Trong nỗ lực cai trị Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng, Taliban đã bổ nhiệm một số nhân vật kỳ cựu nắm giữ các vị trí Bộ trưởng quan trọng.
Taliban chưa chính thức công bố quyết định bổ nhiệm, nhưng hãng tin Pajhwok (Afghanistan) đưa tin người giữ chức Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nội vụ lần lượt là Gul Agha và Sadr Ibrahim. Còn hãng tin Al Jazeera dẫn nguồn tin tiết lộ cựu tù nhân Guantanamo Abdul Qayyum Zakir làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Một quan chức Taliban ở Kabul xác nhận việc bổ nhiệm được thực hiện vào tuần qua. Chức vụ Thống đốc tỉnh sẽ chọn từ số chỉ huy giàu kinh nghiệm nhất trong cuộc chiến 2 thập kỷ qua.
Giới chuyên gia nhận định hầu hết người giữ chức vụ trong chính quyền Taliban lập nên là nhân vật lãnh đạo quân sự đến từ hai tỉnh Helmand và Kandahar. Theo học giả Ashley Jackson thuộc Trung tâm Phát triển nước ngoài (ODI): “Đều là những cái tên quen thuộc. Taliban không cho thấy tính đa dạng về nhân sự hay mong muốn thành lập chính quyền dân sự”.
Gul Agha mà hãng tin Pajhwok nhắc đến dường như chính là Gul Agha Ishakzai – người phụ trách tài chính của Taliban, bị Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách trừng phạt. Ông rất thân thiết với nhân vật sáng lập Taliban đã qua đời Mullah Omar, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) viết trong một văn kiện ghi chú rằng: “Từng có thời điểm không ai được phép gặp Omar nếu Ishakzai không chấp thuận”.
Abdul Qayyum Zakir - một chỉ huy chiến trường kỳ cựu - cũng là cộng sự thân cận của Omar. Nhân vật này bị bắt khi lực lượng do Mỹ dẫn đầu sang Afghanistan năm 2001, bị giam giữ tại nhà tù quân sự nổi tiếng Guantanamo cho đến năm 2007 rồi được trả tự do, bàn giao cho chính quyền Afghanistan.
Bộ trưởng Nội vụ Sadr Ibrahim mà Taliban vừa bổ nhiệm được đánh giá là nhân vật quyền lực, đáng tin cậy của tổ chức này. Tuần trước Taliban đã bổ nhiệm Haji Mohammad Idris làm Giám đốc Ngân hàng trung ương.
Bên cạnh bổ nhiệm quan chức cấp cao, Taliban cũng ra lệnh cho quan chức cấp thấp hơn tại Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương quay trở lại làm việc.
Sau khi giành chiến thắng, Taliban nay phải chuyển trọng tâm sang từ chiến đấu quân sự sang cai trị đất nước đang hỗn loạn – một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh lực lượng phản kháng hoạt động rất mạnh mẽ, đất nước hứng chịu thiệt hại về con người lẫn cơ sở hạ tầng vì chiến tranh. Các nước khác đặc biệt là Mỹ sắp phải giải quyết một vấn đề lớn: có công nhận chính quyền Taliban lập nên hay không?