Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang diễn ra cùng loạt trừng phạt nhằm vào Nga có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, từ đó, gây ra việc thiếu hụt, tăng giá hàng hóa trên toàn cầu.

Thiếu hụt hàng hóa và tăng giá trên toàn cầu vì xung đột Nga - Ukraine

Cẩm Bình | 03/03/2022, 16:02

Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang diễn ra cùng loạt trừng phạt nhằm vào Nga có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, từ đó, gây ra việc thiếu hụt, tăng giá hàng hóa trên toàn cầu.

Căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự từ tuần trước và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Phương Tây áp đặt hàng loạt trừng phạt kinh tế với Nga trong đó, động thái cứng rắn nhất là loại nước này khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. Tất cả diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu mới chỉ bắt đầu hồi phục sau đợt thiếu hụt hàng hóa bởi đại dịch COVID-19, và lạm phát đang là nỗi lo ngại lớn của nhiều quốc gia.

Năng lượng

Nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga – đặc biệt là khí đốt vận chuyển qua vài đường ống chính. Ngay cả khi xung đột chấm dứt, vẫn có khả năng loạt trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào Nga khiến các nước này tiếp tục gặp khó khăn trong nhập khẩu khí đốt.

Dự trữ khí đốt toàn cầu hiện ở mức thấp, do đại dịch và giá năng lượng đang tăng mạnh, tác động đến không ít ngành công nghiệp lẫn người tiên dùng. Khí đốt là nguyên liệu đầu vào cho nhiều chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung mặt hàng quan trọng như vậy có thể gây nên hậu quả kinh tế trên diện rộng.

20210925_fnp503.jpg
Giá năng lượng duy trì đà tăng suốt thời gian qua - Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, xung đột quân sự Nga - Ukraine chắc chắn cũng làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô của Nga ngay vào lúc cung không đủ cầu, khiến giá tăng vọt. Đầu tuần qua giá dầu Brent đã vượt qua mốc 100 USD/thùng, giá dầu WTI cũng ở mức hơn 96 USD/thùng. Không chỉ ngành ô tô mà cả những ngành công nghiệp lớn khác sẽ bị ảnh hưởng khi chi phí đầu vào tăng.

Vận tải

Vận tải toàn cầu vốn đã bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch, xung đột quân sự đem lại nhiều vấn đề hơn nữa. Phương thức vận tải có khả năng chịu ảnh hưởng là vận tải biển và vận tải đường sắt.

Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng hàng hóa qua lại giữa châu Á và châu Âu, nhưng vận tải đường sắt lại ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại dịch và đang phát triển ổn định. Một số quốc gia như Lithuania dự báo loạt trừng phạt nhắm vào Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận tải đường sắt của họ.

Tuy vận tải qua Biển Đen chỉ là thị trường ngách, nhưng nơi đây lại có cảng biển lớn Odessa. Nếu tuyến hàng hải này bị xung đột quân sự làm gián đoạn, xuất nhập khẩu của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng và hệ quả về nhân đạo có thể xảy ra.

Giá dầu tăng do xung đột là lo ngại lớn với ngành vận tải biển. Chi phí vận chuyển vốn đã rất cao vẫn có thể tăng cao hơn nữa.

Ngoài xung đột, việc nhiều quốc gia đóng cửa không phận với hàng không Nga cũng gây thiệt hại cho ngành hàng không toàn cầu.

ocean_freight.jpg
Vận tải biển bị tác động nặng nề - Ảnh: Twill

Dầu ăn

Chỉ riêng Ukraine đã chiếm gần một nửa lượng dầu hướng dương xuất khẩu. Nếu hoạt động thu hoạch và chế biến tại Ukraine bị xung đột cản trở hoặc xuất khẩu bị chặn, các nhà nhập khẩu sẽ khó tìm nguồn cung thay thế.

Tại Ấn Độ, các công ty đối diện nguy cơ thiếu nguồn cung nghiêm trọng không còn cách nào khác ngoài cân nhắc tăng giá dầu ăn tiêu thụ trong vài tuần. 70% nhu cầu dầu ăn của Ấn Độ được đáp ứng bởi hàng nhập khẩu. Đối với dầu hướng dương, tỷ lệ này còn cao hơn.

