Mối quan tâm về việc vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không đã tăng lên một vài lần trong quá trình diễn ra đại dịch.

Sự thật về việc vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer làm giảm chất lượng tinh trùng

Long Hải | 23/06/2022, 10:35

Mối quan tâm về việc vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không đã tăng lên một vài lần trong quá trình diễn ra đại dịch.

tinh-trung.jpg
Đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và khả năng sinh sản ở nam giới

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để trấn an rằng vắc xin không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc mang thai ở phụ nữ. Ngoài ra, cũng đã có những nghiên cứu về việc liệu vắc xin có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng ở nam giới hay không và một trong số đó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng gần đây.

Ngày 17.6, một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Andrology với tiêu đề “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 BNT162b2 tạm thời làm giảm nồng độ tinh dịch và tổng số lượng tinh dịch ở những người hiến tinh dịch”.

Nghiên cứu này đã được chia sẻ trên mạng xã hội Reddit, thu hút hơn 17.000 lượt ủng hộ và khoảng 1.500 lượt bình luận chỉ trong vòng 3 ngày. Một số người dùng bày tỏ lo lắng về kết quả nghiên cứu cho thấy sự suy giảm tạm thời về số lượng tinh trùng sau khi tiêm phòng.

Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm nồng độ tinh trùng xảy ra vài tháng sau khi tiêm chủng ở một nhóm nhỏ nam giới tình nguyện tham gia. Cụ thể, nghiên cứu đã tiến hành điều tra 220 mẫu tinh trùng của 37 người đàn ông tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer. Các mẫu tinh trùng được nhận nhiều lần - một lần trước khi tiêm chủng (T0), một lần từ 15-45 ngày sau khi tiêm chủng (T1), một lần 75-150 ngày sau khi tiêm chủng (T2) và một lần hơn 150 ngày sau khi tiêm chủng (T3).

Trong mỗi mẫu, các nhà nghiên cứu đã điều tra các yếu tố như lượng tinh dịch, nồng độ tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng và tổng số lượng di động. Không có thay đổi đáng kể nào xảy ra giữa T0 và T1, nhưng nồng độ tinh trùng được tìm thấy là thấp hơn khoảng 15,4% so với T2 và tổng số lượng di động thấp hơn 22,1%. Đến T3, mức giảm dường như đã phục hồi.

Các tác giả nhấn mạnh rằng thay vì lo lắng, kết quả của họ “xác nhận các báo cáo trước đây về độ an toàn và độ tin cậy tổng thể của vắc xin mặc dù có các tác dụng phụ ngắn hạn nhỏ”.

Nghiên cứu viết: “Vì thông tin sai lệch về các đối tượng liên quan đến sức khỏe là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, phát hiện của chúng tôi sẽ hỗ trợ các chương trình tiêm chủng”.

Tuy nhiên, nghiên cứu không được kết luận mặc dù đã có những phát hiện rõ ràng. Tiến sĩ Ranjith Ramasamy, Giám đốc khoa Tiết niệu sinh sản tại Hệ thống Y tế Đại học Miami, nói rằng ông coi những thay đổi quan sát được trong nghiên cứu là nằm trong phạm vi bình thường.

“Mặc dù các con số có thể có ý nghĩa thống kê, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng đạt được ý nghĩa lâm sàng. Những người đàn ông đáp ứng miễn dịch lớn với vắc xin có thể gặp tác động bất lợi tạm thời nhưng cần có các nghiên cứu lớn hơn để trả lời dứt điểm câu hỏi này”, Ranjith Ramasamy nói.

Amelia Wesselink, trợ lý nghiên cứu dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Đại học Boston, người đã thực hiện các nghiên cứu về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và khả năng sinh sản, nói với Newsweek rằng thật tốt khi nghiên cứu thu thập nhiều mẫu tinh dịch trước và sau khi tiêm chủng, nhưng nhấn mạnh quy mô của nó còn khá nhỏ.

Bà cũng cho biết thêm, các tác giả không cho biết liệu họ có tính đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến các đặc tính của tinh dịch, như căng thẳng hoặc sự thay đổi theo mùa hay không. Ngay cả bản thân COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Bà nói: “Chúng ta đã biết từ lâu rằng sốt có thể làm suy giảm sự phát triển và chức năng của tinh trùng. Vì vậy, nếu sốt là tác dụng phụ của việc tiêm phòng, chất lượng tinh trùng có thể bị tổn hại trong vài tháng sau khi tiêm. Nhưng điều này cũng đúng với những thứ khác gây sốt - bao gồm cả việc nhiễm COVID-19. Và đối với việc nhiễm bệnh, điều này xảy ra là bằng chứng cho thấy tổn thương tinh trùng có thể kéo dài hơn vài tháng. Vì vậy về mặt tổng thể, những kết quả này nếu có quan hệ nhân quả thì không có gì đáng lo ngại”.

Đây cũng không phải là nghiên cứu duy nhất điều tra sự liên quan giữa vắc xin phòng COVID-19 và chất lượng tinh trùng. Một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng 2 và sẽ được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Phụ khoa & Sản khoa vào tháng tới, cho rằng vắc xin không ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng dựa trên 898 mẫu từ 33 nam giới. Các mẫu tinh trùng của những người đàn ông này được xét nghiệm một lần trước khi họ tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ 2 và một lần nữa ít nhất 72 ngày sau đó.

Trên thực tế, nghiên cứu đó thậm chí còn cho rằng tổng số lượng tinh trùng và tổng số lượng di động tăng lên sau khi tiêm mũi vắc xin thứ hai so với trước khi tiêm vắc xin.

Một nghiên cứu hồi tháng 6.2021 được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ liên quan đến 45 người đàn ông đã đưa ra kết luận tương tự. Nghiên cứu cho thấy rằng không có “sự suy giảm đáng kể trong bất kỳ thông số tinh trùng nào” trước và sau khi tiêm 2 liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna, và cũng có vẻ như cho thấy sự gia tăng. Các tác giả cho rằng sự gia tăng này là “trong sự biến thiên bình thường của cá nhân và có thể bị ảnh hưởng bởi hồi quy về giá trị trung bình”.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật về việc vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer làm giảm chất lượng tinh trùng