Thị trường smartphone Trung Quốc có dấu hiệu hồi sinh trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ với thiết bị 5G mới của Huawei và dòng iPhone 15 trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng”.

Thị trường smartphone Trung Quốc hồi sinh ở kỳ nghỉ ‘tuần lễ vàng’ nhờ Huawei và Apple

Sơn Vân | 16/10/2023, 22:22

Thị trường smartphone Trung Quốc có dấu hiệu hồi sinh trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ với thiết bị 5G mới của Huawei và dòng iPhone 15 trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng”.

Theo các nhà phân tích, thị trường smartphone của Trung Quốc, vốn đã suy giảm trong 8 tháng đầu năm, hiện đang có dấu hiệu hồi sinh nhờ nhu cầu tăng cao với dòng Mate 60 Pro của Huawei và dòng iPhone 15 của Apple.

Theo báo cáo nghiên cứu từ Kuo Ming-chi, nhà phân tích thạo tin về Apple của hãng TF International Securities, doanh số bán smartphone đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể 15% hàng năm trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng”, từ ngày 29.9 đến ngày 6.10, kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc.

Kuo Ming-chi viết: “Sự suy giảm trên thị trường điện smartphone Trung Quốc sẽ sớm kết thúc với những kỳ vọng về sự tăng trưởng mới”. Ông chỉ ra rằng doanh số bán smartphone tại Trung Quốc (thị trường smartphone lớn nhất thế giới) sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trở lại trong quý 4/2023.

Theo dữ liệu, những khó khăn kinh tế vĩ mô, cùng với sự gián đoạn liên quan đến COVID-19 kể từ năm 2020, đã làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc và làm giảm doanh số bán smartphone. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán smartphone ở Trung Quốc đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint.

Ngay cả sản lượng smartphone ở Trung Quốc cũng tiếp tục giảm trong 8 tháng đầu năm 2023. Theo dữ liệu do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố hồi đầu tháng này, cả nước đã sản xuất 679 triệu smartphone từ tháng 1 đến tháng 8.2023, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng”, nhu cầu smartphone ở Trung Quốc cho thấy sự thay đổi đáng hoan nghênh trong tâm lý người tiêu dùng bất chấp sự phục hồi kinh tế gập ghềnh sau đại dịch của đất nước, vốn bị đè nặng bởi cuộc khủng hoảng tài sản, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và niềm tin yếu vào khu vực tư nhân.

Theo bản tin của SCMP dẫn lời nhà phân tích nghiên cứu cấp cao Ivan Lam của hãng Counterpoint, triển vọng thị trường trong thời gian còn lại của năm 2023 có thể được cải thiện nhờ vào sự ra đời smartphone Huawei 5G mới và dòng iPhone 15, cũng như mùa bán hàng mùa đông sắp tới.

Trong một dấu hiệu phục hồi khác, khối lượng smartphone xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên 83,5 triệu chiếc ở tháng 9, tăng gần 30% so với 64,6 triệu chiếc vào tháng 8, theo dữ liệu chính thức của chính phủ công bố. Tuy nhiên, tổng lượng smartphone xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 vẫn giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 561,4 triệu đơn vị, theo dữ liệu chính thức.

Việc Huawei âm thầm ra mắt Mate 60 Pro và Mate 60 Pro+, được trang bị chip bí ẩn tiên tiến, đánh dấu sự trở lại của công ty nằm trong danh sách đen của Mỹ với thị trường smartphone 5G. Điều này đã khơi dậy lòng yêu nước và nhu cầu mạnh mẽ của người dân sau nhiều năm Huawei đối mặt với các biện pháp trừng phạt về công nghệ và thương mại từ Mỹ.

thi-truong-smartphone-trung-quoc-hoi-sinh-o-ky-nghi-tuan-le-vang-nho-huawei-va-apple.jpg
Người dân xếp hàng trước cửa hàng hàng đầu của Huawei trên đường Đông Nam Kinh ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc trước giờ mở cửa vào ngày 30.9 - Ảnh: Bloomberg

Theo tờ báo kinh doanh Securities Daily (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), Huawei đã tăng mục tiêu xuất xưởng smartphone của mình lên 20% trong nửa cuối năm nay, nhờ sự phổ biến của dòng Mate 60 Pro.

Ivan Lam cho biết dòng Mate 60 Pro đã “mang lại niềm tin lớn” cho thị trường smartphone Trung Quốc. Counterpoint ước tính doanh số bán smartphone 5G mới nhất của Huawei sẽ đạt từ 5 đến 6 triệu chiếc tính đến cuối năm nay.

Theo Ivan Lam, dự báo lạc quan đó xuất phát từ lượng lớn người dùng HarmonyOS trong nước của Huawei, đề cập đến hệ điều hành di động thay thế Android. Ivan Lam nói thêm rằng các smartphone 5G mới của Huawei dự kiến sẽ không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn cả những người dùng cũ chuyển sang các thương hiệu smartphone khác trong vài năm qua.

