Đây là cuộc diễn tập di tản đầu tiên do Chính phủ Nhật Bản thực hiện cùng chính quyền tỉnh Okinawa và chính quyền 5 thành phố trên quần đảo Sakishima.
Nỗ lực di tản cư dân tỉnh Okinawa nhằm đề phòng một cuộc tấn công vũ trang của một nước khác, theo quy định của Luật Bảo vệ Dân sự của Nhật Bản.
Cuộc diễn tập di tản sẽ được tiến hành vào giữa tháng 3 tới. Tại đây, chính quyền tỉnh Okinawa tập trung vào việc sơ tán người dân ở quần đảo Sakishima nằm giữa Okinawa với Đài Loan.
Quần đảo Sakishima là nơi có thể bị tổn thất nhiều nhất nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp liên quan Đài Loan. Theo ước tính, mỗi ngày khoảng 20.000 người được vận chuyển bằng máy bay và tàu thủy.
Kịch bản xảy ra tấn công vũ trạng và kế hoạch di tản 25.000 người trong 6 ngày
Cuộc diễn tập sẽ tiến hành với kịch bản như sau: Khi Chính phủ Nhật xác định tình huống có thể xảy ra tấn công vũ trang thì toàn bộ tỉnh Okinawa sẽ được xem là một khu vực cần được di tản, vì đây là nơi bị đe dọa tấn công.
Cuộc diễn tập di tản sẽ tiến hành theo lệnh của chính quyền tỉnh Okinawa, trong khi mỗi thành phố trên quần đảo Sakishima bảo đảm công tác vận chuyển gồm bảo đảm an ninh cho các tuyến đường di tản cũng như vận hành các khu vực chờ được sơ tán.
Sẽ có khoảng 110.000 cư dân và 10.000 du khách được sơ tán tới 7 tỉnh thuộc đảo Kyushu, trong khi 1,37 triệu dân trên và quanh đảo chính Okinawa di tản đến các điểm trú ẩn trong các tòa nhà.
Tỉnh Okinawa và 7 tỉnh ở đảo Kyushu, cùng tỉnh Yamaguchi hồi năm 2006 đã ký một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm cung cấp đủ các nhu cầu hàng ngày, nơi ở và nhân lực nếu xảy ra các tình trạng khẩn cấp hoặc chiến tranh. Nhưng lúc đó, trong kế hoạch bảo vệ người dân của tỉnh Okinawa không có việc di tản.
Theo báo Yomiuri Shimbun, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cùng các diễn biến khác, từ tháng 5.2022, chính quyền tỉnh đã lần đầu tiên trao đổi ý kiến với các công ty điều hành sân bay và cảng biển, các hãng bay tư nhân, công ty tàu phà hoạt động ở quần đảo Sakishima. Đến cuối năm 2022, chính quyền tỉnh có kế hoạch sơ bộ về năng lực vận chuyển tối đa trong mỗi ngày, từ đó giao công tác vận tải người di tản bằng máy bay và tàu bè từ sân bay và cảng biển ở quần đảo này đến các thành phố trên đảo Kyushu.
Trên đảo này có sân bay Fukuoka và cảng Kagoshima Shinko có thể đón tiếp tổng cộng 20.500 người mỗi ngày, trong đó, khoảng 17.500 người đến bằng máy bay và 3.000 người đến bằng tàu thủy.
Nếu công tác vận chuyển được tiến hành hàng ngày thì dự kiến mất 6 ngày để sơ tán hết số lượng cư dân và du khách.
Các máy bay và tàu thủy chỉ hoạt động giả định trong điều kiện an ninh - an toàn được bảo đảm mà không nhắc đến việc vận chuyển diễn ra sẽ như thế nào lúc tối hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.
Ngoài ra, kế hoạch cũng chưa đề cập đến việc máy bay vận tải và tàu hải quân của Cục Phòng vệ Nhật Bản triển khai đến quần đảo Sakishima Islands có thể sử dụng các sân bay, cảng biển khác nhau.
“Đấy chỉ là những điều kiện cơ bản, và tôi cho rằng cần phải giải quyết nhiều vấn đề nữa”, ông Hidenori Ikehara, lãnh đạo Cơ quan ứng phó khủng hoảng và phòng chống thảm họa của chính quyền tỉnh Okinawa cho biết.
Ông còn cho biết, tỉnh sẽ căn cứ vào các đánh giá và diễn tập di tản để có thể tiếp tục chuẩn bị các hướng dẫn di tản.
Sau di tản, phải đảm đảm cuộc sống cho người dân ở khu vực tiếp nhận
Các vấn đề liên quan công tác tiếp nhận người di tản ở mỗi tỉnh thuộc đảo Kyushu và công tác hỗ trợ cuộc sống hàng ngày ở điểm tiếp nhận cũng chưa được xem xét.
“Do đấy là một vấn đề an ninh quốc gia, chúng tôi chưa có cách nào tiến hành sự chuẩn bị mà không có sự chỉ đạo từ chính phủ”, một quan chức thuộc tỉnh Fukuoka nói với Yomiuri Shimbun.
Còn có những lo ngại rằng, người dân có thể không tuân lệnh di tản vì họ lo ngại cho cuộc sống ở điểm tiếp nhận người di tản.
Năm 2022, một thị trấn ở đảo Yonaguni (cách Đài Loan 111km) đã lập một quỹ hỗ trợ chi phí di chuyển - ăn ở cho người dân tình nguyện di tản khỏi đảo từ trước khi xảy ra một tình trạng khẩn cấp, vì nếu trong tình huống họ sơ tán sau khi xảy ra tình trạng khẩn cấp thì rất khó để đảm bảo an toàn.
Các chuyên gia cho rằng cần có biện pháp bảo đảm cuộc sống hàng ngày của người dân tại các điểm di tản.
Giáo sư Hironobu Nakabayashi, Khoa xử lý khủng hoảng thuộc Đại học Kokushikan lên tiếng: “Người dân không thể di tản nếu họ không có chỗ nào để tiếp tục sống và không có thu nhập ở điểm tiếp nhận di tản. Đã có nhiều trường hợp người di tản đi một quãng đường xa suốt một thời gian dài để rồi rơi vào cảnh khó khăn về kinh tế. Các cơ quan chính quyền cần phải có một kế hoạch kỹ lưỡng để bảo đảm cuộc sống cho người dân ở các điểm tiếp nhận người di tản này”.