Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỉ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh…

‘Mục tiêu tăng trưởng 6,8% khó đạt, thu ngân sách có thể giảm 145 nghìn tỉ’

10/04/2020, 15:20

Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỉ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh…

Dự báo mục tiêu tăng trưởng năm 2020 không đạt - Ảnh minh họa

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10.4, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tác động của dịch là rất nghiêm trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý 3 thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”, ông Dũng nêu.

Cùng với đó, một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỉ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Về những việc cần triển khai ngay trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh chưa nghiên cứu thành công vaccine và thuốc điều trị thì khả năng thời điểm kết thúc dịch của các quốc gia là rất khác nhau.

Theo đó, Bộ kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ theo thẩm quyền thực hiện ngay các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại…

Đồng thời, xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý 2/2020...

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, bảo đảm tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thể tổ chức họp Hội đồng nhân dân được nên thủ tục đầu tư một số dự án chưa hoàn thành và chưa thể giao vốn triển khai được. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15.5.2020.

“Số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700.000 tỉ đồng, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm 2020). Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020”, ông Dũng nói.

Theo đó, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.

“Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Dũng nêu.

Nghị quyết cũng yêu cầu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc-Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.

“Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, ông Dũng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan
VinFast ghi nhận doanh thu tăng trưởng 269,7% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ 2023
Ngày 17.4, VinFast Auto đã công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý 1/2024 với doanh thu 7.264 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mục tiêu tăng trưởng 6,8% khó đạt, thu ngân sách có thể giảm 145 nghìn tỉ’