Bắc Kinh từ chối xin lỗi sau khi quan chức Trung Quốc chia sẻ ảnh binh sĩ Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan. Thay vào đó, Trung Quốc thúc giục Úc tìm kiếm sự tha thứ cho những tội ác chiến tranh bị cáo buộc ở Afghanistan.
Thủ tướng Úc - Scott Morrison đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên đăng tweet kêu gọi công lý về một báo cáo tội ác chiến tranh gần đây được công bố ở Úc kèm ảnh minh họa một người lính Úc đang kề dao vào cổ bé gái Afghanistan. Ảnh này giống được tạo ra bằng phần mềm chứ không có thực.
Ông Triệu Lập Kiên viết: “Kinh hoàng trước việc binh lính Úc sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi cực lực lên án những hành vi như vậy và kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm”.
Bắc Kinh dường như đứng về phía ông Triệu Lập Kiên. Bà Hoa Xuân Oánh, cũng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định rằng Chính phủ nước này không có gì phải xin lỗi.
“Chính phủ Úc nên đưa những thủ phạm ra trước công lý, gửi lời xin lỗi chính thức tới người dân Afghanistan và cam kết long trọng rằng họ sẽ không bao giờ tái phạm những tội ác như vậy. Họ nói rằng Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy xấu hổ. Chính những người lính Úc đã gây ra tội ác dã man như vậy. Chính phủ Úc có nên cảm thấy xấu hổ không? Họ không nên cảm thấy xấu hổ vì những người lính của họ đã giết hại thường dân Afghanistan vô tội sao?", bà Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hôm 30.11.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng cáo buộc Chính phủ Úc phản ứng mạnh mẽ với tweet của ông Triệu Lập Kiên, trong khi không thể hiện sự tức giận tương tự với bằng chứng về một loạt vụ giết người bất hợp pháp ở Afghanistan được tiết lộ bởi báo cáo được công bố gần đây.
Thủ tướng Úc mô tả bài đăng này là “hình ảnh sai sự thật và sự sỉ nhục khủng khiếp với các lực lượng vũ trang tuyệt vời của họ”, đồng thời kêu gọi Twitter xóa tweet.
Đáp lại, Twitter đã chọn ẩn hình ảnh kèm cảnh báo rằng tweet có chứa “nội dung nhạy cảm tiềm ẩn”.
Một cuộc điều tra chính thức kéo dài 4 năm kết thúc vào đầu tháng 11 đã tìm thấy "bằng chứng đáng tin cậy" về tội ác chiến tranh của quân đội Úc tinh nhuệ ở Afghanistan.
Báo cáo xác định bằng chứng của 39 vụ giết người trái pháp luật do lực lượng Úc thực hiện.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc - Marise Payne viết thư cho người đồng cấp Afghanistan và “gửi lời xin lỗi sâu sắc đến hành vi sai trái được xác định trong cuộc điều tra, của một số quân nhân Úc”.
Thủ tướng Úc - Scott Morrison cũng thảo luận về báo cáo với Tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani.
Căng thẳng giữa Úc – Trung Quốc đã leo thang trong 3 năm qua, đặc biệt là sau khi Úc cấm hai công ty Huawei và ZTE triển khai 5G vào năm 2018. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của sự bùng phát coronavirus.
Hôm qua, Úc cho biết có thể gửi đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế chống bán phá giá của Trung Quốc với lúa mạch.
“Tôi hy vọng đó sẽ là kết quả”, Bộ trưởng Thương mại Úc - Simon Birmingham nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ABC hôm 29.11 khi được hỏi liệu một vụ kiện với WTO về lúa mạch có khả thi hay không.
“Chúng tôi đang làm việc để xác định chính xác thời điểm và đảm bảo rằng chúng tôi có đầy đủ bằng chứng”, ông Simon Birmingham nói thêm.
Là thị trường xuất khẩu lúa mạch lớn nhất Úc, Trung Quốc đã áp thuế hơn 80% với sản phẩm này vào tháng 5 do phát hiện nó bị bán phá giá ở nước này, làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước. Các mức thuế quan được ước tính khiến nền kinh tế Úc thiệt hại lên tới 500 triệu đô la Úc (369 triệu đô la Mỹ) mỗi năm.
Theo trang RT, ông Simon Birmingham cho biết Úc lo ngại về “sự tích tụ các trường hợp từ Trung Quốc về các quyết định thương mại bất lợi” tại cuộc họp của Ủy ban thương mại hàng hóa của WTO vào tuần trước.
“Chúng tôi coi đó là một sự phát triển rất đáng quan tâm. Chúng tôi đang kêu gọi họ thông qua WTO, đồng thời vẫn sử dụng tất cả các quy trình đó trong hệ thống của Trung Quốc để cố gắng giải quyết chúng”, Birmingham lưu ý.
Lúa mạch không phải là sản phẩm duy nhất vướng vào cuộc xung đột âm ỉ giữa Canberra và Bắc Kinh.
Trung Quốc trước đó đã ngừng vận chuyển than Úc, với lượng nhập khẩu trị giá 700 triệu đô la Úc (516 triệu đô la Mỹ) được cho bị chặn từ các cảng Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cấm một số lô hàng thịt bò từ Úc và áp thuế hơn 200% với rượu vang của Úc với lý do là bán phá giá. Động thái này được sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà xuất khẩu rượu vang của Úc với thị trường lớn nhất của họ. Xem thêm tại đây.