PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tăng trưởng năm 2021 có thể cao hơn mục tiêu 6% của Chính phủ đề ra, quanh mức 6,8-7,2%.

'Tăng trưởng năm 2021 có thể cao hơn mục tiêu 6% của Chính phủ'

Lam Thanh | 12/11/2020, 15:44

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tăng trưởng năm 2021 có thể cao hơn mục tiêu 6% của Chính phủ đề ra, quanh mức 6,8-7,2%.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 với 89,21% đại biểu tán thành. Theo đó, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...

dinh-trong-thinh.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.

Đồng thời, Quốc hội cũng đề ra một số chỉ tiêu về môi trường như: tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng 12 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội năm 2021 là tương đối phù hợp và khả thi.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%, ông Thịnh cho rằng điều này cho thấy sự cẩn trọng của Chính phủ. Tuy nhiên, với khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như hiện nay, tăng trưởng của năm 2021 có thể cao hơn chỉ tiêu đề ra, quanh mức 6,8-7,2%.

Cũng theo chuyên gia này, với các mục tiêu khác như GDP bình quân đầu người đạt từ 4.700 - 5.000 USD thì cần phải có nhiều sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay với quy mô ngày càng lớn của GDP, mức tăng trưởng từ 6,5-7% cần sự nỗ lực rất lớn.

Ông Thịnh cho rằng để kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, TFP cũng phải tăng trưởng 45% và năng suất lao động tăng bình quân cũng hơn 6,5%/năm là bài toán rất khó khăn. Điều này cần nỗ lực cao từ Chính phủ đến các địa phương và toàn bộ các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ông Thịnh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh và hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển nhanh chóng

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nội địa mở rộng, hướng trọng tâm vào thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, bởi vì dù các nước có mở cửa nền kinh tế trở lại thì cũng sẽ cầm chừng, hoạt động xuất - nhập khẩu chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng hàng nội của người Việt đang tăng lên, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để thể hiện mình, chứng minh chất lượng của hàng Việt Nam.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh trường hợp phục thuộc quá nhiều vào nguồn hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của thị trường trong nước; tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt là những doanh nghiệp trong hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ... đã và đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hồi 15.9, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.

Giám đốc Quốc gia của ADB, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến.

Tuy nhiên, ADB tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn vững vàng trong năm 2020, phần lớn nhờ vào thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

ADB cũng cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang diễn ra từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Cũng theo ADB, tăng trưởng kinh tế thấp sẽ giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

ADB đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực. Việc gia nhập nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam phục hồi. Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.

Bài liên quan
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 2 - 3% - là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tăng trưởng năm 2021 có thể cao hơn mục tiêu 6% của Chính phủ'