Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16.3 đã ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan (TTA), cho phép quan chức mọi cấp của Mỹ và Đài Loan tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau. Động thái này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc do Bắc Kinh coi Đài Loan là một phận lãnh thổ không thể tách rời.
Nhà Trắng cho biết TTA sẽ tự động có hiệu lực từ sáng 17.3, kể cả khi Tổng thống Trump không ký. Luật này trước đó đều đã được lưỡng viện của Quốc hội Mỹ thông qua.
Sau khi có thông tin ông Trump đã ký ban hành TTA, Đại sứ quán Trung Quốc đã ra thông cáo cho biết những điều khoản trong đạo luật này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”, một trong những nền tảng chính trị quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ.
“Trung Quốc rất không hài lòng và phản đối mạnh mẽ (TTA). Mỹ nên ngừng theo đổi các quan hệ chính thức với Đài Loan hay cải thiện quan hệ hiện tại với Đài Loan theo bất kỳ cách nào”, thông cáo viết.
Sáng16.3, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng đã tuyên bố với nội dung tương tự.
Đạo luật Đi lại Đài Loan mở đường cho quan chức Mỹ và Đài Loan tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau ở mọi cấp. Ngoài ra, nó còn khuyến khích những người Đài Loan làm trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa đến Mỹ hoạt động.
Ông Douglas Paal, cựu đại diện của Mỹ tại Đài Loan (2002-2006), đánh giá TTA trên thực tế không làm thay đổi điều gì, vì nó không có tính ràng buộc với chính quyền Washington. Theo ông, Nhà Trắng vốn đã có quyền hạn cho phép quan chức cấp cao Đài Loan thăm Mỹ và cử quan chức Mỹ đến Đài Loan.
“Họ không tiến hành chính thức vì cái giá phải trả trong quan hệ Trung Quốc lớn hơn lợi ích đạt được trong quan hệ với Đài Loan”, ông Paal cho hay.
Động thái ký ban hành TTA này càng làm nghiêm trọng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Tổng thống Trump thời gian qua đã áp thuế với một vài mặt hàng nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc. Ông còn kêu gọi Bắc Kinh phải tìm cách giảm bất cân bằng thương mại với Mỹ, và xem xét áp thuế với 60 tỉ USD tổng giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tập trung vào hai ngành viễn thông và công nghệ.
Từ năm 1979, Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao, nhưng vẫn giữ quan hệ thương mại và bán vũ khí cho Đài Loan.
Thái độ của Bắc Kinh đối với Đài Bắc đang ngày càng xấu đi, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo Đài Loan. Tuy nhà lãnh đạo họ Thái luôn tuyên bố muốn duy trì hiện trạng, nhưng Trung Quốc nghi ngờ bà muốn thúc đầy nền độc lập chính thức.
Cẩm Bình (theo Reuters)