Tổng thống Croatia Zoran Milanovic hôm 18.5 cho biết ông sẽ chỉ thị cho Đại diện thường trực của Croatia tại NATO, Đại sứ Mario Nobilo, bỏ phiếu chống lại việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào khối.

Tổng thống Croatia hạ lệnh cho Đại sứ bỏ phiếu chống Phần Lan và Thụy Điển vào NATO

Anh Tú | 19/05/2022, 10:58

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic hôm 18.5 cho biết ông sẽ chỉ thị cho Đại diện thường trực của Croatia tại NATO, Đại sứ Mario Nobilo, bỏ phiếu chống lại việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào khối.

Tổng thống Milanovic tin rằng Croatia không nên đưa Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO cho đến khi giải quyết xong vấn đề bình đẳng của người Croatia trong bầu cử Bosnia và Herzegovina (BiH).

“Đó không phải là hành động chống lại Phần Lan và Thụy Điển mà là vì Croatia”, ông Milanovic nhấn mạnh.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại văn phòng Tổng thống, ông Milanovic tỏ ý tin rằng người Croatia ở BiH với tư cách là một thực thể chính trị, đang bị "tiêu diệt" và việc ngăn chặn điều đó là vì lợi ích quốc gia của Croatia.

Ông nhấn mạnh rằng ông sẽ chỉ thị cho Đại sứ Nobilo tại NATO chống lại tư cách thành viên của 2 nước Bắc Âu.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Croatia tuần trước cho biết trong trường hợp đó, Nobilo sẽ tuân theo chỉ đạo của bộ hơn là của tổng thống.

Ông Milanović cũng nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia phản đối việc hai nước Bắc Âu gia nhập Liên minh, đang thể hiện cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia. Tổng thống Milanović nói: “Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không rời khỏi bàn trước khi đạt được điều mình muốn.

Và ông tin rằng Croatia đang hành động hoàn toàn ngược lại.

"Chúng ta đang đấu tranh vì lợi ích của mình như thế nào?" ông Milanovic đặt câu hỏi và nói thêm rằng sau tất cả các nhiệm vụ hòa bình ở BiH, không có một sĩ quan Croatia nào ở đó. "Tại sao? Bởi vì họ sẽ không cho phép điều đó. Không một người mặc đồng phục Croatia nào có thể bước vào đấy".

Milanovic nói rằng ông đã kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia vì vấn đề của người Croatia ở BiH, nhưng lại không nhận được phản hồi từ chính phủ. Ông nói: “Chính phủ không được độc quyền về chính sách đối ngoại.

"Chúng ta có thể nói về Ukraine, nhưng đó không phải là vấn đề nhức nhối đối với chúng ta. Vấn đề của chúng ta là ở đây", Tổng thống Croatia khẳng định.

Ông Milanovic kêu gọi quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO với thái độ quyết liệt: "Tôi sẽ nói về điều này cho đến giây phút cuối cùng".

Người đứng đầu Croatia tin rằng động thái đó sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang lợi ích của Croatia và đó là cách duy nhất để Croatia giải quyết "vấn đề nghiêm trọng ở BiH" lúc này.

Trước đó, Tổng thống Milanovic hôm 26.4 tuyên bố Quốc hội Croatia "không được phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ nước nào" cho đến khi thỏa mãn một số lợi ích của người Croatia.

Người đứng đầu nhà nước Croatia nhắc nhở rằng ông không phải là người quyết định việc gia nhập NATO của các quốc gia Bắc Âu, nhưng ông coi đó là "hành vi phiêu lưu rất nguy hiểm" kèm cảnh báo: "Hãy tiến thêm một bước nữa và với Phần Lan, chỉ cách St. Petersburg 50 km. Tôi nghĩ đó là trò lang băm nguy hiểm", đồng thời nhắn nhủ người trong nước: "Phần Lan quan trọng với chúng ta hơn Croatia và người Croatia ở Bosnia & Herzegovina, phải không nào?"

Chỉ có điều, đảng Dân chủ Xã hội của ông Milanovic cũng không có tiếng nói quyết định tại Quốc hội vì đảng HDZ theo chủ nghĩa dân tộc hiện chiếm đa số trong nghị viện Croatia. Hiện thủ tướng Andrej Plenković – người của đảng HDZ là người theo đường lối xích gần châu Âu. Riêng trong vấn đề Ukraine thì ông Plenkovic có khuynh hướng ủng hộ chính quyền Kyiv, hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Milanovic.

Tuy Tổng thống Milanovic không thể tác động lên Đại sứ tại NATO hay Quốc hội Croatia nhưng thông điệp mạnh mẽ của ông lại giúp Thổ Nhĩ Kỳ không bị lẻ loi trong quyết định ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan cho biết Ankara không giữ "quan điểm tích cực" về việc Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng quan trọng vì nước này và 29 thành viên khác của NATO phải đồng thuận thì khối mới kết nạp được thành viên mới. Chỉ cần quốc hội một nước thành viên NATO không đồng ý thì không thể kết nạp thành viên mới mà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ do đảng của ông Erdogan nắm đa số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Croatia hạ lệnh cho Đại sứ bỏ phiếu chống Phần Lan và Thụy Điển vào NATO