Cơ quan quản lý y tế Brazil - Anvisa cho biết các cơ quan y tế của Trung Quốc không minh bạch trong việc cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19. Tuyên bố này có thể làm gia tăng căng thẳng chính trị ở Brazil và quan hệ hai nước.
Là người luôn chỉ trích Trung Quốc, Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro nhiều lần nghi ngờ về vắc xin COVID-19 mang tên CoronaVac được phát triển bởi Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc). Ông còn mỉa mai CoronaVac là “vắc xin từ nước khác".
Tại Sao Paulo, bang đông dân nhất Brazil, các nhà chức trách đã đặt cược vào CoronaVac. Thống đốc Sao Paulo - Joao Doria, kẻ thù của Tổng thống Bolsonaro, cho biết bang dự kiến sẽ bắt đầu tiêm vắc xin này cho người dân vào tháng 1.2021. Tuy nhiên, Sao Paulo sẽ không thể bắt đầu sử dụng CoronaVac cho đến khi được Anvisa phê duyệt.
Theo Reuters, Anvisa vừa cho biết Trung Quốc không minh bạch về việc sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19.
“Brazil là quốc gia đi đầu trong quá trình đánh giá CoronaVac. Vắc xin đã có giấy phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc kể từ tháng 6 năm nay. Các tiêu chí của Trung Quốc để cấp phép sử dụng khẩn cấp không minh bạch và không có thông tin sẵn có về các tiêu chí đang được chính quyền Trung Quốc sử dụng để đưa ra các quyết định này”, Anvisa viết trên trang web của mình.
Anvisa từ lâu là cơ quan phi chính trị nhưng thông báo này làm dấy nghi ngại trong giới chuyên gia y tế rằng có sự tác động từ Tổng thống Jair Bolsonaro.
Ngày 9.11, Anvisa công bố tạm dừng thử nghiệm CoronaVac sau khi một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm qua đời.
Trường hợp tử vong này sau đó được xác định không liên quan tới vắc xin của Sinovac mà nhiều khả năng là tự tử. Đài truyền hình địa phương TV Cultura ngày 10.11 cho biết tình nguyện viên đó chết vì tự tử.
Anvisa cho biết tại thời điểm ra quyết định tạm dừng thử nghiệm chưa nhận được thông tin về nguyên nhân gây ra cái chết của người tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Hàng chục ngàn người có nguy cơ cao đã được tiêm vắc xin Sinovac trong chương trình sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc triển khai vào tháng 7.
Ít nhất 3 ứng cử viên vắc xin, trong đó 2 vắc xin do Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) được nhà nước hậu thuẫn phát triển và một từ Sinovac Biotech, đều đang trong giai đoạn thử nghiệm 3 ở nước ngoài, được đưa vào chương trình sử dụng khẩn cấp.
Một loại vắc xin thử nghiệm thứ 4 do CanSino Biologics phát triển đã được phê duyệt để sử dụng trong quân đội Trung Quốc vào tháng 6.
Trung Quốc đã không công khai chi tiết về cách xác định liệu một loại vắc xin COVID-19 có đủ tiêu chuẩn để sử dụng khẩn cấp hay không. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã không trả lời về chuyện này.
Đại diện Sinovac từ chối bình luận về thông báo của Anvisa nhưng nhắc đến cuộc họp báo vào tháng 10, tại đó một quan chức y tế cho biết việc tiêm chủng khẩn cấp đã được đưa ra sau khi xem xét nghiêm ngặt và phù hợp với luật pháp của Trung Quốc với các quy tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Quan chức này cho biết “các chỉ số về tính sinh miễn dịch và an toàn rất tốt trong các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1, Giai đoạn 2”.
CoronaVac đang trải qua giai đoạn thử nghiệm 3 ở Sao Paulo.
Hôm 14.12, Thống đốc Sao Paulo cho biết dữ liệu hiệu quả sẽ được công bố vào ngày 23.12, muộn hơn 8 ngày so với kế hoạch ban đầu, để cho phép kích thước mẫu lớn hơn và phân tích đầy đủ hơn.
Hôm 20.10, Tổng thống Bolsonaro nói Brazil sẽ không mua vắc xin Trung Quốc. Lời này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Y tế Brazil tuyên bố đưa vắc xin CoronaVac vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
"Chắc chắn là chúng tôi sẽ không mua vắc xin Trung Quốc", ông Bolsonaro viết trên mạng xã hội để trả lời một người bày tỏ quan điểm thúc giục ông không mua vắc xin của Sinovac.
"Người dân Brazil không phải là chuột lang thí nghiệm cho bất kỳ ai... Đó là lý do tại sao tôi quyết định không mua vắc xin của Trung Quốc", Tổng thống Jair Bolsonaro lý giải.
Ông Bolsonaro viết điều này sau khi đối mặt áp lực từ các chính trị gia ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại vắc xin CoronaVac.
Trong buổi họp báo sau đó, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố đã hủy hợp đồng do Bộ trưởng Y tế - Eduardo Pazuello công bố hôm 19.10 để mua 46 triệu liều vắc xin CoronaVac, phục vụ chương trình tiêm chủng cho người dân dự kiến từ tháng 1.2021.
Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, Brazil có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và ông mỉa mai CoronaVac là “vắc xin từ nước khác". Thay vào đó, ông Bolsonaro xúc tiến kế hoạch mua vắc xin do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phát triển.
Tối 26.11, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết sẽ không tiêm vắc xin COVID-19.
Đây là tuyên bố mới nhất trong một loạt phát ngôn mà ông bày tỏ sự hoài nghi với các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19.
Trong tuyên bố được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội, nhà lãnh đạo cánh hữu nói thêm rằng Quốc hội không có khả năng yêu cầu người Brazil tiêm vắc xin.
Brazil có số ca tử vong do coronavirus cao thứ hai trên thế giới (181.945) sau Mỹ và ông Jair Bolsonaro trong nhiều tháng đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch tương tự Trump dù từng nhiễm coronavirus vào tháng 7.
“Tôi đang nói với bạn, tôi sẽ không tiêm nó. Đó là quyền của tôi”, ông Jair Bolsonaro nói.
Jair Bolsonaro cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong chương trình phát sóng, ngụ ý rằng có rất ít bằng chứng thuyết phục về khẩu trang trong việc ngăn chặn sự lây truyền coronavirus.
Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiều lần nói rằng người Brazil sẽ không bắt buộc phải tiêm phòng khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi. Vào tháng 10, ông đùa cợt trên Twitter rằng chỉ cần tiêm phòng cho con chó của mình.