Nếu sáp nhập thành công, Western Digital (Mỹ) và Kioxia (Nhật) sẽ tạo ra thực thể quy mô tương đương công ty dẫn đầu thị trường là Samsung Electronics. Song tiến độ này đang đình trệ vì tranh cãi về nơi đặt trụ sở chính.

Mỹ-Nhật gặp rào cản để tạo nên doanh nghiệp chip lớn như Samsung, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc

Sơn Vân | 29/08/2021, 09:56

Nếu sáp nhập thành công, Western Digital (Mỹ) và Kioxia (Nhật) sẽ tạo ra thực thể quy mô tương đương công ty dẫn đầu thị trường là Samsung Electronics. Song tiến độ này đang đình trệ vì tranh cãi về nơi đặt trụ sở chính.

Hôm 27.8, Kioxia Holdings (trước đây là đơn vị Toshiba Memory thuộc tập đoàn Toshiba của Nhật) đã tổ chức cuộc họp hội đồng trực tuyến kết nối với các nhà lãnh đạo ở Mỹ. Kế hoạch là để bắt đầu một quá trình hướng tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và chấp thuận đơn đăng ký lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Mục đó đã được đưa ra khỏi chương trình nghị sự.

Tháng 9.2019, Kioxia chính thức trở thành tên gọi mới của đơn vị Toshiba Memory sau hơn 1 năm tách khỏi tập đoàn Toshiba.

Việc IPO đã được Tokyo Stock Exchange phê duyệt vào năm 2020 nhưng kế hoạch này bị trật bánh do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, làm ảnh hưởng đến thu nhập của Kioxia. Kể từ đó, các lựa chọn mới đã xuất hiện, bao gồm cả việc hợp nhất Kioxia với Western Digital (công ty sản xuất ổ đĩa cứng máy tính và lưu trữ dữ liệu nổi tiếng của Mỹ).

Thế nhưng trong khi tạo ra mối quan hệ ràng buộc Mỹ-Nhật ở lĩnh vực bán dẫn phù hợp với câu chuyện chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, hai đồng minh lại tỏ ra nhạy cảm với việc chuyển giao quá nhiều quyền kiểm soát với ngành công nghiệp chủ chốt như vậy. Chất bán dẫn là nền tảng của xã hội dữ liệu và cả Mỹ - Nhật đều mong muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp chip tương ứng của họ. Thỏa thuận này có thể là một trường hợp thử nghiệm về những gì liên minh Mỹ-Nhật Bản sẽ như thế nào những năm tới.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật ở Washington vào ngày 16.4, các thông tin nổi bật tập trung vào cách Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan. Song, một chủ đề quan trọng khác là chất bán dẫn.

"Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trên nhiều lĩnh vực, từ việc thúc đẩy mạng 5G an toàn và đáng tin cậy; đến việc tăng cường hợp tác trên chuỗi cung ứng cho các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn; thúc đẩy nghiên cứu chung trong các lĩnh vực như AI, genomics, điện toán lượng tử và hơn thế nữa", ông Biden nói tại cuộc họp báo chung.

my-nhat-gap-rao-can-khi-muon-tao-nen-doanh-nghiep-chip-lon-nhu-samsung11.jpg
Tổng thống Joe Biden cầm chất bán dẫn trong sự kiện của Nhà Trắng vào ngày 24.2 - Ảnh: Reuters

Phía Mỹ đề xuất thành lập một quỹ chung với Nhật Bản và Liên minh châu Âu để phát triển các chất bán dẫn tiên tiến.

Lý do khiến Mỹ muốn hợp tác với Nhật là để cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang càn quét thị trường toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều công ty sản xuất chip của Mỹ hiện đã thành công và thị phần của Mỹ trong sản xuất toàn cầu đã giảm xuống 12% vào năm 2020 từ 37% vào năm 1990. Điều này cho thấy nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp thiết yếu.

Chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật sẽ hướng hơn 50 tỉ USD vào việc tăng cường sản xuất chất bán dẫn. Ý tưởng là đầu tư vào việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Mỹ, đồng thời tăng cường mua sắm chip nhớ từ các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vào khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Biden-Suga, các cuộc đàm phán về sự hợp nhất kinh doanh giữa Western Digital và Kioxia đã tạo được sức hút. Sự hợp nhất như vậy sẽ hoàn toàn phù hợp với hợp tác bán dẫn Mỹ-Nhật mà các nhà lãnh đạo đã hình dung, suy nghĩ.

Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một đối tác to lớn ở Kioxia và chúng tôi mong muốn cùng nhau biến tương lai thành hiện thực”, Giám đốc điều hành của Western Digital - David Goeckeler nói với trang Nikkei trong cuộc phỏng vấn sau hội nghị thượng đỉnh Biden-Suga.

my-nhat-gap-rao-can-khi-muon-tao-nen-doanh-nghiep-chip-lon-nhu-samsung1.jpg
Một tòa nhà văn phòng Western Digital ở thành phố Irvine, bang California, Mỹ. Công ty có thể sẽ muốn pháp nhân hợp nhất với Kioxia ở Mỹ

David Goeckeler được cho đã đến thăm Nhật Bản nhiều lần bất chấp các chướng ngại vật là đại dịch.

Là công ty lớn trong lĩnh vực ổ đĩa cứng, Western Digital tham gia vào lĩnh vực bộ nhớ với việc mua lại SanDisk vào năm 2016. Nếu thành công trong việc hợp nhất với Kioxia, quy mô sẽ tương đương với công ty dẫn đầu thị trường là Samsung Electronics.

Thế nhưng, Kioxia không muốn bị Western Digital nuốt chửng. Kioxia đã đưa ra đề nghị ngược lại trong đó công ty Nhật Bản sẽ là đối tác hàng đầu. Trong khi đó, với các cổ đông lớn Toshiba và Bain Capital (mong muốn được trả lại lợi nhuận) - được cho là thích IPO, đây sẽ là con đường kiếm tiền dễ dàng hơn. Tiến độ sáp nhập bị đình trệ.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, tạo ra một số thỏa hiệp, chẳng hạn như quan hệ đối tác bình đẳng và chia sẻ ghế trong hội đồng quản trị trong thực thể mới được sáp nhập.

Điểm mấu chốt là nơi đặt trụ sở chính. Western Digital được cho là khăng khăng đòi công ty phải là của Mỹ vì mục đích thuế. Song khát vọng hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn cũng mạnh mẽ không kém ở Nhật Bản. Thị phần toàn cầu của các nhà sản xuất Nhật Bản giảm xuống 10% vào năm 2019. Đã có 64,2% nhu cầu trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang khao khát thu hút các nhà máy sản xuất chip từ các quốc gia không có lo ngại về an ninh.

Trong nội bộ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhiều quan chức cho rằng các nhà máy cũng như các chức năng nghiên cứu và phát triển có giá trị gia tăng cao cần phải ở lại nước này.

Cuộc họp kín trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã được đưa ra vào tháng 5 để tập trung vào chiến lược chip cũng đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến.

"Nếu công ty được sáp nhập vẫn là một thực thể Nhật Bản với vốn đầu tư bình đẳng, chúng tôi hoan nghênh điều đó", một thành viên đảng Dân chủ Tự do cho biết, đồng thời ra hiệu rằng việc chuyển trụ sở chính sang Mỹ là không thể chấp nhận được.

Bài liên quan
TSMC sản xuất chip 3 nanomet cho Apple, Intel đầu tiên: Tham vọng chip của Mỹ phụ thuộc Đài Loan
Công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan vẫn là đối tác quan trọng của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Nhật gặp rào cản để tạo nên doanh nghiệp chip lớn như Samsung, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc