Trong lúc Mỹ dường như đang quay lưng lại với châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cử chỉ ngoại giao “nồng nhiệt” khác thường vào hôm 21.3 khi điện đàm với hàng loạt nguyên thủ quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Serbia để đưa ra lời đề nghị hỗ trợ các nước này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đề nghị hỗ trợ 4 nước châu Âu đối phó COVID-19

22/03/2020, 07:06

Trong lúc Mỹ dường như đang quay lưng lại với châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cử chỉ ngoại giao “nồng nhiệt” khác thường vào hôm 21.3 khi điện đàm với hàng loạt nguyên thủ quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Serbia để đưa ra lời đề nghị hỗ trợ các nước này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các cuộc gọi được tiến hành trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các thiết bị và dụng cụ y tế thiết yếu trong nỗ lực chống lại đại dịch đã giết chết hơn 5.000 người trên khắp châu lục này.

Ý là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, với hơn 4.800 người thiệt mạng và hơn 53.000 người nhiễm bệnh. Tại Tây Ban Nha, số người chết đã tăng hơn 300 vào hôm 21.3 lên tới 1.378, và hơn 25.000 ca nhiễm. Ngược lại, Trung Quốc đã báo cáo ngày thứ 3 liên tiếp không có trường hợp công dân nước này nhiễm coronavirus. Do đó, quốc gia này có thể gửi hàng triệu khẩu trang đến châu Âu.

Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đã sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ.

“Nếu Đức cần, Trung Quốc sẵn lòng trợ giúp trong khả năng của chúng tôi. Các cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng là những thách thức chung đối với nhân loại. Do vậy, sự đoàn kết và hợp tác là vũ khí mạnh nhất”, Tân Hoa Xã trích dẫn cuộc gọi của ông Tập.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng, chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác với Berlin trong các lĩnh vực khác, như phát triển vắc-xin.

Đức, nơi đã báo cáo hơn 21.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và 77 ca tử vong, hiện chưa yêu cầu hỗ trợ vật tư y tế từ Trung Quốc. Trước đó, bà Merkel đã hạ thấp mối lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ cho các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, gọi đây động thái “có đi có lại”.

“Những gì chúng ta đang thấy ở đây là sự có đi có lại. Hiện Đức đang gặp khủng hoảng nên không thể hy vọng mọi thứ sẽ được cung cấp trong khuôn khổ EU. Berlin rất hài lòng về sự hỗ trợ của Bắc Kinh”, Thủ tướng Merkel cho biết hôm 17.3.

Trong số 4 quốc gia châu Âu mà ông Tập gọi, chỉ có Serbia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống nước này, ông Alexanderar Vucic, trước đó đã “cự tuyệt” lời thề đoàn kết của EU và chuyển sang cầu cứu Trung Quốc để nhờ giúp đỡ.

"Sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại. Nó chỉ có trong truyện cổ tích. Tôi tin vào người anh em và bạn bè của mình là Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc", ông Vucic phát biểu khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Serbia ngày 16.3.

“Trung Quốc và Serbia là đối tác chiến lược toàn diện. Tình bạn thân thiết như sắt đá của hai nước, và của hai dân tộc, sẽ tồn tại mãi mãi”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm và cam kết sẽ cung cấp cho Serbia các thiết bị bảo hộ y tế.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi trao thêm quyền lực cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, khi các quốc gia thành viên đang dần mất niềm tin vào tổ chức này giữa lúc cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong cuộc gọi với ông Macron, Chủ tịch Tập nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp để cùng nhau thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới WHO trong việc hoàn thiện quản lý y tế công cộng toàn cầu. Đây là cuộc điện đàm lần thứ hai trong 3 ngày giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Pháp.

Cuộc gọi điện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tây Ban Nha được cho là khá “bất thường” khi ông nói chuyện với Vua Felipe VI, người thường đứng ngoài chính trị và không can thiệp vào các chính sách của chính quyền Madrid. Trong cuộc điện đàm, ông Tập một lần nữa cam kết hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xử lý bệnh và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Được biết, Trung Quốc đến nay đã cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) khoẳng 2 triệu khẩu trang y tế, 200.000 khẩu trang N95 và 50.000 kit xét nghiệm. Bắc Kinh sau đó tiếp tục gửi vài triệu khẩu trang đến Bỉ vào ngày 20.3.

Động thái ngoại giao vì dịch COVID-19 của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và EU leo thang. Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả người từ châu Âu. Đáp lại, EU đã lên án Washington, cho rằng quyết định cấm đi lại của Mỹ là một hành động đơn phương mà không có sự tham vấn.

Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc dường như đang muốn “sửa chữa sai lầm”, đồng thời cố gắng “chuyển hướng” chỉ trích của dư luận quốc tế về việc đã làm lây lan dịch COVID-19 trên khắp thế giới. Do đó, quốc gia châu Á này đã tăng cường hoạt động ngoại giao cũng như gửi nhiều lời đề nghị hỗ trợ đối với các nước đang phải gồng mình đối chọi với dịch bệnh.

Đáng chú ý, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn “tuyên truyền” thuyết âm mưu trên mạng xã hội, cho rằng coronavirus chủng mới gây ra đại dịch COVID-19 được quân đội Mỹ đưa tới Trung Quốc. Bước đi này đã dẫn đến cuộc khẩu chiến “gay gắt” giữa Bắc Kinh và Washignton.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đề nghị hỗ trợ 4 nước châu Âu đối phó COVID-19