Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng việc Washington trợ giúp vũ khí cho Ukraine chẳng khác nào tham gia cuộc chiến chống lại Nga.
“Mỹ đang kiểm soát cuộc chiến này. Họ cung cấp vũ khí, đạn dược, dữ liệu tình báo, dữ liệu từ vệ tinh... Họ đang tiến hành một cuộc chiến chống lại chúng tôi”, ông Lavrov nói trên truyền hình hôm 17.9.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nga cho rằng những thông tin Washington có thể bật đèn xanh cho việc cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Kyiv nhằm mục đích "định hình dư luận".
Ông Lavrov nhấn mạnh những thông tin này sẽ không thay đổi thực tế rằng "trong nhiều năm qua, Ukraine đã chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu nhằm gây ra thất bại chiến lược cho Nga".
Mỹ đã viện trợ quân sự khoảng 43,7 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Khoảng tiền này bao gồm các đợt chuyển giao đạn dược và hệ thống pháo binh, tên lửa và xe bọc thép. Washington cũng được cho là cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo mà Kyiv đã sử dụng để nhắm vào các vị trí của Nga.
Các phương tiện truyền thông và quan chức nhà nước Nga thường xuyên coi việc Washington trợ giúp vũ khí cho Ukraine chính là tham gia cuộc chiến chống Nga.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cuối tháng 5 đã nhấn mạnh Mỹ không có chiến tranh với Nga. "Đây cũng không phải là cuộc chiến giữa NATO và Nga. Đây là cuộc chiến của Ukraine. Mục tiêu của Washington là đảm bảo rằng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine thành công", ông nói.
Dù là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhưng giống như các chính phủ phương Tây khác, Mỹ cảnh giác với phản ứng của Nga trước việc cam kết viện trợ cho Ukraine bởi mối đe dọa trả đũa có thể xảy ra. Washington khẳng định họ sẽ không đưa quân đội Mỹ tới Ukraine.
Cho đến nay, Washington đã từ chối cung cấp cho Ukraine hệ thống ATACMS vốn có thể tăng cường khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa của Kyiv. Các quốc gia khác như Anh và Pháp đã gửi tên lửa Storm Shadow, hay SCALP tới Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nga ở xa chiến tuyến hiện tại.
"Chúng tôi có tương đối ít ATACMS, chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi cũng duy trì kho đạn dược của riêng mình", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói với Defense One hồi tháng 3.
Ukraine từ lâu đã yêu cầu hệ thống tên lửa đất đối đất có tầm bắn vượt xa Storm Shadow. Các báo cáo trong những tuần gần đây cho thấy thái độ ở Washington đang thay đổi và Kyiv có thể sớm nhận được ATACMS.
Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ hôm 16.9 đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden “ngay lập tức” tặng ATACMS cho Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller hôm 18.9 cho biết hiện “chưa có thay đổi” nào liên quan đến ATACMS nhưng các hệ thống tầm xa là “một chủ đề mà chúng tôi đang thảo luận”.
“Đang có những cuộc đàm phán diễn ra giữa chúng tôi với những người đồng cấp Ukraine, cũng như những cuộc thảo luận bên trong chính phủ Mỹ. Hiện chúng tôi không thể công bố bất kỳ điều gì vào thời gian này”, ông Miller nói.