Chuyên gia tại một trong những viện khoa học hàng đầu Trung Quốc đã gợi ý rằng việc thiếu tầm nhìn có thể góp phần khiến Trung Quốc tụt hậu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) giống ChatGPT.
Nhận xét này được đưa ra khi có rất nhiều câu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc dường như mất cảnh giác trước sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn đã biến ChatGPT, chatbot AI từ công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), thành hiện tượng toàn cầu và dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt xung quanh công nghệ này.
“Có rất nhiều lý do, từ nhu cầu về các nhà lãnh đạo có tầm nhìn, đội ngũ xuất sắc và nguồn tài chính lớn”, Bao Yungang, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Máy tính thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), viết trên nền tảng tiểu blog Weibo.
Bao Yungang cũng nhấn mạnh sự thay đổi của OpenAI vào năm 2019 từ một công ty phi lợi nhuận sang công ty có lợi nhuận giới hạn ở mức 100 lần đầu tư là nhân tố lớn góp phần vào thành công của họ.
Thành công nhanh chóng của ChatGPT đã thúc đẩy việc tìm kiếm và xem xét sâu sắc bản chất vấn đề ở Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu trong một số lĩnh vực AI nhưng lại tụt hậu trong các mô hình ngôn ngữ có khả năng trả lời các truy vấn phức tạp và tạo ra vô số loại nội dung.
Ngoài ra, Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức khác. Một trong số đó là sự không sẵn lòng đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, theo Liang Zheng, Phó trưởng Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công nghệ Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa.
“Cho đến nay, thực sự không có công ty Trung Quốc nào đầu tư mạnh vào nghiên cứu cơ bản. Không ai thực hiện bước từ 0 đến 1 cả”, Liang Zheng nói với tờ báo Economic Observer.
Theo Liang Zheng, Trung Quốc cần “dành thời gian để xây dựng một môi trường thị trường mới ủng hộ đổi mới, khuyến khích những người có tư duy dài hạn tham gia vào những công việc cơ bản và mang tính khám phá, những thứ có thể dẫn đến điều gì đó có ý nghĩa”.
Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, nhiều hãng công nghệ lớn đã gấp rút tung ra hoặc cho thấy sự tiến bộ trong việc phát triển các sản phẩm tương tự của riêng họ. Tại Thung lũng Silicon, Google đã gấp rút tung ra bản xem trước của chatbot Bard và nhận được phản hồi tích cực.
Một số gã khổng lồ công nghệ ở Trung Quốc đã công khai hoạt động trên các dịch vụ tương tự ChatGPT. Ứng cử viên lớn nhất là Baidu, công ty đã phát hành Ernie Bot vào tháng trước.
Bao Yungang cho rằng các công ty khác hiện không có khả năng tạo ra đối thủ cạnh tranh thực sự với ChatGPT của OpenAI, do Microsoft hậu thuẫn. Song theo Bao Yungang, người dân Trung Quốc nên tin tưởng hơn vào các công ty trong nước để có thể cạnh tranh với OpenAI theo thời gian.
“Chúng tôi không thể mong đợi Ernie Bot bắt kịp GPT-4 ngay lập tức, nhưng miễn là Baidu tiếp tục cải tiến dịch vụ để giải quyết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn vấn đề, tôi tin rằng nó sẽ trở nên tốt hơn”, Bao Yungang viết trong bài đăng của mình, đề cập đến GPT-4 (mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất mà OpenAI phát hành vào tháng trước).
Dù thường được coi là tụt hậu so với Mỹ về AI, Trung Quốc là nước sản xuất hàng đầu các nghiên cứu liên quan.
Trung Quốc sản xuất nhiều ấn phẩm tạp chí, hội nghị và kho lưu trữ AI hơn bất kỳ nơi nào khác, theo Báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo mới nhất do Đại học Stanford (Mỹ) công bố tuần này. Trong tổng số tiền tài trợ cho AI, Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, song số tiền đầu tư của họ chỉ bằng 1/3 so với Mỹ (13,4 tỉ USD so với 47,4 tỉ USD).
Tuy nhiên, Mỹ cung cấp hơn một nửa số hệ thống máy học quan trọng nhất thế giới, với 285 cái đến từ nước này so với 49 từ Trung Quốc, theo báo cáo.
