Aajibaichi Shala ẩn mình trong ngôi làng Phangane hẻo lánh ở bang Maharashtra là một cơ sở giáo dục độc đáo: nơi phụ nữ 60 - 94 tuổi đến để học đọc, học viết, học toán và nhiều kỹ năng khác.

Trường học cho các cụ bà tại Ấn Độ

Cẩm Bình | 08/06/2022, 07:59

Aajibaichi Shala ẩn mình trong ngôi làng Phangane hẻo lánh ở bang Maharashtra là một cơ sở giáo dục độc đáo: nơi phụ nữ 60 - 94 tuổi đến để học đọc, học viết, học toán và nhiều kỹ năng khác.

Trường mở cửa hai giờ đồng hồ mỗi ngày – từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, nhưng ngay từ 1 giờ 30 phút đã có 30 cụ bà mặc saree hồng đeo túi trên vai đến trường. Thời gian này phù hợp với học viên vì nhiều người phải đi làm thuê cho nông trại hoặc công trường vào buổi sáng.

Buổi học bắt đầu bằng hoạt động cầu nguyện nữ thần tri thức Saraswati, sau đó là 4 tiết học thời lượng 30 phút/tiết. Học viên ngồi học trên thảm, phấn và sách do trường cung cấp. Họ học các bài thơ, bảng toán học, bảng chữ cái Marathi và vẽ tranh.

Trường cũng giao bài tập và cho kiểm tra, đồng thời dạy thêm kỹ năng làm vườn nhằm nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học địa phương.

trindia01.jpg
Các học viên lớn tuổi của Aajibaichi Shala - Ảnh: Nikkei Asian Review

Nhà hoạt động Yogendra Bangar dạy tại Aajibaichi Shala cho biết: “Mục tiêu chính của trường là giảng dạy cho phụ nữ cao tuổi bị nghèo đói hoặc quan niệm xã hội lạc hậu tước mất cơ hội học tập. Chúng tôi muốn mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của họ, giúp 100% dân làng chúng tôi biết chữ”.

Được thành lập vào ngày Quốc tế phụ nữ 8.3.2016, Aajibaichi Shala nhận tài trợ từ quỹ từ thiện Motiram Dalal. Trường trong quá trình hoạt động gặp không ít khó khăn: mất rất nhiều thời gian kêu gọi kinh phí cho trường, bàn ghế, bảng đen, cặp sách, đồng phục, văn phòng phẩm và sách vở, học viên cao tuổi nên sức khỏe yếu và tốc độ tiếp thu chậm.

“Vài cụ bị vấn đề về thính giác, số khác thị lực yếu hoặc đầu gối có vấn đề. Nhưng thật vui khi thấy họ vượt qua trở ngại để đến trường. Về cơ bản họ đã biết chữ, thậm chí có thể ký tên của mình”, theo nhà hoạt động Bangar. Ông nảy ra ý tưởng thành lập Aajibaichi Shala vào 5 năm trước khi thấy phụ nữ cao tuổi tại một cơ sở tôn giáo cộng đồng không đọc được thánh kinh.

“Các cụ rất muốn tham gia bằng cách đọc thuộc lòng bài thánh, nhưng họ không thể vì không biết chữ. Vì vậy một số già làng đề nghị sẽ rất tốt nếu phụ nữ cao tuổi nhận được giáo dục cơ bản”, nhà hoạt động Bangar kể lại.

Ông nói thêm: “Họ muốn có thể đọc, viết, ký tên như người nhà của mình. Tôi hỏi họ có sẵn lòng tham gia các lớp đọc viết cơ bản hay không, tất cả đều cho phản hồi tích cực. Không những vậy vài cụ bà còn liên tục hỏi tôi khi nào lớp khai giảng”.

Ấn Độ năm 2009 đã ban hành Đạo luật về Quyền giáo dục, trao cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn quyền được hưởng giáo dục bắt buộc miễn phí cho đến lúc 14 tuổi. Thủ tướng Narendra Modi năm 2015 còn phát động chương trình ưu tiên giáo dục trẻ em gái mang tên Beti bachao, beti padhao.

Nhưng bất chấp loạt nỗ lực nêu trên, Khảo sát Sức khỏe gia đình quốc gia Ấn Độ giai đoạn 2019 - 2021 cho kết quả tỷ lệ biết chữ ở nữ giới 15 - 49 tuổi chỉ đạt 71,5%, trong khi nam giới cùng độ tuổi đạt 87,4%. Giới chuyên gia cũng chỉ ra người cao tuổi ở nông thôn - đặc biệt là phụ nữ - không hưởng hết được lợi ích từ nhiều chương trình giáo dục dành cho người cao tuổi mà chính phủ triển khai ngay từ những năm 1970.

trindia00.jpg
Các cụ háo hức đi học - Ảnh: Nikkei Asian Review

Không ít cụ bà nhận ra và tận dụng tối đa cơ hội hiếm có mà trường Aajibaichi Shala đem lại. Cụ Hansa Bai (94 tuổi) tự hào cho biết bà chưa nghỉ buổi nào mặc dù bản thân bị suy giảm thị lực và viêm khớp.

“Tôi nghĩ tôi sẽ đi học đến lúc qua đời. Tôi nghèo, không có tiền trong ngân hàng, nhưng tôi không lo lắng vì giáo dục là sự giàu có thực sự của tôi”, cụ Bai xúc động chia sẻ.

Cụ Laxmi Gore (84 tuổi) cũng chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo đến nỗi không thể lo đủ hai bữa cơm mỗi ngày. Hơn nữa phụ nữ trong làng thường không được đi học, chúng tôi làm việc nhà và chăm sóc anh chị em. Đến Aajibaichi Shala cho tôi một cuộc sống mới. Bây giờ tôi có thể viết tên của mình cùng vài câu đơn giản. Khi nhặt phế liệu để kiếm sống, tôi nhặt cả các mẫu báo và cố gắng đọc chúng”.

Với một số cụ, tài sản lớn nhất của họ chính là chiếc cặp màu đen đỏ mà họ sắp xếp mỗi sáng. Cụ Kanta Bai (78 tuổi) cho biết: “Tôi từng giúp cháu mình sắp xếp chiếc cặp như vậy 2 năm trước. Tôi ghét bị mù chữ và thầm ao ước được đi học. Nay ước mơ của tôi đã thành hiện thực”.

Niềm vui lớn nhất của cụ Laxmi Wadekar (73 tuổi) là tự ký được tên mình sau một năm học tại Aajibaichi Shala, trước đó bà chỉ có thể ấn dấu tay.

Aajibaichi Shala còn đem lại tác động tích cực khác. Giáo dục phụ nữ cao tuổi giúp nâng cao nhận thức của dân làng về giữ gìn vệ sinh và bảo tồn đa dạng sinh học. Tình trạng phóng uế bừa bãi nay đã không còn.

Trường từng phải đóng cửa trong 2 năm vì đại dịch COVID-19. Lo rằng các cụ bà sẽ quên mất những gì được học, đội ngũ giáo viên định kỳ đến từng nhà ôn bài cho họ.

Khi trường mở lại vào ngày 18.4, cả làng hoan nghênh nhiệt liệt.

Bài liên quan
8 người chết trong vụ đâm dao tại trường học ở Trung Quốc
Hãng AFP ngày 16.11 đưa tin 8 người đã thiệt mạng và 17 người bị thương khi một vụ tấn công bằng dao xảy ra tại Trường Nghề nghệ thuật và công nghệ Vô Tích trên địa bàn thành phố Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô). Cảnh sát địa phương bắt giữ một cựu học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học cho các cụ bà tại Ấn Độ