Nhiều hãng truyền thông cho biết đang tạm ngừng đưa tin ở Nga để bảo vệ các nhà báo của mình sau khi một luật mới đe dọa phạt tù đến 15 năm hành vi phát tán "tin tức giả".
BBC (Anh) hôm 4.3 cho biết đã tạm thời ngừng đưa tin ở Nga. Vào cuối ngày 4.3, Canadian Broadcasting Company và Bloomberg cho biết các nhà báo của họ cũng đang dừng công việc.
CNN, CBS News cho biết sẽ ngừng phát sóng ở Nga và các cơ quan truyền thông khác đã xóa nội dung của các nhà báo gốc Nga khi đánh giá tình hình.
Cơ quan quản lý truyền thông Nga (Roskomnadzor) đã chặn Facebook của Meta Platforms với lý do 26 trường hợp phân biệt đối xử với truyền thông Nga. Roskomnadzor cũng báo cáo rằng Nga hạn chế quyền truy cập vào Twitter.
Các quan chức Nga nói rằng thông tin sai lệch đã được lan truyền bởi những kẻ thù của Nga như Mỹ và các đồng minh Tây Âu nhằm gây bất hòa trong người dân nước này.
Các nhà lập pháp Nga đã thông qua các sửa đổi với bộ luật hình sự khiến việc phát tán thông tin "giả mạo" trở thành hành vi phạm tội, có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Điện Kremlin đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Reuters về động thái đình chỉ đưa tin của các hãng truyền thông.
Tổng giám đốc BBC - Tim Davie cho biết: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ công việc của tất cả nhà báo của BBC News và nhân viên hỗ trợ họ tại Liên bang Nga, trong khi đánh giá toàn bộ tác động của sự phát triển không mong muốn này”.
Ông Jonathan Munro, người đứng đầu mảng tin tức của BBC News, cho biết công ty không rút các nhà báo khỏi Nga mà đánh giá tác động của luật mới.
Canada Broadcasting Corp, đài truyền hình công cộng Canada, nói đã tạm thời ngừng đưa tin từ mặt đất ở Nga để có thể tìm kiếm sự rõ ràng về luật mới.
Đài truyền hình ABC News (Mỹ) nói sẽ tạm dừng phát sóng từ Nga khi đánh giá tình hình. Washington Post, Dow Jones và Reuters cho biết đang đánh giá luật truyền thông mới và tình hình.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của nhân viên và bao quát câu chuyện quan trọng này một cách công bằng, đầy đủ", Steve Sevinghaus, phát ngôn viên Dow Jones, cho hay.
Bằng cách tấn công Ukraine, Nga đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phá hủy thị trường tài chính và hàng hóa, khiến đồng rúp rơi vào vòng xoáy và dẫn đến việc bị cô lập về kinh tế chưa từng có trước đây.
Các chính phủ và nền tảng công nghệ phương Tây cũng đã cấm mạng tin tức RT, với việc Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc mạng này đưa thông tin sai lệch có hệ thống về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đưa ra một phần quan điểm về thế giới (thường là chống Nga) trong khi không buộc các nhà lãnh đạo của mình phải giải trình cho tham nhũng hoặc các cuộc chiến tranh tàn khốc như ở Iraq.
Hãng thông tấn TASS đưa tin đạo luật mới do Thượng viện Nga soạn thảo và được ông Putin ký thành luật. Nó dường như trao cho nhà nước Nga quyền mạnh hơn nhiều để trấn áp các hãng truyền thông bằng cách coi việc phát tán tin giả trở thành tội phạm hình sự với án tù.
Hạ viện Nga cho biết: “Nếu hành vi giả mạo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ có nguy cơ bị phạt tù lên đến 15 năm”.
Trước đó, Nga đã cắt quyền truy cập vào các trang web của một số tổ chức tin tức nước ngoài, bao gồm cả BBC, Đài tiếng nói Mỹ (VOA) và Deutsche Welle, vì phát tán những gì bị cho là thông tin sai lệch về cuộc chiến của họ ở Ukraine.
BBC cho biết sẽ bắt đầu phát 4 giờ tin tức mỗi ngày bằng tiếng Anh trên đài phát thanh sóng ngắn ở Ukraine và các vùng Nga, làm sống lại một công nghệ cổ xưa được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh để vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước Nga.