Một sĩ quan đang thuộc biên chế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã bị chính quyền Washington bắt trong khi cố gắng mang một công trình nghiên cứu rời khỏi Mỹ và bị cáo buộc khai man visa.

Mỹ bắt giữ một thiếu tá quân đội Trung Quốc dưới vỏ bọc giáo sư nghiên cứu

12/06/2020, 12:26

Một sĩ quan đang thuộc biên chế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã bị chính quyền Washington bắt trong khi cố gắng mang một công trình nghiên cứu rời khỏi Mỹ và bị cáo buộc khai man visa.

Xin Wang được cho là nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco - Ảnh: UCSF

Trong một thông báo hôm 11.6, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt Xin Wang, người đang giữ một vị trí tương đương cấp thiếu tá của PLA và vẫn tiếp tục nhận lương từ quân đội nước này. Wang bị bắt khi chuẩn bị khởi hành từ sân bay quốc tế Los Angeles trở về Thiên Tân, Trung Quốc vào chủ nhật tuần trước.

Theo hồ sơ khởi tố của FBI, trong đơn xin thị thực đến Mỹ để tiến hành nghiên cứu khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF) năm 2018, Wang chỉ khai rằng là phó giáo sư về y khoa tại PLA từ năm 2002 đến 2016 mà không đề cập đến quân hàm của mình. Sau khi được thẩm vấn, Wang thừa nhận đã "cố ý khai sai về quá trình phục vụ quân đội của mình trong đơn xin thị thực để tăng khả năng được duyệt visa".

Thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ rằng, khi chuẩn bị rời sân bay quốc tế Los Angeles hôm 7.6, Wang nói với các nhân viên hải quan Mỹ rằng ông đã được cấp trên, giám đốc của phòng thí nghiệm tại đại học quân đội Trung Quốc, hướng dẫn quan sát cách bố trí phòng thí nghiệm UCSF và mang thông tin mô phỏng nó trở về để xây một phòng thí nghiệm tương tự ở Trung Quốc.

Các nhân viên hải quan Mỹ trước đó cũng đã nhận được thông tin về việc Wang mang theo nhiều nghiên cứu từ Đại học California để chia sẻ với các đồng nghiệp tại PLA và đã gửi nghiên cứu đến phòng thí nghiệm của mình ở Trung Quốc qua email.

Cụ thể, một số công trình nghiên cứu của Đại học California được Wang mang theo đã nhận tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH). Wang được cho là đã xóa hết nội dung nhắn tin WeChat trên điện thoại di động trước khi đến sân bay để khởi hành về Trung Quốc, thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm.

Hồ sơ khởi tố Xin Wang được đệ trình bởi đặc vụ FBI Patrick Fogerty. Wang có thể đối mặt án tù lên tới 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 USD nếu bị kết tội.

Mỹ hôm 14.5 cũng đã bắt giữ nhà nghiên cứu gốc Hoa, tiến sĩ Qing Wang làm việc tại Trung tâm y tế học thuật Cleveland Clinic (bang Ohio) vì có liên hệ với gián điệp Trung Quốc. FBI cáo buộc vị tiến sĩ tham gia vào chương trình "Ngàn nhân tài" của Trung Quốc, vốn tài trợ cho các nhà khoa học để khuyến khích mối quan hệ của họ với chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ hôm 11.5 đã truy tố giáo sư Simon Ang, Giám đốc điều hành Trung tâm Điện tử mật độ cao (HDEC) tại Đại học Arkansas vì tội danh gian lận tài chính. Cáo trạng của tòa án cho biết Ang đã tham chương trình "Ngàn nhân tài" và giữ bí mật các khoản tài trợ của Trung Quốc để tiếp tục nhận thêm các khoản tài trợ khác từ cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm NASA.

Trong một vụ việc tương tự, tiến sĩ Xiao-Jiang Li, 63 tuổi, cựu giáo sư Đại học Emory ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) hôm 8.5 cũng đã thừa nhận tội danh kê khai thuế sai lệnh, che giấu khoản tài trợ 500.000 USD nhận được từ chương trình "Ngàn nhân tài" của Trung Quốc. Ông Li bị kết án 1 năm quản chế và phải nộp 35.089 USD tiền bồi thường.

Đầu năm nay, giáo sư Charles Lieber, trưởng khoa của Đại học Harvard đã bị tòa án liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) nhưng đã lừa dối khi phủ nhận mối quan hệ liên quan với các tổ chức Trung Quốc. Năm ngoái, một nghiên cứu sinh y khoa Trung Quốc được tài trợ bởi Havard cũng bị bắt giữ tại Boston (Mỹ) do tìm cách đánh cắp trái phép tế bào ung thư từ Mỹ sang Trung Quốc để nghiên cứu.

Đây là những trường hợp nêu bật "mối đe dọa đang diễn ra liên tục" bởi Trung Quốc bằng cách sử dụng các chương trình tuyển mộ để lôi kéo nhiều học giả và nhà nghiên cứu nhằm mục địch đánh cắp các công trình khoa học và công nghệ của Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ đang nỗ lực nhằm hạn chế giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học của Mỹ, một phần trong đường lối cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Bắc Kinh trong bối cảnh Washington đang kiểm tra gắt gao những nỗ lực gián điệp kinh tế, trộm cắp tài sản trí tuệ, và gần đây nhất là sự “thiếu minh bạch” của Trung Quốc về đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tư Pháp William Bar cho biết Mỹ đang cố gắng “thắt chặt” các chương trình cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc đến làm việc, đồng thời nói thêm rằng một số trường đại học đang làm việc với Bộ để tìm hiểu rõ bản chất của mối đe dọa này.

Cục điều tra liên bang (FBI) và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) hiện đang bắt đầu rà soát các trường đại học và cao đẳng để tìm kiếm các học giả đã và đang trở thành đối tượng thu thập thông tin tình báo cho Trung Quốc.

Đáng chú ý, Tổng thống Trump ngày 29.5 đã tuyên bố rằng các cử nhân và nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu họ có khả năng chuyển giao kiến thức kỹ thuật cho các tổ chức quân sự Trung Quốc. Quyết định có hiệu lực từ 1.6, nhưng không liệt kê các tổ chức cụ thể mà để Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định thêm.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bắt giữ một thiếu tá quân đội Trung Quốc dưới vỏ bọc giáo sư nghiên cứu