Các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức từ cơ chế kiểm duyệt ở Trung Quốc có thể là yếu tố góp phần gây ra vấn đề trong việc huấn luyện các mô hình giống cái mang đến sức mạnh cho ChatGPT. Điều đó có thể dẫn đến các câu trả lời không dự đoán được và thường sai lệch.
ChatGPT phá tan ảo tưởng rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ngang ngửa Mỹ về AI
Khi thế giới lần đầu tiên chứng kiến sức mạnh của ChatGPT vào tháng 11.2022, một bài đăng trên mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền ở Trung Quốc, cố gắng giải thích tại sao bước đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) không xảy ra ở nước này.
Câu trả lời bởi một tác giả ẩn danh được chia sẻ nhiều nhất viết rằng các hãng công nghệ Trung Quốc thiếu tầm nhìn để chịu chi phí đầu tư dài hạn, thay vào đó chọn đẩy mạnh các công nghệ có thể thương mại hóa nhanh chóng.
Nhiều cư dân mạng nhận thấy nhận xét này thích hợp để mô tả nguồn gốc những thiếu sót về công nghệ của Trung Quốc. Bất chấp chính sách và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính phủ, cũng như đầu tư tư nhân dồi dào, Trung Quốc chưa thể vượt qua Mỹ để tạo ra chatbot AI tiên tiến như ChatGPT.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã tổ chức phiên họp đặc biệt với Bộ Chính trị. Kết luận của cuộc họp là AI có ý nghĩa chiến lược, có thể dẫn đến cuộc cách mạng công nghệ và những thay đổi công nghiệp với "tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và mô hình kinh tế chính trị quốc tế". Với sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, chính phủ và tư nhân đã đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp AI trong nước.
Những năm tiếp theo, Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện của “4 con rồng nhỏ” là Cloudwalk Technology, Megvii, SenseTime và Yitu. Tất cả đều tập trung vào lĩnh vực nhận dạng hình ảnh AI. Trong khi đó, các sản phẩm thương mại mang nhãn AI đã tràn ngập thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn SenseTime đã tung ra một robot được thiết kế dành riêng cho việc dạy trẻ em cách chơi cờ vua.
Đến năm 2021, các công ty Trung Quốc tuyên bố đã sản xuất 21 mô hình ngôn ngữ lớn, tăng từ chỉ 2 mô hình vào 2020, ngang hàng với Mỹ. Theo hãng thiết kế chip AI Nvidia, một mô hình ngôn ngữ lớn đại diện cho thuật toán học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo văn bản cũng như nội dung khác dựa trên kiến thức thu được từ các tập dữ liệu khổng lồ.
Thế nhưng, sự xuất hiện của ChatGPT đã phá tan ảo tưởng rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về AI.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) cuối tháng 3, Chu Hồng Y nói trình độ kiến thức của Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang chậm hơn khoảng 2 đến 3 năm so với OpenAI. Chu Hồng Y là người sáng lập công ty an ninh mạng 360 Security Technology và là chuyên gia kỳ cựu trong ngành có quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, khoảng cách công nghệ đó không ngăn cản các công ty và doanh nhân Trung Quốc quảng cáo kế hoạch tung ra các đối thủ của ChatGPT ở quốc gia này. Chatbot của OpenAI chưa trình làng chính thức ở Trung Quốc do chính sách của chính phủ về kiểm duyệt nội dung.
Vào tháng 3, gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu đã ra mắt Ernie Bot, trở thành hãng công nghệ lớn đầu tiên ở Trung Quốc ra mắt dịch vụ giống như ChatGPT của riêng mình.
Vương Huy Oán (đồng sáng lập dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng theo yêu cầu khổng lồ Meituan) và Lý Khai Phục (cựu Giám đốc Google Trung Quốc) đã bắt đầu những dự án mới để khám phá tiềm năng kinh doanh của AI.
Thế nhưng, các nhà phân tích cảnh báo rằng cơn sốt này có thể tồn tại trong thời gian ngắn do thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, cộng với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ với chip AI. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của một sản phẩm tương đương ChatGPT thực sự ở Trung Quốc.