Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đã có 985.077 người ở thành phố đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

TP.HCM chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5: Bao nhiêu người được chích sau 4 đợt?

Nhân Hoàng | 11/07/2021, 09:52

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đã có 985.077 người ở thành phố đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Hôm nay (11.7) là ngày thứ ba thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM. Đây là thời gian then chốt để TP.HCM triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Người dân cần tuân thủ các nội dung của giãn cách xã hội, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Tình hình dịch bệnh COVID-19

Tính hết ngày 10.7, có 11.934 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 11.683 ca trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh. Sáng 11.7, TP.HCM có thêm 443 ca mắc COVID-19.

Trong ngày 10.7, không có thêm bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi là 603. Có 23 bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM tử vong (BN14656, BN5463, BN9493, BN9830, BN9779, BN12007, BN11529, BN13827, BN13347, BN9014, BN15970, BN11618, BN18265, BN19182, BN17901, BN13183, BN12411, BN13709, BN14812, BN15569, BN13938, BN15569). TP.HCM đang điều trị 11.308 bệnh nhân COVID-19.

Ca tử vong thứ 23 do COVID-19 ở TP.HCM là BN15569 nữ, 50 tuổi, cư trú huyện Hóc Môn, không ghi nhận tiền sử bệnh tật. Chẩn đoán tử vong: Suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, tổn thương đa cơ quan.

Điều tra, truy vết, khoanh vùng

Các chuỗi lây nhiễm như xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi công ty Kim Minh Quận 5… đã được kiểm soát.

Các chuỗi lây nhiễm mới phát hiện như chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Bình Điền (bệnh nhân là những người sinh sống, bán hàng trong chợ); chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao… đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Tiếp tục phát hiện các mắc COVID-19 qua sàng lọc tại cộng đồng và bệnh viện; tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xử lý chuỗi lây nhiễm mới phát hiện; hoàn tất hồ sơ chi tiết các bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố; tạm thời dừng hoạt động các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.

Phân loại các vùng nguy cơ để triển khai xét nghiệm. Với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm. Ở khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần).

Tại các khu vực khác, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài nhà. Các quận huyện lên kế hoạch lấy mẫu để được điều phối phù hợp với năng lực xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm sớm để phục vụ công tác điều tra, truy vết.

Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết

Qua rà soát số liệu, TP.HCM đã lấy 1.811.508 mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...

- Tiếp xúc gần (F1) là 32.958 mẫu, trong đó 30.122 mẫu âm tính, 2.836 mẫu chờ kết quả.

- Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) là 233.738 mẫu, trong đó 205.138 âm tính, 28.600 đang chờ kết quả.

- Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 1.544.812 mẫu, trong đó 1.357.508 mẫu âm tính, 187.304 mẫu chờ kết quả.

TP.HCM chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5

Qua 4 đợt, tổng số lượt người ở TP.HCM đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 tiêm mũi 1 và 41.862 đã tiêm 2 mũi.

TP.HCM chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 5 khi vắc xin được phân bổ về.

tphcm-chuan-bi-chien-dich-tiem-vac-xin-dot-5-2-.jpg
Đã có 985.077 người ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Sáng 10.7, máy bay chở lô vắc xin COVID-19 của hãng Moderna do Mỹ viện trợ thông qua chương trình COVAX đã hạ cánh sân bay Nội Bài (Hà Nội). Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp nhận 2 triệu liều vắc xin Moderna, trong đó 1 triệu liều sẽ được chuyển ngay vào TP.HCM.

Sáng 9.7, lô vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca thứ 3 do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam đã về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Theo đó, Nhật Bản chuyển đủ cho Việt Nam gần 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 viện trợ không hoàn lại.

Hôm 16.6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Đến ngày 2.7, khoảng 400.000 liều vắc xin trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản tặng Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng trong sáng 9.7, thêm 580.000 liều vắc xin AstraZeneca khác được chuyển về Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là lần thứ ba vắc xin AstraZeneca được giao cho Việt Nam theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều từ Hệ thống tiêm chủng VNVC. Trước đó, cùng hợp đồng này có 117.600 liều được nhập vào Việt Nam ngày 24.2 và 288.000 liều nhập về từ ngày 25.5.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 5,7 triệu liều vắc xin của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước, cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước. Trong đó có gần 1 triệu liều từ hợp đồng của VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 10.7, 4.040.783 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam sau 124 ngày. Trong đó, 271.409 người đã được tiêm 2 liều vắc xin.

Ngày 10.7, cả nước có thêm 30.269 người tại 14 tỉnh thành được tiêm vắc xin. Trong đó, Bắc Giang có số lượng mũi tiêm lớn nhất với 11.235, tiếp theo là Nghệ An (8.125), Bắc Ninh (2.556), Tiền Giang (2.433), Hà Nội (1.701), TP.HCM (454), Bình Dương (1.792), Khánh Hòa (22), Cần Thơ (120).

Kiểm tra giám sát

Thực hiện giám sát người sau cách ly, bệnh nhân sau xuất viện theo quy định.

Tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung.

Tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các doanh nghiệp.

Giám sát việc tổ chức, tuân thủ quy định tại khu cách ly, khu phong toả.

Xét nghiệm giám sát

Lấy mẫu xét nghiệm theo quy định với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung và sau cách ly.

Tổ chức tập huấn triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho khu chế xuất/khu công nghiệp, các doanh nghiệp.

Xây dựng sơ đồ quy trình xét nghiệm đảm bảo thời gian trả kết quả. Nâng cao năng lực công suất xét nghiệm trong thời gian sắp tới.

Tình hình cách ly, kiểm dịch trên địa bàn TP.HCM

Tổng số hiện thực hiện cách ly là 54.135, trong đó 15.260 người đang cách ly tập trung và 38.875 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

TP.HCM đang tổ chức mở rộng khu cách ly thành phố với sức chứa đạt 50.000 giường, thực hiện cách ly F1 tại nhà, đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo:

1. Chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết.

2. Thực hiện 5K khi ra khỏi nhà.

3. Giữ gìn nhà cửa thông thoáng.

Bài liên quan
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5: Bao nhiêu người được chích sau 4 đợt?