Các công ty Trung Quốc đang mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ để tạo ra chất bán dẫn tiên tiến, bất chấp hàng loạt hạn chế xuất khẩu mới nhằm cản trở những tiến bộ trong ngành bán dẫn của nước này, theo một báo cáo hôm 14.11.

‘Trung Quốc mua được thiết bị của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến bất chấp các hạn chế’

Sơn Vân | 15/11/2023, 08:56

Các công ty Trung Quốc đang mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ để tạo ra chất bán dẫn tiên tiến, bất chấp hàng loạt hạn chế xuất khẩu mới nhằm cản trở những tiến bộ trong ngành bán dẫn của nước này, theo một báo cáo hôm 14.11.

Báo cáo thường niên dài 741 trang, do ủy ban chọn lọc lưỡng đảng của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc công bố, chỉ trích biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà chính quyền Biden vào tháng 10.2022. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng các công cụ sản xuất chip của Mỹ nếu chúng được sử dụng để tạo ra chip tiên tiến ở quy trình 14 nanomet hoặc thấp hơn.

Với việc Bộ Thương mại Mỹ sử dụng giới hạn kỹ thuật 14 nanomet, "các nhà nhập khẩu thường có thể mua thiết bị nếu cho biết nó được sử dụng trên dây chuyền sản xuất cũ hơn và với khả năng kiểm tra cuối cùng hạn chế, rất khó để xác minh thiết bị không được dùng để sản xuất chip tiên tiến hơn", báo cáo nêu rõ.

Phát hiện này được đưa ra khi Mỹ đang cố gắng tìm ra cách mà gã khổng lồ viễn thông Huawei (Trung Quốc) có thể sản xuất chip Kirin 9000s 7 nanomet tiên tiến cho dòng smartphone Mate 60 thông qua SMIC (hãng chip số 1 Trung Quốc), bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu được công bố vào năm ngoái.

Trang Bloomberg đưa tin SMIC đã sử dụng thiết bị của ASML (Hà Lan) để sản xuất Kirin 9000s cho Mate 60 Pro. ASML là hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của ASML đã được SMIC sử dụng kết hợp với các công cụ của những hãng khác để tạo ra chip Kirin 9000s, theo nguồn tin Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính do thảo luận về thông tin chưa được công bố.

Có ý kiến cho rằng các hạn chế xuất khẩu với ASML có thể đã đến quá muộn để ngăn chặn những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip.

Việc phân tích Mate 60 Pro do hãng TechInsights thực hiện đã tiết lộ chip này được sản xuất bởi SMIC, thể hiện khả năng sản xuất vượt xa những gì Mỹ từng tìm cách ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.

Điều đó đặt ra câu hỏi về cách SMIC sản xuất chip tiên tiến cũng như tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát do Mỹ dẫn đầu.

ASML chiếm vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp các máy DUV cần thiết để tạo ra các chất bán dẫn hoàn thiện hơn.

ASML chưa bao giờ có thể bán máy EUV của mình cho Trung Quốc vì hạn chế xuất khẩu từ 2019. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trong ngành, các mẫu DUV kém tiên tiến hơn có thể được thiết kế lại với thiết bị lắng đọng và ăn mòn để sản xuất chip 7 nanomet và thậm chí có thể tiên tiến hơn. Quá trình này đắt hơn nhiều so với sử dụng máy EUV, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất trong môi trường cạnh tranh trở nên rất khó khăn.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, chính phủ sẵn sàng gánh một phần đáng kể chi phí sản xuất chip. Các công ty Trung Quốc đã dự trữ hợp pháp máy DUV trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu vào năm ngoái trước khi Nhật Bản và Hà Lan tham gia.

Áp lực từ chính quyền Biden đã thúc đẩy chính phủ Hà Lan vào mùa hè năm ngoái công bố kế hoạch cấm ASML vận chuyển ba trong số bốn máy DUV tiên tiến nhất, loại máy mạnh thứ hai của công ty, sang Trung Quốc nếu không có giấy phép. ASML hiện vẫn có thể xuất khẩu những máy đó sang Trung Quốc nhưng việc vận chuyển sẽ bị cấm từ tháng 1.2024.

Huawei và SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại lần lượt vào năm 2019 và 2020, về lý thuyết cấm các nhà cung cấp Mỹ vận chuyển một số công nghệ nhất định cho hai công ty.

Những người quan sát Trung Quốc lý giải rằng SMIC có thể đã sản xuất chip bằng các thiết bị được mua trước khi có quy tắc vào tháng 10.2022, nhưng báo cáo của ủy ban chọn lọc lưỡng đảng thuộc Hạ viện cho thấy công ty này có những lựa chọn khác để mua được thiết bị từ nước ngoài.

Mỹ đã tìm cách khắc phục lỗ hổng quan trọng trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến bằng cách thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan, với các ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chip mạnh mẽ, công bố những hạn chế của riêng họ với việc xuất khẩu công nghệ đáng thèm muốn.

Thế nhưng, Trung Quốc đã tích trữ thiết bị bằng cách tận dụng khoảng thời gian trễ giữa các quy định tháng 10.2022 của Mỹ và động thái tương tự từ Nhật Bản, Hà Lan lần lượt vào tháng 7 và tháng 9.2023, báo cáo nêu chi tiết.

