Bất chấp Công ty cổ phần HAGL đã nộp đơn kiện từ ngày 7.2.2023, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn muốn tiếp tục quy định “tài trợ độc quyền” trong dự thảo Điều lệ Giải bóng đá Cúp quốc gia 2023 gửi đến các CLB.

VPF vẫn muốn “tài trợ độc quyền”: Cuộc chiến không còn của riêng Hoàng Anh Gia Lai

Đặng Hoàng | 23/02/2023, 09:53

Bất chấp Công ty cổ phần HAGL đã nộp đơn kiện từ ngày 7.2.2023, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn muốn tiếp tục quy định “tài trợ độc quyền” trong dự thảo Điều lệ Giải bóng đá Cúp quốc gia 2023 gửi đến các CLB.

Điều lệ đã được gửi đến các CLB tham gia thi đấu ở Cúp quốc gia 2023, trong đó tại chương II nội dung tài trợ quảng cáo và truyền thông, về quyền lợi nhà tài trợ quy định: Nhà tài trợ chính được quyền quảng cáo ngành hàng độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải.

Trong khi đó trách nhiệm của các CLB có quy định: Các CLB không được quảng cáo ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày điều lệ giải được ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF.

Điều đó có nghĩa là VPF vẫn muốn “tài trợ độc quyền” nhưng lại tiếp tục “chơi chữ” khi dùng cụm từ “tài trợ không cùng ngành hàng” để lách Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ngày 12.6.2018.

Để tránh vết xe đổ đã tạo nên phản ứng tiêu cực trong dư luận khi để xảy ra cuộc chiến pháp lý “tài trợ độc quyền” với Công ty cổ phần Thể thao HAGL, lần này, VPF đã gửi dự thảo Điều lệ đến các CLB hỏi ý kiến để thông qua.

Các CLB cần xem lại mình trước khi trách VPF

Tòa án với vai trò cơ quan tư pháp sẽ vận dụng tất cả cơ sở pháp lý của pháp luật hợp đồng, pháp luật cạnh tranh, thậm chí là tập quán, án lệ, lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Trong khi chờ đợi tòa án phán xử, giờ đây, những ai quan tâm đến trận chiến vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam đều biết “Điều lệ độc quyền của VPF không còn phù hợp, trái với thông lệ quốc tế".

Thể thao thế giới ngày nay không còn quy định độc quyền, nhãn hàng tài trợ giải đấu và các câu lạc bộ vẫn có thể trùng ngành hàng.

Vậy tại sao VPF vẫn quyết liệt muốn đi ngược với sự phát triển chung của hành tinh bóng đá này? Trước khi nói đến quyền lợi tài chính, ta nên hiểu rằng VPF hoạt động theo điều lệ, quy chế hoạt động của công ty và tất cả quy định đều thông qua cổ đông, mà ở đây là các câu lạc bộ có cổ phần ở VPF và Công ty Thể thao HAGL là một thành viên.

Do đó, nếu đa số các CLB tham dự Cúp quốc gia nghiêng về bên chống quy định “tài trợ độc quyền” thì không có gì để bàn, vì quy định kéo lùi sự phát triển của Cúp quốc gia nói riêng và cả nền bóng đá Việt Nam nói chung sẽ bị hủy bỏ ngay lập tức. Ngược lại, nếu đa số các câu lạc bộ thuận với quy định trái khoáy này của VPF, chắc chắn phía HAGL không chỉ phản đối mà còn quyết liệt hơn nữa trước cuộc chiến chính nghĩa “Vì tương lai bóng đá Việt Nam”.

Cần nhắc đến quy định thông qua cổ đông để hiểu hơn trách nhiệm của các câu lạc bộ. Thời gian qua, từ cuộc chiến “tài trợ độc quyền” ở V-League 2023 giữa HAGL với VPF, rồi nhiều HLV của các CLB thi đấu ở V-League 2023 lên tiếng về lịch thi đấu V-League 2023 bị nhiều lần ngắt quãng thời gian dài, vậy tại sao các câu lạc bộ không lên tiếng phản đối trong những cuộc họp với VPF mà chỉ phản ứng gay gắt khi VPF ban hành điều lệ, quy định giải đã được các cổ đông là chính các CLB thông qua?

Sự im lặng của các CLB đồng nghĩa với đồng thuận cùng VPF. Hiện tượng các CLB chỉ lên tiếng khi chuyện đã rồi, thì trách nhiệm không chỉ có riêng mỗi VPF.

Người đại diện CLB tham gia họp phải là tiếng nói quyết định từ "ông chủ thực sự" của CLB

Nhắc-nhớ lại thực tế cãi qua cãi lại, tranh cãi triền miên giữa các bên, chúng ta sẽ nhận ra một thực tế: các câu lạc bộ thường không phát biểu đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm. Khoanh vùng trong vấn đề “tài trợ độc quyền”, lịch thi đấu V-League bất hợp lý mùa 2023, lúc cần lên tiếng thì các CLB im lặng, đến khi điều lệ, quy định được ban ra sau khi được thông qua bởi chính các CLB, thì các CLB lại chỉ trích VPF.

Thế là không công bằng với VPF.

Nói đúng hơn nữa, trước khi trách VPF thì các CLB phải nhìn lại chính mình.

