"Nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc đang tập trận gần Đài Loan và các cuộc tập trận như vậy sẽ trở nên thường xuyên".

Tuyên bố nhóm tàu ​​sân bay sẽ tập trận thường xuyên gần Đài Loan, Trung Quốc thách thức cả Mỹ

Nhân Hoàng | 06/04/2021, 09:34

"Nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc đang tập trận gần Đài Loan và các cuộc tập trận như vậy sẽ trở nên thường xuyên".

Hải quân Trung Quốc thông báo điều này cuối ngày 5.3 trong bối cảnh căng thẳng leo thang hơn nữa gần hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Đài Loan đã phàn nàn về sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo trong những tháng gần đây.

Hải quân Trung Quốc cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay, do Liêu Ninh dẫn đầu, đang thực hiện các cuộc tập trận thường lệ ở vùng biển gần Đài Loan, với mục đích “tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, an toàn và lợi ích phát triển”.

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động.

trung-quoc-tuyen-bo-nhom-tau-san-bay-se-tap-tran-thuong-xuyen-o-dai-loan.jpg
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Các cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành thường xuyên trong tương lai”, Hải quân Trung Quốc cho biết mà không nói rõ thêm.

Tuyên bố này xem như lời thách thức cả Mỹ và được đưa ra sau khi Cơ quan phòng vệ Đài Loan báo cáo về một xâm nhập mới của không quân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không hòn đảo hôm 5.4. 

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã nắm được đầy đủ tình hình trên không và trên biển xung quanh Đài Loan, đang "xử lý vấn đề một cách thích hợp".

Giống nhiều quốc gia, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp phải cung cấp cho hòn đảo các phương tiện để tự vệ. Mỹ cũng là nước hỗ trợ và bán vũ khí cho Đài Loan nhiều nhất.

Theo tờ SCMP, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã vượt eo biển Malacca, tiến vào Biển Đông hôm 4.4. Hải quân Mỹ hiện chưa tiết lộ kế hoạch hoạt động hay diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt tại Biển Đông. Đây là lần thứ hai USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông trong năm nay.

tau-san-bay-trung-quoc-qua-dao-okinawa-sau-khi-my-uc-tap-tran2.jpg
Một bức ảnh do Văn phòng Tham mưu Liên quân của Nhật Bản cung cấp cho thấy tàu Liêu Ninh chở một trực thăng và máy bay chiến đấu J-15

Hôm 4.4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết rằng tàu sân bay Liêu Ninh cùng với 5 tàu ​​hộ tống đã qua tuyến đường thủy quan trọng ngoài khơi Nhật trên đường đến Thái Bình Dương.

Nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc được phát hiện vào khoảng 8 giờ sáng 4.4, cách quần đảo Danjo của tỉnh Nagasaki khoảng 470 km về phía tây nam. Đoàn tàu sau đó đi qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy rộng 250 km giữa đảo Okinawa và đảo Miyako.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4.2020, tàu sân bay Liêu Ninh được cho đi qua tuyến đường thủy này và diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc tập trận chung giữa Hải quân Mỹ - Úc ở Đông Thái Bình Dương.

Đi cùng tàu Liêu Ninh còn có một tàu khu trục tên lửa dẫn đường tàng hình lớp Renhai, hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Luyang III, một khinh hạm đa năng Jiangkai II và một tàu hỗ trợ tác chiến nhanh lớp Fuyu.

Phía Nhật Bản đã triển khai tàu khu trục JS Suzutsuki, một máy bay tuần tra hàng hải P-1 và một máy bay tuần tra tác chiến chống ngầm P-3C để thu thập thông tin cũng như giám sát chuyển động của các tàu Trung Quốc.

Một máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc cũng đi qua eo biển Miyako hôm 4.4 và Nhật Bản đã điều một chiến đấu cơ trong không phận để đáp trả.

Các động thái của Trung Quốc diễn ra khi Hải quân Mỹ tăng cường hợp tác với ba đối tác Quad là Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ghi nhận Nam Xương, chiếc đầu tiên trong hạm đội tàu khu trục Type 055 mới mạnh mẽ đi vào hoạt động năm ngoái, là một phần của nhóm tàu ​​sân bay.

Sự kết hợp của tàu sân bay và tàu khu trục cỡ lớn Type 055 sẽ trở thành cấu hình tiêu chuẩn của các nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Tàu Liêu Ninh và Sơn Đông đã thực hiện các cuộc tập trận hoặc tiến gần Đài Loan trước đây.

Vào tháng 12.2019, ngay trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, tàu sân bay Sơn Đông đã đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm. Đây là hành vi bị Đài Loan lên án là âm mưu đe dọa.

Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc và là một trọng điểm quân sự tiềm tàng. Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của mình.

Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn đang giám sát việc cải tổ quân đội của hòn đảo, tung ra vũ khí mới như Tả Giang, tàu hộ tống có khả năng tàng hình mang theo tên lửa, được mệnh danh là "sát thủ với tàu sân bay".

trung-quoc-tuyen-bo-nhom-tau-san-bay-se-tap-tran-thuong-xuyen-o-dai-loan1.jpg
Tàu hộ tống Tả Giang của Đài Loan

Tại buổi lễ hạ thủy Tả Giang tại nhà máy đóng tàu ở Tô Áo, đông bắc Đài Loan hồi tháng 12.2020, bà Thái Anh Văn nói các tàu chiến mới là dấu hiệu cho thấy Đài Loan quyết tâm bảo vệ vùng biển xung quanh hòn đảo và thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự địa phương.

Tả Giang có lượng choán nước 700 tấn và tốc độ tối đa 45 hải lý/giờ (83km/h), sử dụng công nghệ tàng hình hiện đại để tránh bị phát hiện, được trang bị tên lửa tốc độ cận âm có thể tiêu diệt mục tiêu trên bộ hoặc trên biển, chẳng hạn như một tàu sân bay. Tả Giang cũng có thể hoạt động ở vùng nước nông hoặc ven biển nơi các tàu lớn hơn như tàu khu trục và khinh hạm khó hoạt động.

"Tàu Tả Giang được trang bị tên lửa chống hạm Hùng Phong II, III và tên lửa phòng không Hải Kiếm II do Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan phát triển", Huang Shou-chen, Chủ tịch công ty đóng tàu Lung The, nói.

Tàu hộ tống này cũng được trang bị pháo 76 mm, hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx và súng máy T-74.

Bài liên quan
Đài Loan mua tên lửa phòng không Mỹ siêu khủng đề phòng Trung Quốc tấn công
Hôm 31.3, lực lượng không quân Đài Loan cho biết đã quyết định mua phiên bản nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), khi hòn đảo này đề phòng mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyên bố nhóm tàu ​​sân bay sẽ tập trận thường xuyên gần Đài Loan, Trung Quốc thách thức cả Mỹ