nhận 15.669 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng ca bệnh lên 2.011.440 trường hợp, bao gồm 21.124 ca tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14.9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 64.441 ca mắc mới COVID-19 và 1.395 ca tử vong.

Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 11.141.337 trường hợp và 245.493 ca tử vong. Toàn khối có 9.974.088 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Malaysia chiếm nhiều nhất với 413 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 276 ca; Indonesia ghi nhận 250 ca tử vong mới; Philippines thêm 222 ca; Thái Lan thêm 136 ca tử vong; Myanmar ghi nhận 87 ca; Campuchia ghi nhận thêm 9 ca và Timor Leste thêm 2 ca tử vong.

Với 18.056 ca nhiễm trong ngày 14.9, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới.  Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.266.066 ca, bao gồm 35.529 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai với 15.669 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.011.440 trường hợp, bao gồm 21.124 ca tử vong.

Thái Lan cùng ngày ghi nhận 11.786 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 1.406.542 ca.

Indonesia chứng kiến số lượng ca nhiễm mới tiếp tục xu hướng giảm, với 4.128 ca trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.174.216 trường hợp và 139.415 ca tử vong.

Việt Nam cùng ngày ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 635.055, bao gồm 15.936 ca tử vong. (Theo TTXVN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Malaysia bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế