Sự kiện có ảnh hưởng sâu rộng nhất năm 2022 chắc chắn là cuộc chiến tại Ukraine. Tác động của cuộc chiến được cảm nhận sâu sắc ở Trung Đông – nơi mà nguồn cung năng lượng, các tuyến hàng hải chiến lược, thậm chí ngành công nghiệp vũ khí đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến.
Năm ngoái thế giới chứng kiến Nga, Trung Quốc tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia Trung Đông. Cuộc chiến tại Ukraine dường như đã vô tình đẩy các nước sản xuất dầu mỏ Ả Rập xích lại gần Nga hơn trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) - diễn biến khiến Mỹ cực kỳ tức giận. Trung Quốc - đối thủ hàng đầu của Mỹ, tiếp tục mở rộng hợp tác với Ả Rập Saudi, hai bên nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký 34 thỏa thuận đầu tư vào năng lượng xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ đám mây, vận tải, xây dựng…
Ngay cả khi quan hệ với phương Tây lung lay, tầm quan trọng của Trung Đông vẫn nguyên vẹn thậm chí tăng lên. Châu Âu tìm đến khu vực để đảm bảo an ninh năng lượng. Qatar (quốc gia đăng cai World Cup 2022) vài năm tới sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu.
Cuộc chiến tại Ukraine tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao vị thế quốc tế. Ankara nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai nước tham chiến, tạo cú hích cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi nền kinh tế nội địa lao đao vì lạm phát gây suy thoái.
Iran lại đứng về phía Nga, cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Moscow dùng trong cuộc chiến.
Bước sang năm 2023, Trung Đông sẽ lại có nhiều biến động.
Quyền lực của Tổng thống Erdogan đứng trước thử thách
Tổng thống Erdogan đặt ra một loạt mục tiêu đầy tham vọng khi Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 100 năm lập quốc. Tuy nhiên khi dịp kỷ niệm đến vào năm 2023, ông có thể phải vất vả giữ ghế.
Đồng lira rớt giá mạnh nhất trong 4 năm, chi phí sinh hoạt tăng vọt do Thổ Nhĩ Kỳ không tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Cùng với tâm lý chán ngán chính phủ đã cầm quyền nhiều năm và thế hệ cử tri mới muốn thay đổi, 2023 có khả năng là năm quyền lực của Tổng thống Erdogan suy yếu.
Cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra vào đầu mùa hè năm nay là trọng tâm chương trình nghị sự trong nước năm 2022. Lần đầu tiên sau nhiều năm phe đối lập đoàn kết tìm kiếm ứng viên đủ sức lật đổ Tổng thống Erdogan. Một cuộc thăm dò dư luận năm ngoái cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông giảm mạnh.
Trên mặt trận quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang gặp rắc rối với đồng minh Mỹ và châu Âu. Washington không ngừng hỗ trợ nhóm chiến binh người Kurd ở Syria - đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là mối đe dọa quốc gia, quan hệ cá nhân giữa tổng thống hai nước cũng khá lạnh nhạt.
Tranh chấp về ranh giới trên biển ở Địa Trung Hải cùng khẩu chiến xung quanh việc triển khai quân đội đến quần đảo Aegean với Hy Lạp tiếp tục khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu căng thẳng.
Về vấn đề cuộc chiến tại Ukraine, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng không thay đổi. Chính sách trung lập đã được đền đáp bằng thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, giúp nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không tồi tệ hơn nữa.
Chính phủ cực hữu của Israel
Dù được dẫn dắt bởi gương mặt quen thuộc là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, tân chính phủ Israel lại có vài nhân vật cánh hữu cực đoan: chính trị gia Itamar Ben Gvir - người từng bị kết tội kích động, hỗ trợ một nhóm khủng bố Do Thái - lãnh đạo lực lượng cảnh sát, Bezalel Smotrich - người đứng đầu đảng cực hữu Religious Zionist - được trao quyền kiểm soát hoạt động tháo dỡ nhà ở của người Palestine ở các khu vực Israel muốn xây dựng khu định cư, quyền kiểm soát cung cấp nước sinh hoạt cho người Palestine.
Hai bổ nhiệm trên làm dấy lên lo ngại tân chính phủ Israel sẽ thực hiện nhiều hành động khiến tình hình an ninh tại khu vực xấu đi. Chính trị gia Ben Gvir từng tuyên bố muốn thay đổi hiện trạng Núi Đền - địa điểm linh thiêng bên trong Jerusalem lâu nay không cho phép người Do Thái đến cầu nguyện. Không ít hành động trong quá khứ đã làm bùng nổ bạo lực thậm chí chiến tranh.
