Ngày 9.8, Tổng thống Joe Biden sẽ ký một dự luật cung cấp 52,7 tỉ USD trợ cấp cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ.
Đây là động thái giúp Mỹ cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nỗ lực khoa học và công nghệ của Trung Quốc.
Nhà Trắng đang chào hàng các khoản đầu tư mà các công ty chip sẽ thực hiện, dù vẫn chưa rõ khi nào Bộ Thương mại Mỹ sẽ viết các quy tắc để xem xét các giải thưởng tài trợ và mất bao lâu hoàn thành các dự án.
Nhà Trắng cho biết, các lãnh đạo hãng Micron, Intel, Lockheed Martin, HP và Advanced Micro Devices sẽ tham dự buổi ký kết vào 10 giờ sáng 9.8 EDT (21 giờ Việt Nam) cùng các quan chức nội các, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô và công đoàn, bao gồm cả Ray Curry - Chủ tịch United Auto Workers (Hiệp hội Công nhân ngành ô tô Mỹ).
Cùng tham dự sẽ có thống đốc các bang Pennsylvania và Illinois, thị trưởng các thành phố Detroit, Cleveland và Salt Lake cùng những nhà lập pháp.
Nhà Trắng cho biết việc thông qua dự luật và ký thành luật Chips and Science (Chips và Khoa học) đã thúc đẩy các khoản đầu tư chip mới. Nhà Trắng lưu ý rằng Qualcomm hôm 8.8 đã đồng ý mua thêm 4,2 tỉ USD chip bán dẫn từ nhà máy của GlobalFoundries ở New York (Mỹ), nâng tổng cam kết mua hàng của hãng lên 7,4 tỉ USD đến năm 2028.
Nhà Trắng cũng thông báo Micron đang công bố khoản đầu tư 40 tỉ USD vào sản xuất chip nhớ, điều này sẽ thúc đẩy thị phần của Mỹ từ 2% lên 10%.
Đạo luật Chips and Science nhằm mục đích giảm bớt sự thiếu hụt dai dẳng đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, vũ khí, máy giặt và trò chơi điện tử. Hàng ngàn ô tô và xe tải vẫn đậu ở đông nam Michigan để chờ chip vì tình trạng thiếu hụt tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô.
Là bước đột phá lớn hiếm hoi trong chính sách công nghiệp của Mỹ, đạo luật Chips and Science cũng bao gồm cả khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỉ USD.
Đạo luật cung cấp 200 tỉ USD trong 10 năm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Quốc hội Mỹ vẫn sẽ cần thông qua luật trích lập riêng để tài trợ cho những khoản đầu tư đó.
Trung Quốc đã vận động hành lang chống lại dự luật bán dẫn của Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết nước này "kiên quyết phản đối", gọi đây là "tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho biết họ thường sẽ không ủng hộ các khoản trợ cấp quá lớn cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng lưu ý rằng Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã trao hàng tỉ USD ưu đãi cho các công ty chip của họ.
Họ cũng trích dẫn các rủi ro an ninh quốc gia và các vấn đề lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu.
Trong chuyến thăm Đài Loan tuần trước và họp với lãnh đạo hãng Pegatron (đối tác lớn của Apple) cùng TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới), Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi đã nói chuyện với Chủ tịch TSMC Mark Liu về đạo luật Chips and Science. Jason Cheng - Phó chủ tịch Pegatron cũng có mặt tại cuộc họp.
Sau hơn 2 năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua đạo luật Chips and Science hồi cuối tháng 7.2022, phản ánh sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội trước việc cần thiết phải chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ Trung Quốc. Đạo luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden.
Theo các nhà phân tích, đạo luật mới có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể hạn chế.
“Mỹ đã thu hút các công ty sản xuất chip trong một thời gian, với các ưu đãi khá lớn. Sẽ có nhiều công ty quan tâm đến việc tham gia và điều này chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, theo William Wang, Giám đốc điều hành công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải.
Theo William Wang, ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế tác động cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chip có thể tận dụng chính sách hỗ trợ của Mỹ để định hình lại ngành công nghiệp toàn cầu hay không.
Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về đạo luật mới và tác động của nó với ngành công nghệ Trung Quốc. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố nước này kiên quyết phản đối các điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác công nghệ thông thường giữa hai nước.
Theo Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, biện pháp khuyến khích mới sẽ làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ.
“Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng tiêu hao tài năng với Trung Quốc”, Gu Wenjun nói.
Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin giai đoạn 2008-2010, đầu tháng này nói rằng Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và vật liệu, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo dữ liệu từ Gartner, các công ty Mỹ đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi giá trị chất bán dẫn thượng nguồn, với 13 trong số 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh thu vào năm ngoái là của Mỹ.