Người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan - Ngô Chiêu Tiếp nói với các phóng viên hôm 3.6 rằng ông đánh giá cao việc Nhật Bản xem xét tài trợ vắc xin COVID-19.

Tố Trung Quốc cản trở, Đài Loan được đồng sáng lập Foxconn hỗ trợ và chờ Nhật tài trợ vắc xin COVID-19

Nhân Hoàng | 03/06/2021, 16:23

Người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan - Ngô Chiêu Tiếp nói với các phóng viên hôm 3.6 rằng ông đánh giá cao việc Nhật Bản xem xét tài trợ vắc xin COVID-19.

Bên cạnh đó, ông Ngô Chiêu Tiếp nhắc lại rằng việc Đài Loan bị loại khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là không công bằng với người dân hòn đảo này.

Ông Ngô Chiêu Tiếp dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Toshimitsu Motegi nói rằng chính phủ nước này đang xem xét cung cấp vắc xin cho Đài Loan, nhưng từ chối bình luận thêm khi được hỏi về các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Đài Loan chỉ nhận được một số lượng nhỏ vắc xin Moderna, AstraZeneca và đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã ngăn chặn hợp đồng mua vắc xin BioNTech SE  của hãng dược phẩm Đức (hợp tác với Pfizer). Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.

Thomas Prinz - nhà ngoại giao hàng đầu của Đức tại Đài Loan hôm 2.6 cho biết chính phủ của ông đã giúp đỡ trong các cuộc đàm phán giữa Đài Loan và BioNTech SE để cung cấp vắc xin.

Ông Ngô Chiêu Tiếp nói rằng với sự giúp đỡ của chính phủ Đức, các cuộc đàm phán với BioNTech vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, ông cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc với nguồn cung cấp vắc xin COVID-19, nói rằng ngoại giao vắc xin tạo cơ hội cho chính phủ nước này phát huy ảnh hưởng của mình ở Tây bán cầu (Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và các đảo của vùng Caribe).

to-trung-quoc-can-tro-dai-loan-cam-on-dong-sang-lap-foxconn.jpg
Người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan - Ngô Chiêu Tiếp

Sau gần 18 tháng gần như không có dấu vết xuất hiện bệnh dịch, ngăn chặn thành công đại dịch, gồm cả chuỗi ngày không có ca bệnh dài nhất thế giới, Đài Loan đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 gần đây với tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin rất ít, khoảng 3% trong tổng số 23 triệu dân.

Hiện Đài Loan ghi nhận tổng cộng 9.974 ca mắc COVID-19 với 166 người chết và 1.133 trường hợp khỏi bệnh.

Đài Loan đã đặt mua hàng triệu liều vắc xin nhưng đến nay mới chỉ nhận được hơn 700.000 liều. Đài Loan vừa thông báo 150.000 liều đầu tiên vắc xin trong tổng số hơn 5 triệu liều đặt hàng từ Moderna (Mỹ) đến hòn đảo này vào 28.5.

Thỏa thuận mua vắc xin BioNTech sụp đổ thế nào?

Về thỏa thuận mua vắc xin BioNTech sụp đổ hồi đầu năm, hôm 27.5, ông Trần Thời Trung, người đứng đầu Cơ quan y tế Đài Loan, cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày rằng chính quyền bà Thái Anh Văn từng ký và gửi lại hợp đồng cuối cùng đã thỏa thuận với hãng dược sau nhiều tháng đàm phán.

Hai bên đang chuẩn bị đưa ra một thông cáo báo chí vào ngày 8.1.2021. “Thế nhưng 4 giờ sau, BioNTech đột nhiên gửi một lá thư, nói rằng họ thực sự khuyên chúng tôi nên thay đổi từ 'đất nước của chúng tôi' trong phiên bản tiếng Trung thông cáo báo chí", ông Trần Thời Trung nói.

Chính quyền đã đồng ý chỉnh sửa từ thành "Đài Loan" vào cùng ngày. Một tuần sau, ông Trần Thời Trung cho biết Đài Loan được BioNTech thông báo rằng thương vụ sẽ bị trì hoãn do "đánh giá lại nguồn cung vắc xin toàn cầu và các mốc thời gian đã được điều chỉnh".

Đối với tôi, rõ ràng là hợp đồng đã được hoàn tất”, Trần Thời Trung nói thêm.

"Không có vấn đề trong hợp đồng. Vấn đề là một cái gì đó bên ngoài hợp đồng", ông nói mà không giải thích.

BioNTech từ chối bình luận về câu chuyện trên.

Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và phản đối bất kỳ tham chiếu nào ám chỉ Đài Loan là một quốc gia riêng biệt.

Bình luận của ông Trần Thời Trung được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn trực tiếp cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn thỏa thuận với BioNTech.

