Hiện nay người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở TP.HCM đã gần như bao phủ mũi 1, còn mũi 2 cũng chiếm khoảng 30%, nhưng liên tiếp trong những ngày gần đây, TP luôn có số ca mắc COVID-19 từ 5.000 đến 6.000 ca/ngày.
Dù 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin vẫn có thể có hàng nghìn ca mắc
Ngay như quận Tân Phú có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt gần 100%; hay huyện Hóc Môn đạt 100% người tiêm mũi 1, đạt gần 40% người tiêm mũi 2 nhưng đây lại là những địa phương có số ca mắc COVID-19 khá cao. Cụ thể trong ngày hôm qua (22.9), quận Tân Phú có 552 ca, đứng thứ 2; còn huyện Hóc Môn có 344 ca, đứng thứ 5 trong 22 quận huyện và TP. Thủ Đức có số ca mắc COVID-19.
Điều này có nghĩa hầu hết các bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó có cả những người đã tiêm đủ cả 2 mũi.
Phân tích về điều này, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc những người đã tiêm vắc xin, thậm chí tiêm đủ 2 mũi vẫn mắc COVID-19.
Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do một số trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng không tạo ra kháng thể. Đây là những trường hợp đặc thù, có tỷ lệ vô cùng hiếm. Những người này, nếu mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ chuyển biến nặng, vì chưa có kháng thể mặc dù đã tiêm vắc xin.
Đối với nguyên nhân thứ 2 là những trường hợp sau khi tiêm vắc xin, cơ thể tạo ra kháng thể không đủ để chống lại sự xâm nhập của dịch bệnh. Những trường hợp này, sau một khoảng thời gian ngắn cơ thể sẽ tạo ra đủ lượng kháng thể, lượng kháng thể này được tạo ra đủ để vượt qua tình trạng bệnh nặng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh -chuyên gia dịch tễ học tại TP.HCM, về mặt khoa học, dù người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc COVID-19 vì không vắc xin nào bảo vệ 100%, phần lớn chỉ bảo vệ khoảng 70% đến 90%.
Như vậy có thể thấy rằng, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19 bình thường. “Nếu sau này 100% người dân TP.HCM tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 thì mỗi ngày cũng có thể có hàng nghìn ca mắc COVID-19 là điều bình thường. Vấn đề là tỷ lệ người mắc COVID-19 chuyển biến nặng sẽ rất thấp, phần lớn là tự khỏi”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Khanh đặt vấn đề: Một bệnh mà người mắc không nặng, không chết thì chúng ta có đáng lo hay không?
“Ngay cả bệnh thông thường như nhiễm trùng da còn có trường hợp chuyển biến nặng, nhưng tất nhiên là rất thấp cũng giống như những người đã tiêm đủ liều vắc xin, nếu mắc COVID-19 cũng có thể chuyển biến nặng, nhưng rất thấp. Vì thế chúng ta không phải lo lắng khi đã tiêm đủ liều vắc xin mà bị mắc COVID-19”, bác sĩ Khanh nói.
Theo một số chuyên gia dịch tễ học, nếu các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh thì khả năng mắc trở lại là rất thấp. Giả sử tất cả người dân TP đều mắc COVID-19 thì gần như bệnh sẽ hết.
“Chưa có cơ sở khoa học nào để nói một bệnh nhân COVID-19 chỉ có miễn dịch trong 6 tháng và sau 6 tháng sẽ có thể mắc trở lại. Thật sự mà nói, những người mắc COVID-19 rồi mà mắc lại là rất khó, chỉ có những trường hợp tái dương tính nhưng bệnh rất nhẹ, tự khỏi và không có khả năng lây cho người khác. Do đó, những người đã mắc COVID-19 không cần thiết phải tiêm vắc xin phòng COVID-19”, bác sĩ Khanh khẳng định.
Tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng giảm mạnh
Dù hiện nay Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chưa có số liệu thống kê chính thức bao nhiêu phần trăm người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bị mắc COVID-19 có biến chứng nặng, nhưng các chuyên gia dịch tễ học khẳng định con số này là rất rất ít.
Thực tế trong những ngày qua cho thấy, dù số bệnh nhân mắc COVID-19 ở TP.HCM vẫn ở mức cao từ 5.000 đến 6.000 ca/ngày, nhưng tại các cơ sở điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng rất ít, phần lớn là các bệnh nhân nhẹ, tự khỏi.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính hết ngày 22.9, số ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà lên đến 35.489 người; số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 23.467 người; còn số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 40.970 người. Trong đó, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.145 người, chiếm tỷ lệ 17,4% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỷ lệ 7,2% so với tổng số ca đang điều trị.
BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3, cho biết dù hiện nay bệnh viện có hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, nhưng phần lớn là bệnh nhẹ. Các trường hợp chuyển biến nặng chỉ là những người già từ 80 đến 90 tuổi, có nhiều bệnh nền hoặc đang điều trị bệnh rồi bị mắc thêm COVID-19.
Những bệnh nhân nặng thở oxy, thở máy ở đây chỉ khoảng 50 người, nhưng là những người già có bệnh nền, người đang bị bệnh sẵn và tiếp tục mắc COVID-19.
“Hiện nay số bệnh nhân thở máy chưa tới 10 người. Nếu so với lúc cao điểm có gần cả trăm bệnh nhân phải thở máy thì số ca nặng hiện nay đã giảm một cách đáng kể”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo bác sĩ Khanh, hiện tình hình bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng xuống thấp, mỗi quận huyện chỉ cần 1 cơ sở điều trị tập trung là đủ; còn các bệnh viện dã chiến thì số ca F0 cũng giảm nhiều (do bệnh nhân nhẹ tự cách ly, điều trị tại nhà) so với trước đó, nên các bệnh viện này có thể dồn lại. Chủ yếu tập trung và điều trị vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu và phục hồi chức năng.