Nhìn lại để mỗi khi có cuộc họp với VFF hay VPF, khi cử người đại diện, ban lãnh đạo CLB và nhất là người đứng đầu - những người “chủ thực sự của các CLB”, cần phải chọn người am hiểu rõ nội dung cuộc họp, nắm được chủ trương của CLB để khi phát biểu là tiếng nói của ông chủ CLB, thay vì cử người dự họp cho có. Thực tế lâu nay đã chứng minh: nhiều CLB cử người đại diện họp cho có.

Hoàng Anh Gia Lai có đơn độc?

V-League dưới sự điều hành, tổ chức của VPF khó kiếm được nhà tài trợ giải trung thành, mà kiếm được thì khoản tiền tài trợ không nhiều, thậm chí khi VPF chia lại cho các CLB lại rất, rất ít.

Quy định độc quyền trong tài trợ đã là rào cản tài chính cho các CLB. Nói thẳng như thế này: VPF là đơn vị đưa ra điều lệ nhưng lại mâu thuẫn với chính hợp đồng tài trợ của CLB. Do đó mối quan hệ này không công bằng. Lệnh cấm của VPF đang trói nguồn tài trợ của các CLB.

Cần hiểu rằng bên cạnh số tiền đầu tư từ các ông chủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp phía sau, nguồn tiền từ nhà tài trợ cũng rất quan trọng với CLB. Nguy hiểm nhất là nếu để nhà đầu tư thấy rủi ro, họ sẽ không dám tham gia, từ đó không chỉ tác động xấu đến các CLB mà toàn nền bóng đá.

Những quy định, điều lệ giải được đưa ra từ VPF đã lỗi thời và trái với thông lệ quốc tế. Điều lệ duy trì sự độc quyền của nhà tài trợ cần được sửa đổi, bởi sự độc quyền thường không mang lại những giá trị lớn hơn so với tự do cạnh tranh.

Biết rõ thực trạng này, nhưng buồn thay, trong cuộc họp trực tuyến với nội dung hỏi ý kiến các CLB để thông qua dự thảo Điều lệ Cúp quốc gia 2023, chỉ có mỗi đại diện HAGL lên tiến phản đối quy định “tài trợ độc quyền” trong dự thảo.

Vậy tại sao phần thành viên VPF còn lại không quyết liệt như HAGL?

V-League, rồi giải Hạng nhất, đã có những đội phải rời cuộc chơi, phải tự giải tán vì không đủ tài chính hoạt động như: Than Quảng Ninh, Sài Gòn FC, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh… Bóng đá Việt Nam chỉ có vỏ ngoài chuyên nghiệp, bởi thực chất bên trong vẫn sống nhờ ngân sách cùng với kinh phí của những nhà đầu tư. Chỉ có mỗi HAGL FC là khác biệt khi họ đã cố gắng tìm giải pháp tự nuôi thân mình.

Phải chăng vì sự sống còn của mình mà đại diện HAGL, Giám đốc điều hành HAGL FC Nguyễn Tấn Anh và cũng là tiếng nói của bầu Đức, Chủ tịch HAGL FC - ông chủ thực sự của HAGL, đã chiến đấu đến cùng? Trong khi đó, ở phần còn lại, khác với HAGL, họ tồn tại nhờ ngân sách, cùng kinh phí từ những nhà đầu tư. Từ đây dẫn đến thực tế buồn: khi những người đại diện các CLB dự họp không phải là “chủ thực sự”, không tư vấn đầy đủ cho những “chủ thực sự” để tiếng nói của họ luôn bảo vệ cho CLB, thì “chiến” hay “không chiến” cũng không ảnh hưởng gì đến họ. Nhiều người đến họp chỉ nghe, không có quan điểm, chính kiến đóng góp, không xem CLB là gia đình mà chỉ xem CLB như là chỗ kiếm cơm, nên mới dẫn đến những bất đồng triền miên như bao năm qua.

HAGL hiện nay như người đơn độc trong cuộc chiến chính nghĩa này. Nhưng lẽ phải rồi cũng sẽ chiến thắng. Hơn bao giờ hết, các CLB ở V-League và Hạng nhất phải chung tay, hợp sức có cùng tiếng nói chung để phá vỡ thành trì bảo thủ, độc đoán, chỉ nghĩ đến quyền lợi của các thành viên đang điều hành, làm việc tại VPF mà không quan tâm đầy đủ đến quyền lợi, đến sự tồn tại và phát triển của các CLB, dù rằng có CLB thì mới có VPF.

***

Một điều phi lý hơn nữa là Cúp quốc gia dự kiến tiến hành vào đầu tháng 4, nhưng đến hôm qua đã gần cuối tháng 2, VPF vẫn chưa công bố tên nhà tài trợ chính thức của giải. Với quỹ thời gian ít ỏi này cùng với quy định “Tài trợ độc quyền” của VPF, các CLB làm sao xoay trở kịp để kiếm được nhà tài trợ không trùng sản phẩm với nhà tài trợ chính của giải?

Vậy mà chỉ có mỗi HAGL lên tiếng?

Bài liên quan

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VPF vẫn muốn “tài trợ độc quyền”: Cuộc chiến không còn của riêng Hoàng Anh Gia Lai