Theo Ivan Lam, trong 8 tháng đầu năm nay, doanh số bán smartphone của Huawei đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông nói: “Huawei đã phục hồi thành công sau chuỗi cung ứng căng thẳng và đã trở lại nhịp độ bình thường cho việc ra mắt sản phẩm”.

Các smartphone 5G mới của Huawei, gồm cả mẫu màn hình gập Mate X5 mới ra mắt, được trang bị cùng bộ vi xử lý tiên tiến Kirin 9000s được sản xuất tại Trung Quốc. Thông tin chi tiết về chip đã được công ty tư nhân này giữ bí mật.

Việc tháo rời Mate 60 Pro gần đây của bên thứ ba đã chỉ ra rằng SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc), công ty khác bị Mỹ trừng phạt, đứng đằng sau chip Kirin 9000s “đột phá”.

Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 5.2019, hạn chế hầu hết các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi được cấp giấy phép. Các quan chức Mỹ đã tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp sức mạnh cho hầu hết các sản phẩm của Huawei.

Trong khi SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 12.2020 vì lo ngại công ty này có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.

Một nhóm đảng viên Cộng hòa cấp cao tại Hạ viện Mỹ hôm 14.9 đã kêu gọi chính quyền Biden trừng phạt Huawei và SMIC.

Đầu tháng 9, Dân biểu Mike Gallagher, người đứng đầu Ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, nói Bộ Thương mại nên chấm dứt mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ cho Huawei và SMIC.

Khi giới thiệu Mate 60 Pro cuối tháng 8, Huawei không đề cập bất cứ điều gì về chipset trong máy. Sau khi tháo rời Mate 60 Pro, các chuyên gia của công ty nghiên cứu TechInsights nhận thấy chip máy được sản xuất bởi SMIC theo quy trình 7 nanomet. Thông tin này khiến người dùng Trung Quốc phấn khích, trong khi giới công nghệ đặt câu hỏi liệu SMIC có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ trong quá trình chế tạo chip.

Song theo trang SCMP, Minatake Mitchell Kashio, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu điện tử Fomalhaut Techno Solutions (Nhật Bản), cho biết đã tháo rời để phân tích Mate 60 Pro và nhận thấy CPU của Kirin 9000s thực tế được sản xuất bằng quy trình 14 nanomet của SMIC. Ông cho rằng công ty Trung Quốc đã áp dụng một số kỹ thuật đặc biệt để nâng cao hiệu suất chip, đưa nó đến gần hơn với cấp độ của bộ xử lý theo quy trình 7 nanomet.

Quy trình sản xuất càng nhỏ, chip có hiệu suất càng cao vì cho phép đưa nhiều bóng bán dẫn hơn vào trong chip. Do đó, chip 7 nanomet hoạt động vượt trội và tiên tiến hơn nhiều so với 14 nanomet. Hồi tháng 9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo nói chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể sản xuất chip 7 nanomet ở quy mô lớn.

Dù cho rằng Kirin 9000s không được sản xuất theo quy trình 7 nanomet, Fomalhaut Techno Solutions không đề cập chi tiết cách Huawei hay SMIC áp dụng để có thể nâng cấp được chip 14 nanomet tiến gần đến 7 nanomet. Ông Minatake Mitchell Kashio cho hay còn nhiều bí mật đằng sau Kirin 9000s.

Kirin 9000s là chip ARM đầu tiên có 8 nhân hỗ trợ siêu phân luồng. Chip gồm có một nhân chính tốc độ 2,62 GHz, ba nhân trung bình tốc độ 2,14 GHz và bốn nhân tiết kiệm điện.

Trong khi đó, dòng iPhone 15 cũng đã thu hút hàng dài người mua sắm tại các cửa hàng truyền thống của Apple ở Trung Quốc. Các đơn đặt hàng trực tuyến iPhone 15 Pro Max hiện yêu cầu thời gian chờ từ 4 đến 5 tuần trước khi giao máy, khiến một số người trên mạng xã hội chia sẻ trạng thái vận chuyển của họ và tham khảo đơn đặt hàng từ người khác.

Trong quý 2/2023, việc mua sắm smartphone tại Trung Quốc đã ghi nhận doanh số bán hàng thấp nhất kể từ năm 2014 do những khó khăn kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Điều đó cho thấy doanh số bán smartphone trong lễ hội mua sắm 618 của Trung Quốc vào tháng 6 có “hiệu suất tương đối yếu”.

Bài liên quan
Huawei thúc đẩy ra mắt mạng 5.5G, tốc độ nhanh hơn 5G gấp 10 lần
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) đang thúc đẩy việc ra mắt mạng 5.5G với các nhà khai thác từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Trung Đông, hứa sẽ hỗ trợ tốt hơn các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và ô tô thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường smartphone Trung Quốc hồi sinh ở kỳ nghỉ ‘tuần lễ vàng’ nhờ Huawei và Apple