Theo tài liệu, từ tháng 1 đến tháng 8.2023, Trung Quốc đã nhập khẩu máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 3,2 tỉ USD từ Hà Lan, tăng 96,1% so với mức 1,7 tỉ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc từ tất cả các quốc gia đạt tổng cộng 13,8 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo của ủy ban chọn lọc lưỡng đảng thuộc Hạ viện không đưa ra khuyến nghị cụ thể nhằm giải quyết những lỗ hổng trong các quy định của Mỹ, nhưng thúc giục Quốc hội yêu cầu đánh giá hàng năm (được thực hiện trong vòng 6 tháng bởi Văn phòng Trách nhiệm Chung và sau đó công bố) về tính hiệu quả của biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip với Trung Quốc.

SMIC tăng cường tích lũy công cụ sản xuất chip khi doanh thu giảm 3 quý liền

SMIC đã tăng ngân sách hàng năm lên 7,5 tỉ USD cho năm 2023, cao hơn 18% so với mức chi tiêu 6,35 tỉ USD của công ty vào năm ngoái. Gã khổng lồ chip có trụ sở tại thành phố Thượng Hải đã chi 5,1 tỉ USD trong ba quý đầu năm 2023 và trước đó ước tính rằng chi tiêu trong năm nay sẽ không thay đổi.

Chi tiêu tăng vọt phản ánh rằng SMIC đang tăng tốc mua và lắp đặt thiết bị sau khi Mỹ cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ (vốn đã nghiêm ngặt) vào tháng ngày 17.10, một lần nữa hạ thấp ngưỡng với các loại công cụ sản xuất chip không thể bán cho các công ty Trung Quốc.

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hà Lan cũng tăng vọt trong tháng 10, được coi là dấu hiệu khác cho thấy nước này đang tranh giành mua các hệ thống in thạch bản đắt tiền đến từ ASML.

Bất chấp sự sụt giảm lớn trong thương mại với Liên minh châu Âu (EU), dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy các chuyến hàng từ Hà Lan đã tăng 29,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

SMIC không cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động mua bán của mình, nhưng đồng Giám đốc điều hành Zhao Haijun cho biết các yếu tố địa chính trị có một số rủi ro khó đoán với ngành, đề cập đến những mối nguy hiểm rõ ràng thường bị bỏ qua.

Zhao Haijun nói SMIC sẽ cho phép các nhà cung cấp công cụ chip thực hiện giao hàng sớm hơn để “đảm bảo tăng cường sản xuất tại các nhà máy đã được khởi công” do tác động ngày càng phức tạp của địa chính trị với thời gian vận chuyển. Ông nói số lượng thiết bị sẽ được chuyển đến nhà máy của SMIC trước cuối năm nay sẽ “tăng đáng kể” so với dự báo ban đầu.

Trong các quy định được cập nhật vào ngày 17.10, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã tăng cường các hạn chế xuất khẩu với một loạt thiết bị cần thiết cho các quy trình chính trong chế tạo đĩa bán dẫn, bao gồm in thạch bản, khắc, lắng đọng, cấy ghép và làm sạch. Các bản cập nhật từ Mỹ sẽ hạn chế ASML vận chuyển một số hệ thống DUV, gồm cả Twinscan NXT1980Di, sang Trung Quốc.

Zhao Haijun không bình luận về các bản tin cho rằng SMIC đã dùng máy DUV từ ASML để sản xuất chip 7 nanomet cho Huawei Mate 60 Pro. 

Zhao Haijun nói khách mua hàng từ SMIC đã thấy thị phần của họ tăng lên nhờ việc cải tổ chuỗi cung ứng trong bối cảnh biến động địa chính trị. Dòng Mate 60 đã giúp Huawei tăng doanh số bán smartphone lên 37% trong quý 3/2023.

Trong quý 3/2023, SMIC đã tạo ra 84% doanh thu từ Trung Quốc, tăng từ 80% trong quý 2 và 75% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp từ Mỹ và lục địa Á - Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 quý qua khi lượng hàng tồn kho dành cho smartphone và các mạch tích hợp liên quan đến người tiêu dùng khác ở thị trường nước ngoài giảm dần.

Bất chấp sự giúp đỡ từ khách hàng Trung Quốc, SMIC vẫn chứng kiến ​​doanh thu giảm quý thứ 3 liên tiếp trong năm nay. Zhao Haijun cho biết sự phục hồi hình chữ V đã không xảy ra như mong đợi vào đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp nhiều khó khăn.

Nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc báo cáo doanh thu giảm 15% trong quý 3/2023 xuống còn 1,62 tỉ USD, thấp hơn mức dự kiến ​​là 1,64 tỉ USD. Lợi nhuận ròng mang lại cho các cổ đông của công ty giảm 80% xuống còn 94 triệu USD trong quý 3/2023, so với ước tính là 178,1 triệu USD.

SMIC dự kiến ​​​​doanh thu của mình sẽ tăng từ 1% lên 3% trong quý 4/2023.

Bài liên quan
Baidu đặt mua 1.600 chip AI Ascend 910B từ Huawei để thay cho A100 của Nvidia
Hai nguồn tin của Reuters cho biết Baidu đã đặt mua chip trí tuệ nhân tạo (AI) từ Huawei trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực của Mỹ đang khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chấp nhận các sản phẩm của Huawei như giải pháp thay thế cho Nvidia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Trung Quốc mua được thiết bị của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến bất chấp các hạn chế’