Mọi cặp mắt trên thế giới trong tuần này sẽ đổ dồn về Nhật Bản, nơi diễn ra sự kiện được đánh giá là mang tầm quan trọng quyết định đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – công bố kết quả khảo sát về chính sách tiền tệ do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành.

Thời khắc quyết định của kinh tế Nhật Bản?

Nhàn Đàm | 21/09/2016, 15:00

Mọi cặp mắt trên thế giới trong tuần này sẽ đổ dồn về Nhật Bản, nơi diễn ra sự kiện được đánh giá là mang tầm quan trọng quyết định đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – công bố kết quả khảo sát về chính sách tiền tệ do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành.

Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn ba năm tiến hành các chính sách cải cách Abenomics, một kết quả khảo sát chính sách tiền tệ tổng hợp được thực hiện khi mà những kết quả đạt được từ chương trình cải tổ không như kỳ vọng, và kết quả khảo sát cũng sẽ vạch ra hướng đi của kinh tế Nhật Bản trong thời gian sắp tới. Có thể nói, chương trình cải cách Abenomics thành hay bại, đều sẽ được quyết định ở thời điểm hiện tại.

Cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của BOJ sẽ kết thúc vào ngày21.9 được xem là cuộc họp quan trọng nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản trong nhiều thập niên trở lại đây, khi nó sẽ đưa ra đánh giá tổng kết cho những kết quả đạt được từ chương trình cải cách Abenomics. Đây được xem là kết quả của việc các mục tiêu chủ yếu và cơ bản của chương trình Abenomics đặt ra đã không trở thành hiện thực.

Nền kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng yếu, chính sách duy trì tỷ giá đồng yen thấp để hỗ trợ xuất khẩu đã không thu được những kết quả như mong muốn. Dù BOJ đã đưa mức lãi suất về -0,1% thì tỷ giá đồng yen vẫn tăng hơn 18% so với đồng USD từ đầu năm 2016 đến nay. Đồng yen mạnh đang khiến các tập đoàn và doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản sụt giảm mạnh lợi nhuận. Việc tăng cường mua các loại cổ phiếu chủ chốt trên TTCK như một biện pháp kích thích tăng trưởng hoạt động của các công ty cũng không thu được nhiều kết quả.Mục tiêu lạm phát 2% gần như là điều không thể đạt được, trong khi các chương trình nới lỏng định lượng của BOJ đã có quy mô lên tới 80.000 tỉ yen (tương đương 786 tỉ USD) mỗi năm để bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ.

Sự thất bại trong việc đạt được các mục tiêu kỳ vọng cơ bản (lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá đồng yen) là lý do dẫn tới việc Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda quyết định tạm ngưng các chương trình nới lỏng tiền tệđể tiến hành một cuộc khảo sát về chính sách tiền tệ tổng quát. Sự thất bại trong việc đạt được các mục tiêu kỳ vọng cơ bản đó với nền kinh tế, một phần lớn lý do là đến từ hai chính sách tiền tệ do BOJ phụ trách trong suốt 3 năm qua: nới lỏng tiền tệ và hạ tỷ giá đồng yen. Đây là hai trong số ba mũi tên chủ đạo của chương trình Abenomics (thứ 3 là tái cấu trúc nền kinh tế), nhưng nó đã không thành công.

Điều được thế giới chờ đợi nhất từ cuộc họp công bố bản khảo sát về chính sách tiền tệ của BOJ lần này là, liệu Ngân hàng trung ương này sẽ làm gì, tăng quy mô hoạt động mua vào tài sản hay tiếp tục cắt giảm mức lãi suất âm cao hơn mức -0,1% hiện nay. Daisuke Karakama, chuyên gia kinh tế thị trường của Ngân hàng Mizuho tại Tokyo cho biết:“Đây sẽ là cuộc họp quan trọng nhất với BOJ trong nhiều năm trở lại đây. Bất kỳ một sự thất vọng nào với những gì đạt được ở cuộc họp này cũng sẽ kích hoạt một đợt tăng giá mới của đồng yen và khiến cho việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% của BOJ trong thời gian tới trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.

Nói cách khác, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các chính sách hạ tỷ giá đồng yen và nới lỏng tiền tệ đã tỏ ra không có nhiều hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, nhưng nếu không tiếp tục duy trì nó, thì mọi chuyện sẽ còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, khi các yếu tố ở thời điểm hiện tại đều có xu hướng đẩy tỷ giá đồng yen tăng lên – một điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực với kinh tế Nhật Bản.

Giải pháp duy nhất có thể giúp BOJ thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại, về lý thuyết, là chính sách “tiền trực thăng”. Nó có thể giải quyết cả hai vấn đề mà BOJ và kinh tế Nhật Bản đang gặp phải, đó là tỷ giá và tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát, dù những nguy cơ xuất phát từ mặt trái của nó cũng là rất lớn. Bản thân Thống đốc Haruhiko Kuroda đã tuyên bố thẳng thừng rằng BOJ sẽ không sử dụng “tiền trực thăng”, nhưng những gì đã diễn ra trước đó cho thấy việc sử dụng là có thể. Ông Kuroda trước đó cũng đã từ chối việc sử dụng chính sách đưa lãi suất về mức âm để kích thích tăng trưởng và lạm phát, nhưng rồi cuối cùng BOJ cũng đã thực hiện lãi suất âm khi đưa về mức -0,1%. Nếu tình thế bắt buộc, nhiều khả năng BOJ sẽ phải thực hiện “tiền trực thăng” như giải pháp cuối cùng.

Một khả năng khác là BOJ vẫn sẽ tiếp tục các giải pháp “an toàn”, bao gồm tăng quy mô mua vào tài sản và tiếp tục hạ mức lãi suất về âm mạnh hơn nữa. Công bằng mà nói chương trình cải cách Abenomics cũng đã thu được những thành quả nhất định, như việc đưa tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản về mức 3% - thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ muốn duy trì những thành quả này như một vốn liếng cho người kế nhiệm nhiều khả năng cũng thuộc đảng LDP của ông. Một chính sách cải cách đột phá ở thời điểm hiện tại có thể đưa kinh tế Nhật Bản thoát hiểm và nâng cao hình ảnh của ông Abe, nhưng cũng có thể thất bại và gây ảnh hưởng đến sự ủng hộ của cử tri với đảng LDP.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
10 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời khắc quyết định của kinh tế Nhật Bản?