Còn tại Bờ Tây, nơi chính trị gia Smotrich có quyền hạn quyết định chính sách lớn, 2022 là năm chết chóc nhất với cả người Palestine lẫn người Israel. Hợp tác an ninh giữa quân đội Israel với lực lượng an ninh Palestine - chìa khóa giữ cho Bờ Tây yên ổn - năm ngoái luôn ở trạng thái căng thẳng.
Thủ tướng Netanyahu trước đó thường đóng vai trò “độc diễn”, gần đây ông còn tuyên bố bản thân cùng đảng Likud của mình nắm giữ quyền ban hành chính sách. Tuy nhiên tân chính phủ có nhiều nhân vật cực hữu mà ông chưa chắc có thể kiểm soát.
OPEC+ đoàn kết hơn
Khi OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu quyết định cắt giảm mạnh sản lượng vào tháng 10, giới chuyên gia nhận định Riyadh chơi canh bạc chính trị. Phía Mỹ xem động thái này là nỗ lực đẩy giá dầu lên cao ngay trước thềm bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ trong lúc phương Tây cố bóp nghẹt nguồn thu năng lượng của Nga.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó giá dầu giảm xuống mức trước chiến tranh do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và Trung Quốc chưa từ bỏ “Zero COVID”. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman lên tiếng khẳng định quyết định cắt giảm là đúng đắn, không mang mục đích chính trị.
Nhà phân tích Amena Bakr (Công ty cung cấp thông tin năng lượng Energy Intelligence) nhận định giá dầu giảm tạo niềm tin vào sự dẫn dắt của Ả Rập Saudi đối với OPEC+.
“Tôi dự báo 2023 là năm OPEC+ rất đoàn kết. Nga cần đến OPEC+ nên sẽ tuân theo mọi quyết định nhóm đưa ra”, theo nhà phân tích Bakr.
Trong năm 2023, giá trần với dầu Nga mà các quốc gia phương Tây áp đặt chắc chắn ảnh hưởng lớn đến thị trường và giá dầu toàn cầu.
Moscow từng đe dọa trả đũa bằng cách cắt giảm 700.000 thùng dầu/ngày. Nhưng Energy Intelligence dự báo họ có thể giảm đến 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% nguồn cung toàn cầu.
Các nước vùng Vịnh cũng sẽ trở thành bên cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu. Qatar năm 2022 ký thỏa thuận bán khí đốt cho Đức và Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ký thỏa thuận với Đức và Áo. Phía châu Âu còn xem Qatar là nước xuất khẩu năng lượng tái tạo tiềm năng.
Tình hình Iran
Iran năm 2022 hứng chịu phong trào biểu tình sau cái chết của một phụ nữ trẻ bị “cảnh sát đạo đức” (lực lượng có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm luật Hồi giáo Sharia) bắt giữ. Phương Tây lên án Tehran rất mạnh mẽ.
Phong trào biểu tình cộng với việc Iran đứng về phía Nga trong cuộc chiến tại Ukraine khiến quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo này với phương Tây thêm phức tạp, triển vọng đạt đột phá trong đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân vì vậy cực kỳ u ám.
Diễn biến của biểu tình có thể quyết định đến tiến trình đối nội lẫn đối ngoại tại Iran năm 2023. Động lực biểu tình đã giảm, giới chức Iran tích cực triển khai chiến lược ngăn chặn.
Iran còn phải chú ý đến thay đổi địa chính trị, trong đó có quan hệ Trung Quốc - Ả Rập Saudi phát triển và đồng minh Nga dấn thân vào cuộc chiến kéo dài.
Sự trừng phạt của phương Tây thúc đẩy Iran tìm đến đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc. Năm 2021 hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm trị giá 400 tỉ USD. Tuy nhiên Trung Quốc còn tăng cường quan hệ với Ả Rập Saudi - đối thủ ngoại giao của Iran, vì vậy Tehran cần theo dõi chặt tác động từ quan hệ Trung Quốc - Ả Rập Saudi nồng ấm trong năm 2023.
Israel là một mối lo khác. Thủ tướng Benjamin Netanyahu quay lại nắm quyền, ông chắc chắn chú ý đến chương trình hạt nhân của Iran.