Hợp tác cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) để phát triển và bán vắc xin, BioNTech từ chối đưa ra ý kiến về nhận xét của bà Thái Anh Văn.

Nhà ngoại giao hàng đầu Đức và đồng sáng lập Foxconn muốn giúp Đài Loan có vắc xin BioNTech SE

Thomas Prinz - nhà ngoại giao hàng đầu của Đức tại Đài Bắc cho biết chính phủ của ông đã giúp đỡ trong các cuộc đàm phán giữa Đài Loan và BioNTech SE để cung cấp vắc xin COVID-19. Động thái này diễn ra sau khi Đài Loan cho biết một thỏa thuận đã đổ vỡ vào đầu năm nay do "sự can thiệp" của Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc đó. Thế nhưng, cuộc khẩu chiến đã leo thang sau khi Đài Loan từ chối lời đề nghị của Bắc Kinh về việc cung cấp vắc xin COVID-19 được thực hiện bởi Shanghai Fosun Pharmaceutical, công ty có hợp đồng bán chúng ở Trung Quốc.

Trong một bài đăng trên Facebook bằng tiếng Trung vào 2.6, Thomas Prinz, đại sứ thực tế của Đức tại Đài Loan, cho biết đã "nhận thấy những tranh cãi gần đây liên quan đến việc mua lại vắc xin".

"Xin hãy tin rằng chính phủ Đức, đặc biệt là bản thân Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Altmaier, đã nỗ lực rất nhiều trong việc liên lạc và phối hợp liên tục giữa Đài Loan và BioNTech", ông viết và cho biết thêm rằng liệu hợp đồng cuối cùng có được ký kết hay không sẽ phụ thuộc vào hai bên.

"Nếu các bên trong hợp đồng có thể đạt được đồng thuận, chính phủ liên bang Đức đương nhiên rất vui khi thấy điều đó xảy ra", Thomas Prinz viết thêm.

Thomas Prinz ghi nhận các khoản tài trợ của Đức cho chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX cho các nước có thu nhập thấp hơn, qua đó Đài Loan đã được tiêm vắc xin AstraZeneca.

"Tôi hy vọng rằng sẽ có đủ vắc xin từ các nhãn hiệu khác nhau, bao gồm cả BioNTech, được nhập khẩu vào Đài Loan trong thời gian sớm nhất", Thomas Prinz cho hay.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, ông Trần Thời Trung bày tỏ cảm ơn Đức đã "giúp đỡ chúng tôi rất nhiều" trong nỗ lực mua vắc xin BioNTech.

Giống như hầu hết các quốc gia, Đức không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Đức - Peter Altmaier đã viết thư cho Đài Loan vào tháng 1 để nhờ bà Thái Anh Văn thuyết phục các nhà sản xuất ở hòn đảo giảm bớt tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Đài Loan là quê hương của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - TSMC và một trong những nhà cung cấp chính cho Đức.

Đài Loan trả lời bằng cách cho biết họ mong Đức giúp đỡ trong việc đảm bảo vắc xin COVID-19.

to-trung-quoc-can-tro-dai-loan-cam-on-dong-sang-lap-foxconn13.jpg
Tỉ phú Terry Gou muốn giúp Đài Loan có 5 triệu liều vắc xin từ BioNTech

Trong khi chính quyền Đài Loan cho biết chưa hoàn toàn từ bỏ việc mua vắc xin BioNTech, Foxconn và người sáng lập tập đoàn này là tỉ phú Terry Gou (70 tuổi) đã xin phép để mua 5 triệu liều vắc xin từ hãng dược Đức và phân phối cho người dân hòn đảo.

Đã nghỉ hưu tại nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất thế giới, ông Terry Gou cho biết hy vọng sẽ vận chuyển vắc xin BioNTech từ Đức sang Đài Loan mà không cần thông qua bất kỳ người trung gian nào.

Ông Trần Thời Trung bày tỏ lòng biết ơn với Terry Gou và cho biết chính quyền đang xem xét đơn đăng ký.

Bài liên quan
Thỏa thuận mua vắc xin BioNTech sụp đổ dù xóa từ ‘quốc gia’ khỏi hợp đồng, Đài Loan tố Trung Quốc can thiệp
Hãng dược BioNTech (Đức) đã yêu cầu Đài Loan xóa từ "quốc gia" khỏi thông cáo báo chí về kế hoạch mua bán vắc xin COVID-19 cho hòn đảo này. Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan tiết lộ thông tin này khi chỉ ra sự sụp đổ của thỏa thuận và đổ lỗi cho Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
6 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tố Trung Quốc cản trở, Đài Loan được đồng sáng lập Foxconn hỗ trợ và chờ Nhật tài trợ vắc xin COVID-19