Hôm 6.4, các nhà chức trách ở Myanmar đã bắt giữ diễn viên hài nổi tiếng nhất đất nước khi tiếp tục đàn áp những người bị cáo buộc kích động các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2.
Diễn viên hài Zarganar (tên thật là Maung Thura) bị cảnh sát và binh lính đưa đi khỏi nhà riêng ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Diễn viên hài Ngepyawkyaw cho biết thông tin này trên trang Facebook cá nhân.
Năm nay 60 tuổi, Zarganar là nhà văn châm biếm sắc sảo, người đã ở trong và ngoài nhà tù kể từ khi hoạt động trong một cuộc nổi dậy thất bại của dân chúng năm 1988 chống lại chế độ độc tài quân sự trước đây.
Zarganar cũng được biết đến với công tác xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các nạn nhân của cơn bão Nargis năm 2008.
Trong tuần qua, chính quyền quân sự đã ban hành lệnh bắt giữ ít nhất 60 người hoạt động trong các lĩnh vực văn học, điện ảnh, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc và báo chí với tội danh tung tin phá hoại sự ổn định của đất nước lẫn pháp quyền. Hiện vẫn chưa rõ Zarganar bị buộc tội gì.
Nhiều người biểu tình và nhà hoạt động bình thường đang bị bắt mỗi ngày, theo nhiều báo cáo trên mạng xã hội.
Chính quyền quân sự Myanmar cũng vừa công bố danh sách truy nã người nổi tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.
Tờ Global New Light do quân đội Myanmar điều hành vừa công bố các danh sách người nổi tiếng, gồm diễn viên, ca sĩ và những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, bị truy nã. Họ bị buộc tội vi phạm mục 505 (A) của Bộ luật hình sự vì "lan truyền tin tức ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước". Hình phạt cho tội này lên đến 3 năm tù.
Chiếm gần hết một trang báo của Global New Light là danh sách 20 người, kèm ảnh, quê quán và trang Facebook của họ.
Quân đội Myanmar từng buộc tội nhiều diễn viên và đạo diễn hồi tháng 2.2021, nhưng chiến dịch nhắm vào họ chỉ mới được đẩy mạnh hồi tuần trước khi kênh truyền hình Myawaddy phát sóng danh sách truy nã. Hiện có ít nhất 60 người nổi tiếng trong các danh sách truy nã như vậy.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn gây choáng và bắn súng hôm 6.4 để ngăn chặn cuộc tuần hành của các nhân viên y tế, những người tiếp tục phản đối cuộc đảo chính ngày 1.2 lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.
Một người biểu tình yêu cầu giấu tên vì sự an toàn của bản thân nói với trang AP rằng các bác sĩ, y tá và sinh viên y khoa đã bị lực lượng an ninh tấn công khi tụ tập vào khoảng 5 giờ sáng. Lực lượng an ninh sử dụng ô tô lao vào những người biểu tình đi xe máy.
Trang tin trực tuyến The Irrawaddy đưa tin 4 bác sĩ đã bị bắt.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 570 thường dân đã thiệt mạng, trong đó có 47 trẻ em, trong cuộc đàn áp các cuộc biểu tình. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị thông báo 2.728 người, bao gồm cả Suu Kyi, đang bị giam giữ.
Các nhà hoạt động đã bắt đầu tổ chức tẩy chay lễ kỷ niệm chính thức Thingyan (lễ té nước đón Tết cổ truyền của Myanmar) vào tuần tới, thường là thời gian để đoàn tụ gia đình và vui vẻ.
Trong các tờ rơi và các bài đăng trên mạng xã hội, họ đang kêu gọi mọi người không tổ chức bất kỳ lễ kỷ niệm Thingyan nào, nói rằng việc tham gia lễ hội sẽ là thiếu tôn trọng với những “liệt sĩ đã hy sinh”.
Hôm 5.4, Thủ tướng Malaysia - Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei - Hassanal Bolkiah thông báo rằng các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ gặp nhau tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia để thảo luận về tình hình Myanmar. Thông báo được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tới Brunei, song chưa rõ thời điểm các lãnh đạo ASEAN gặp nhau.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin và Quốc vương Hassanal Bolkiah “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và số người chết ngày càng tăng”. Tổng thống Indonesia - Joko Widido đã đề xuất một hội nghị thượng đỉnh về Myanmar vào tháng trước.
Không có thông tin nào về việc các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tham gia trực tiếp hay qua video và Myanmar, 1 trong 10 thành viên của nhóm, sẽ tham dự.
Quân đội Myanmar đã chiến đấu ở một số khu vực biên giới nơi các nhóm dân tộc thiểu số duy trì lực lượng vũ trang của riêng họ. Một số nhóm chính, đáng chú ý nhất là người Karen và người Kachin, đã bày tỏ sự đoàn kết với phong trào chống đảo chính và thề sẽ bảo vệ những người biểu tình trên lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Người Kachin ở phía bắc Myanmar đã tham gia chiến đấu với lực lượng chính phủ, nhưng người Karen ở phía đông phải gánh chịu hậu quả nặng từ các cuộc không kích quân sự.
Ông David Eubank của Free Burma Rangers, tổ chức nhân đạo đã nhiều năm cung cấp hỗ trợ y tế cho dân làng Karen, cho biết khu vực nơi Liên minh Quốc gia Karen nắm giữ đã bị quân đội Myanmar tấn công từ ngày 27.3 đến 6.4.
David Eubank nói nhóm của ông đã xác minh rằng 14 dân thường thiệt mạng và hơn 40 người bị thương trong các cuộc không kích. Hôm 6.4, ông cho biết quân đội Myanmar đang tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ Karen, xua đuổi dân làng khỏi nhà của họ và tăng số lượng người phải di dời trong khu vực lên hơn 20.000 người. Nhiều người trong số họ phải ẩn náu trong hang động hoặc rừng rậm và đang rất cần thực phẩm cùng các nhu cầu thiết yếu khác.
“Tình hình bây giờ, theo quan điểm của chúng tôi, có vẻ như là cuộc chiến toàn lực để kết thúc mọi thứ. Trừ khi có phép màu, quân đội Myanmar sẽ không nương tay trong nỗ lực tiêu diệt người Karen và bất kỳ sắc tộc nào khác chống lại họ, cũng như không kìm chế để giết người dân tại các thành phố và đồng bằng”, David Eubank cho hay.