Nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng 2,98% vào 2020 so với năm trước.

Nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng hàng đầu châu Á, lần đầu vượt Trung Quốc sau 30 năm

Hoàng Phương | 02/02/2021, 14:00

Nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng 2,98% vào 2020 so với năm trước.

Theo NBC News, Đài Loan bất ngờ trở thành nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu châu Á vào năm ngoái, vượt xa Trung Quốc lần đầu tiên trong vòng 30 năm.

Kết quả này là do nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ với hàng xuất khẩu công nghệ của Đài Loan vượt trội, bất chấp ảnh bưởng của đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế Đài Loan đã tăng trưởng 2,98% vào 2020 so với một năm trước, theo ước tính trước của văn phòng thống kê hòn đảo vào ngày 29.1.2021.

Ước tính này vượt qua dự báo 2,58% của ngân hàng trung ương và vượt qua mức tăng trưởng 2,9% của Việt Nam. Một số nhà kinh tế đã dự đoán Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á vào năm 2020.

Sự tăng trưởng của Đài Loan vào năm ngoái cũng cao hơn mức tăng trưởng 2,3% cả năm của Trung Quốc vào 2020. Đài Loan từng vượt qua Trung Quốc vào năm 1990 khi tăng trưởng 5,5% (so với 3,9% của Trung Quốc), dữ liệu chính thức của cả hai bên cho thấy.

“2020 là một năm kỷ lục với Đài Loan và chúng tôi kỳ vọng ngôi sao này sẽ tiếp tục tỏa sáng”, Angela Hsieh, nhà kinh tế tại ngân hàng Anh Barclays, viết trong báo cáo ngày 29.1 sau khi Đài Loan công bố các con số.

Angela Hsieh cho biết sức mạnh xuất khẩu của hòn đảo này trong nửa cuối năm ngoái, đặc biệt là chất bán dẫn, giúp nền kinh tế “dễ dàng bù đắp” những trở ngại từ đại dịch COVID-19. Nhà kinh tế học đã nâng dự báo về mức tăng trưởng năm 2021 của Đài Loan thêm 1,2%, thành 5,2% - cao hơn nhiều so với dự báo chính thức là 3,83%.

unnamed.png
Nhờ hàng xuất khẩu công nghệ tăng cao trong đại dịch COVID-19, nền kinh tế Đài Loan lần đầu tăng trưởng vượt Trung Quốc sau 30 năm

Đài Loan cũng đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan COVID-19, cho phép nền kinh tế của họ tránh được tình trạng đóng cửa nghiêm ngặt mà các nước khác trên toàn cầu phải trải qua. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan, tính đến 31.1, Đài Loan đã báo cáo 911 trường hợp lây nhiễm coronavirus được xác nhận cùng 8 ca tử vong.

Sự thống trị của chất bán dẫn

Đài Loan là ông lớn về sản xuất chất bán dẫn, thành phần quan trọng cung cấp năng lượng cho các sản phẩm từ ô tô, máy tính và điện thoại di động.

Nhu cầu về chip tăng mạnh trên toàn cầu khi đại dịch COVID-19 buộc mọi người phải dành nhiều thời gian hơn trong nhà. Lệnh phong tỏa đã kích cầu doanh số bán hàng điện tử tiêu dùng như máy tính xách tay.

Gần đây, sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu khiến một số nhà sản xuất ô tô, trong đó có Ford Motor (Mỹ) và Nissan Motor (Nhật Bản), cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy.

Các nhà kinh tế của công ty nghiên cứu TS Lombard ước tính rằng Đài Loan và Hàn Quốc chiếm 83% sản lượng chip xử lý toàn cầu và 70% sản lượng chip nhớ - cho thấy hai nền kinh tế Đông Á gần như có vị thế độc quyền trong cả hai phân khúc này.

Sự thống trị đó sẽ cho phép Đài Loan và Hàn Quốc “tận dụng tầm quan trọng chiến lược gia tăng của họ để đạt được lợi ích kinh tế và chính trị” từ Mỹ và Trung Quốc - hai khách hàng lớn nhất của họ, các nhà kinh tế lưu ý hôm 29.1.

Họ nói: “Đài Loan và Hàn Quốc đang ở tuyến đầu của cuộc đối đầu Mỹ -Trung, phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng, nhưng phụ thuộc vào Mỹ với tư cách là người đảm bảo nền an ninh quốc gia".

Với Đài Loan, những “chiến thắng” như vậy bao gồm việc bán vũ khí cho Mỹ và việc không có áp lực kinh tế từ Trung Quốc, các nhà kinh tế của TS Lombard cho biết.

Trong thời gian sắp tới, Trung Quốc có thể trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Đài Loan về chất bán dẫn khi nước này cắt giảm các nhà cung cấp Mỹ. Trung Quốc đặt mục tiêu trở nên tự chủ trong dài hạn khi căng thẳng với Mỹ gia tăng. Một số nhà phân tích cho biết khả năng Trung Quốc làm được điều này là vẫn còn xa vời.

Các nhà kinh tế học TS Lombard viết: “Việc cắt giảm các nhà cung cấp Mỹ làm tăng thêm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Đài Loan và Hàn Quốc. Đại lục này phụ thuộc vào Đài Loan đến nỗi Trung Quốc không muốn gây áp lực kinh tế lên hòn đảo, thay vào đó đã áp dụng các chiến thuật chiến tranh 'vùng xám'. Họ thậm chí nói về tập luyện quân sự trong khi vẫn tiếp tục mua các sản phẩm của TSMC".

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan.

Cổ phiếu của TSMC tại Đài Loan đã tăng 60% vào năm ngoái khi đại dịch COVID-19 lây lan ra toàn cầu. Cổ phiếu công ty này tiếp tục tăng trong năm nay, tăng 11,5% trong tháng 1 so với khi kết thúc năm ngoái.

Động cơ tăng trưởng

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các công ty Trung Quốc đại lục bắt kịp khả năng của Đài Loan trong việc sản xuất các bộ phận điện tử công nghệ cao như chất bán dẫn.

“Một vài năm tới, khi bắt đầu đạt được khả năng tự chủ về công nghệ tiên tiến, Trung Quốc không những không mua nhiều từ Đài Loan như trước nữa mà còn trở thành đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường toàn cầu”,
bà viết trong báo cáo.

Cho đến lúc đó, sự tăng trưởng của Đài Loan - được hỗ trợ bởi "động cơ tăng trưởng" là xuất khẩu điện tử - có thể sẽ tiếp tục vào năm 2021, Pang nói thêm. Bà giải thích rằng nhu cầu có thể đến từ các nhà sản xuất ô tô cũng như người tiêu dùng điện thoại thông minh và thiết bị máy tính.

Nhà kinh tế học cho biết thêm: “Tất cả điều này cho thấy triển vọng thị trường cho các nhà sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan là rất tươi sáng trong năm nay. Vì vậy, ngay cả khi Đài Loan được cho là phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực điện tử để tăng trưởng kinh tế, cơ hội việc làm và đầu tư, đó không phải là vấn đề quá lớn do các nền kinh tế khác không thể cạnh tranh dựa trên năng lực và công nghệ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng hàng đầu châu Á, lần đầu vượt Trung Quốc sau 30 năm