Khoản viện trợ 3 tỉ USD mới nhất của Mỹ sẽ giúp củng cố năng lực của quân đội Ukraine trong vòng 2 năm tới khi được trang bị các hệ thống phòng không, pháo binh, radar...
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24.8 đã công bố khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine trị giá gần 3 tỉ USD thể hiện sự ủng hộ lâu dài của Washington đối với Kyiv.
Thông báo trên được đưa ra trùng vào ngày quốc khánh của Ukraine và tròn 6 tháng Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Các quan chức Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết khoản viện trợ này nhằm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng việc chờ đợi sự hỗ trợ giảm dần của phương Tây đối với Ukraine sẽ "không hiệu quả".
Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hơn 13,5 tỉ USD cho Ukraine kể từ tháng 1.2021. Các gói viện trợ trước đây do Tổng thống Joe Biden phê duyệt đã cung cấp cho Ukraine kho dự trữ vũ khí và thiết bị của Mỹ để phòng thủ trước Nga. Viện trợ được trích từ Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) - cho phép chính quyền Biden mua vũ khí từ tập đoàn công nghiệp thay vì sử dụng vũ khí từ các kho hiện có của mình.
"Điều này sẽ cho phép Ukraine có được các hệ thống phòng không, hệ thống pháo và đạn dược, hệ thống máy bay không người lái đối kháng và radar để đảm bảo nước này có thể tiếp tục tự vệ lâu dài", ông Biden cho biết trong một tuyên bố.
Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 24.8 mô tả các loại máy bay không người lái của Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong chiến sự tại Ukraine khi tích cực giúp Kyiv tự vệ trước Mosocw.
Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới của Mỹ cũng sẽ bao gồm các hệ thống tên lửa đất đối không, bao gồm 245.000 viên đạn pháo 155mm và 65.000 viên đạn cối 120mm. Ngoài ra, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 24 radar phản pháo, Hệ thống máy bay không người lái Puma và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống máy bay không người lái Scan Eagle.
"Những gói hỗ trợ của chúng tôi ở đây thực sự nhằm mục đích mang lại cho Ukraine những gì họ cần trong trung và dài hạn. Vì vậy, nó không liên quan đến cuộc chiến hôm nay, ngày mai hay tuần sau", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đồng thời nhấn mạnh khoản viện trợ này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong 1 hoặc 2 năm.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, không giống với các khoản viện trợ quân sự trước đây vốn tập trung vào các nhu cầu an ninh cấp thiết, khoản viện trợ mới nhất này được Lầu Năm Góc thiết kế nhằm củng cố năng lực phòng vệ lâu dài cho Ukraine.