Microsoft mua Activision Blizzard, nhà sản xuất game Call of Duty, với giá 68,7 tỉ USD trong thương vụ lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp game khi các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu hướng về metaverse.
Call of Duty là một loạt game đình đám thuộc thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất. Loạt game này được bắt đầu trên phiên bản dùng cho máy tính cá nhân, sau đó được mở rộng ra các hệ máy console và máy cầm tay. Một vài bản mở rộng cũng được phát hành bên cạnh các tựa game chính.
Thỏa thuận hoàn toàn bằng tiền mặt được Microsoft công bố hôm 18.1.2022, thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của họ. Qua đó sẽ củng cố sức mạnh Microsoft trong thị trường game đang bùng nổ, nơi có sự tham gia của 2 hãng hàng đầu là Tencent và Sony.
Động thái này cũng thể hiện sự đặt cược của Microsoft vào thế giới trực tuyến ảo metaverse, nơi mọi người có thể làm việc, vui chơi và giao lưu, như nhiều đối thủ cạnh tranh lớn nhất đã làm.
"Game là thể loại năng động và thú vị nhất trong giải trí trên tất cả các nền tảng hiện nay, sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse", Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella cho biết.
Đề nghị của Microsoft là 95 USD cho mỗi cổ phiếu Activision Blizzard. Cổ phiếu Activision Blizzard đang ở được giao dịch mức 84,32 USD vào thời điểm viết bài.
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm khó khăn với Activision Blizzard, nhà sản xuất các game nổi tiếng như Call of Duty, Overwatch và Candy Crush. Cổ phiếu Activision Blizzard đã giảm hơn 37% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, trước những cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên và hành vi sai trái của một số quản lý hàng đầu.
Activision Blizzard vẫn đang giải quyết những cáo buộc đó và cho biết đã sa thải hoặc đuổi việc hơn 36 nhân viên và kỷ luật 40 người khác kể từ tháng 7.2022.
Giám đốc điều hành Activision Blizzard - Bobby Kotick tiết lộ Microsoft đã liên hệ với ông để mua lại công ty. Sau thỏa thuận này, Bobby Kotick vẫn tiếp tục làm Giám đốc điều hành Activision Blizzard.
Trong cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích, Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella không trực tiếp đề cập đến vụ bê bối mà nói về tầm quan trọng của văn hóa trong công ty.
Ông nói: “Điều quan trọng là Activision Blizzard phải thúc đẩy các cam kết văn hóa đổi mới của mình”, đồng thời cho biết thêm “sự thành công của thương vụ mua lại này sẽ phụ thuộc vào nó”.
Cuộc đua vũ trang metaverse
Theo công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường game toàn cầu được định giá là 173,70 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 314,40 tỉ USD vào 2027.
Microsoft đã có thể khẳng định vị thế quan trọng trong thế giới game với tư cách là một trong ba nhà sản xuất console (máy chơi game video) lớn.
Công ty Mỹ đã đầu tư lớn vào Mojang Studios (nhà sản xuất game Minecraft) và Zenimax trong các giao dịch hàng tỉ USD những năm gần đây.
Microsoft cũng tung ra một dịch vụ game điện toán đám mây phổ biến, với hơn 25 triệu người đăng ký.
Các lãnh đạo Microsoft đã nói về 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Activision Blizzard là điểm thu hút chính với thỏa thuận. Các cộng đồng này có thể đóng vai trò quan trọng như thế nào trong các game metaverse khác nhau của Microsoft.
Thư viện game của Activision Blizzard có thể mang lại lợi thế cho nền tảng chơi game Xbox của Microsoft so với Playstation của Sony, vốn đã có nhiều năm tận hưởng dòng game độc quyền ổn định hơn.
Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Anh), nói: “Những người như Netflix nói rằng muốn tự mình tham gia vào lĩnh vực chơi game, nhưng Microsoft đã đưa ra lời đề nghị khá hào phóng ngày hôm nay. Điều này sẽ biến Microsoft trở thành công ty game lớn thứ ba trên thế giới”.
Các công ty công nghệ từ Microsoft đến Nvidia đã đặt cược lớn vào metaverse, với dư luận quan tâm đến nó tăng lên vào cuối năm ngoái sau khi Facebook đổi tên thành Meta Platforms để phản ánh sự tập trung vào kinh doanh thực tế ảo của mình.
"Đây là một thỏa thuận quan trọng với phía người tiêu dùng của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, việc Microsoft mua lại Activision Blizzard thực sự bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang metaverse", theo David Wagner, nhà phân tích cổ phiếu và Giám đốc danh mục đầu tư tại công ty Aptus Capital Advisors (Mỹ).
"Chúng tôi tin rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện, nhưng điều này sẽ có nhiều cái nhìn từ quan điểm pháp lý", ông nói thêm.
Các nhà lập pháp trên Đồi Capitol (Mỹ), vốn đang xem xét danh sách dài các dự luật chống độc quyền nhằm mục đích kiểm soát hãng công nghệ lớn như Google và Facebook, sẽ hoài nghi về giao dịch này, theo Andre Barlow của công ty luật Doyle, Barlow & Mazard.
Ông nói: “Microsoft đã rất lớn trong lĩnh vực game”.