Theo Reuters, Trung Quốc và các quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương đã không đạt được một thông cáo chung về thương mại và an ninh sau cuộc họp ở Fiji.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Fiji vào hôm 30.5 nhằm thúc đẩy một “Tầm nhìn phát triển chung” đầy tham vọng từ an ninh đến nghề cá.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp với những người đồng cấp từ 10 quốc đảo, ông Vương kêu gọi khu vực Thái Bình Dương không "quá lo lắng" về các mục tiêu của Bắc Kinh trong bối cảnh các bên vẫn chưa thống nhất được các thỏa thuận chung về thương mại và an ninh.
Dự thảo tuyên bố chung và kế hoạch hành động 5 năm được Trung Quốc gửi tới các quốc gia được mời trước cuộc họp cho thấy Bắc Kinh đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực.
Hãng tin AFP và báo The Guardian báo cáo rằng họ đã có được bản dự thảo tựa đề “Tầm nhìn Phát triển Toàn diện” này, trong đó ghi rõ những đề xuất viện trợ của Trung Quốc dành cho 10 đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.
Cùng với hàng triệu USD viện trợ, các đề xuất còn bao gồm việc tạo điều kiện để các nước này tiếp cận lớn hơn với thị trường tỷ dân của Trung Quốc và tăng cường hợp tác an ninh, như việc cho phép Bắc Kinh huấn luyện các lực lượng cảnh sát của các nước nêu trên.
Tuy nhiên, theo Reuters, dự thảo này đã vấp phải sự phản đối từ ít nhất một trong những quốc gia được mời tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Fiji.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết cho biết các quốc gia bao gồm Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu, đã nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác, nhưng cần có các cuộc thảo luận thêm để tạo ra sự đồng thuận hơn. Cụ thể các lĩnh vực mà ông Vương liệt kê bao gồm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và thành lập các trung tâm nông nghiệp và phục hồi sau thảm họa mới, nhưng không bao gồm các thỏa thuận về an ninh.
Sau khi có nhiều người đặt ra câu hỏi nghi ngờ về động cơ thực sự của Trung Quốc khi hoạt động tích cực ở các đảo ở Thái Bình Dương, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng mục tiêu của Trung Quốc là để hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và vùng Caribbean.
“Đừng quá lo lắng và cũng đừng quá căng thẳng, bởi vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc cũng như tất cả các nước đang phát triển khác chỉ có nghĩa là hòa hợp tuyệt vời, công bằng hơn và tiến bộ hơn của toàn thế giới”, ông Vương cho hay.
Trả lời câu hỏi sau cuộc họp báo của Ngoại trưởng Vương, đại sứ Trung Quốc tại Fiji, Qian Bo, cho biết các đại biểu đã đồng ý thảo luận về dự thảo tuyên bố chung và kế hoạch 5 năm.
"Đã có sự ủng hộ chung từ 10 quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao, nhưng tất nhiên có một số lo ngại về một số vấn đề cụ thể", đại sứ Qian Bo cho hay.
Trong khi đó, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama đã nói với các phóng viên rằng các quốc gia Thái Bình Dương đang ưu tiên sự đồng thuận.
Một quan chức giấu tên từ một quốc gia Thái Bình Dương trước đó nói với Reuters rằng, một số quốc gia được mời trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Fiji muốn trì hoãn hành động đối với dự thảo tuyên bố chung với Trung Quốc hoặc sửa đổi nó.
Dư luận quốc tế hiện đang theo dõi sát sao chuyến công du một loạt đảo quốc Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu từ hôm 26.5 trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang tìm cách đạt được các thỏa thuận với các quốc đảo Thái Bình Dương trong một quá trình gấp rút và thiếu minh bạch.
Mỹ, Úc, Nhật Bản và New Zealand đã quan ngại về một hiệp ước an ninh do Quần đảo Solomon ký với Trung Quốc vào tháng trước, nói rằng nó có những hậu quả trong khu vực và có thể dẫn đến sự hiện diện quân sự của Trung Quốc gần Úc.
Chính phủ mới của Úc đã sớm đưa các đảo ở Thái Bình Dương trở thành ưu tiên chính sách đối ngoại để chống lại sự thúc đẩy của Bắc Kinh.
Phát biểu trước Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tại Fiji hôm 26.5, tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong cam kết Canberra sẽ là đối tác “vô điều kiện” của các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương.
Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực Thái Bình Dương sau khi nhậm chức, bà Wong cho rằng khu vực đang phải đối mặt với tình hình phức tạp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Bà cũng phát đi thông điệp Úc sẽ đặt ưu tiên mới cho thách thức lớn nhất của khu vực gồm biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và các cuộc cạnh tranh chiến lược cũng như công bố một chương trình thị thực mới cho phép công dân các quốc đảo Thái Bình Dương để di cư.