Alexei Leonov, biên tập viên tạp chí quân sự Arsenal Otechestva nói rằng quân đội Nga đã xâm nhập và định vị chính xác chỗ của các hệ thống pháo HIMARS tại Ukraine.
“Hệ thống pháo Mỹ đã bị xâm nhập, và khí tài bí mật của chúng ta sẽ được triển khai mọi hướng. Một hệ thống tốt hoạt động ở khoảng cách xa, nhanh chóng xác định điểm bắn. Thật là một bất ngờ khó chịu với người Mỹ”, biên tập viên Leonov phát biểu trên sóng truyền hình.
Ukraine hiện đang sử dụng 16 hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp. Hệ thống này vừa bắn được đạn vừa phóng tên lửa, mang được 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS với tầm xa hơn 300km.
HIMARS vượt trội ở độ cơ động: chỉ tốn khoảng 1 phút để nạp, đội vận hành chỉ cần 3 người (đội trưởng, người phụ trách bắn, lái xe), cho phép binh sĩ di chuyển pháo đi ngay sau khi bắn, giảm nguy cơ trở thành mục tiêu.
Sức mạnh của HIMARS đã được chứng minh. Ukraine dùng hệ thống pháo này tiêu diệt nhiều mục tiêu Nga như sở chỉ huy, kho đạn dược, hệ thống phòng không...
Giới chức quốc phòng Mỹ nhận xét Ukraine đã làm chủ HIMARS. Đợt viện trợ quân sự mới nhất đảm bảo Kyiv có đủ đạn pháo cho hệ thống.
Nga có thể xâm nhập HIMARS hay không?
Có hai khả năng giải thích lời tuyên bố của biên tập viên Leonov. Khả năng thứ nhất là Nga sử dụng radar trinh sát pháo binh (counter-battery radar) phát hiện vị trí phóng của HIMARS.
Radar trinh sát pháo binh chuyên phát hiện đạn pháo cùng tên lửa bay trên bầu trời, từ đó suy ra vị trí phóng. Thông tin từ radar được chuyển cho lực lượng tấn công để họ tiến hành bắn phá vị trí đó. Điều lý tưởng nhất là tiêu diệt được địch trước khi địch di chuyển đến vị trí khác.
Hệ thống radar Nga như Zoopark-1 hoàn toàn đủ sức phát hiện HIMARS. Tuy nhiên HIMARS là mục tiêu dễ chạy thoát: bệ phóng đặt trên xe tải cơ động, dùng GPS giúp nhanh chóng xác định vị trí bắn, mạng lưới đường trải nhựa tại Ukraine cho phép hệ thống pháo “chuồn ngay” sau khi bắn.
Khả năng thứ hai là Nga bằng cách nào đó xâm nhập được hệ thống liên lạc, hệ thống định vị và nhắm mục tiêu, hoặc hệ thống máy tính của HIMARS. Đây là việc khó xảy ra bởi hệ thống liên lạc SINCGARS VHF Mỹ trang bị cho HIMARS rất khó bị phát hiện, lực lượng Nga không thể ngay lập tức định vị chính xác. Hệ thống định vị và nhắm mục tiêu thì chỉ có thể nhận dữ liệu chứ không phát đi tín hiệu tần số vô tuyến có thể phát hiện nào. Ngoài ra không chắc hệ thống máy tính HIMARS phát tín hiệu mà lực lượng Nga bắt được ở tầm xa.
Vì vậy, tuyên bố của nhà báo Leonov dường như chỉ nhằm mục đích tuyên truyền chứ không phải sự thật. Truyền thông Nga năm 2014 từng đưa tin khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ khi di chuyển trên Biển Đen bị “bom điện tử” vô hiệu hóa các hệ thống trên tàu, nhưng sự thật là con tàu thời điểm đó không bị sao cả.
Thời gian qua Nga tuyên bố tiêu diệt được 4 hệ thống HIMARS, nhưng họ không đưa ra bằng chứng nào chứng minh tuyên bố này.