Kim loại

Nga và Ukraine dẫn đầu về sản xuất kim loại như nicken, đồng và sắt trên toàn cầu. Họ cũng tham gia nhiều vào hoạt động xuất khẩu và sản xuất các nguyên liệu thô thiết yếu khác như neon, palladium và bạch kim. Trừng phạt đối với Nga làm tăng giá các kim loại này.

Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ, Anh, châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung titanium từ Nga. Boeing và Airbus đều tìm được đơn vị cung cấp thay thế, nhưng thị phần to lớn mà các nhà cung cấp Nga nắm giữ khiến họ không thể đa dạng hóa triệt để.

https___d1e00ek4ebabms.cloudfront.net_production_6c20d72d-0c85-48b2-8534-edf84becc996.jpg
Nga và Ukraine sản xuất nhiều kim loại quan trọng - Ảnh: The Financial Times

Đồ điện, gia dụng

Đồ điện, gia dụng như điều hòa không khí hay tủ lạnh có khả năng tăng giá do giá vật liệu như đồng, nhôm, thép và nhựa tăng. Tại Ấn Độ, nhiều công ty như Godrej Appliances, Usha International, Superplastronics kêu gọi khách hàng tranh thủ mua sớm nếu muốn tiết kiệm tiền.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng Ấn Độ (CEAMA) Eric Braganza cho biết giá cả đã tăng từ đầu tháng 1. Ông dự đoán trong quý 1.2022 giá sẽ tăng 5%.

Chip điện tử

Trong năm 2021, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu do đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhu cầu sản phẩm điện tử tăng vọt. Nhiều nhà phân tích dự báo tình hình sẽ tốt lên trong năm 2022, thế rồi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra.

Nga và Ukraine đều là nhà xuất khẩu neon, palladium và bạch kim (những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất chip) lớn. Khoảng 90% neon sử dụng cho in thạch bản chip có nguồn gốc từ Nga.

Nguồn thay thế cần thời gian đầu tư dài hạn. Các nhà sản xuất chip hiện có lượng dự trữ cho khoảng 2 - 4 tuần, nhưng gián đoạn nguồn cung kéo dài vì xung đột quân sự sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất chip lẫn sản phẩm phụ thuộc vào chúng.

Ô tô

Việc giá dầu tăng, thiếu chip và kim loại đất hiếm còn có khả năng là mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất ô tô. Không những vậy, Ukraine còn là nơi có nhiều công ty sản xuất linh kiện cho các hãng ô tô.

Công ty Leoni AG chuyên sản xuất dây điện cho các hãng ô tô châu Âu đã đóng cửa 2 nhà máy của mình tại Ukraine. Hậu quả là Volkswagen AG phải đóng cửa một nhà máy tại Đức.

“Ukraine không phải mắt xích trung tâm trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhưng chúng tôi bất ngờ nhận ra mắt xích lại rất quan trọng khi nó mất đi”, báo The Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Volkswagen AG.

automotive-industry00.jpg
Ngành ô tô tiếp tục gặp khó - Ảnh: HSR Autos

An ninh lương thực

Giá lương thực toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021 do nhiều nguyên nhân: giá năng lượng cao hơn đến biến đổi khí hậu. Các nhà sản xuất lương thực có thể sẽ phải chịu thêm áp lực khi giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào chính đang tăng hiện nay.

Nga cùng Ukraine chiếm hơn 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Trong đó có vài quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập, có đến gần 70% lúa mì nhập khẩu là từ 2 nước châu Âu này. Ngoài ra, Ukraine là quốc gia cung cấp ngô (bắp) hàng đầu của Trung Quốc.

Đẩy mạnh trồng trọt ở nơi khác có thể giúp giảm thiểu tác động. Nhưng Nga là nhà cung cấp các nguyên liệu chính cho phân bón, vì vậy, lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt tại nhiều quốc gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
30 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu hụt hàng hóa và tăng giá trên toàn cầu vì xung đột Nga - Ukraine