Các chuyên gia vắc xin Trung Quốc nói cái chết của 16 người già ở Thụy Sĩ sau khi được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna ngừa COVID-19 nhấn mạnh mối nguy hiểm tiềm tàng của vắc xin mRNA với nhóm tuổi này.
Cơ quan Sản phẩm Trị liệu Thụy Sĩ (Swissmedic) cho biết ít nhất 16 người đã chết sau khi tiêm vắc xin ở Thụy Sĩ.
Swissmedic đã thu được khoảng 364 phản ứng có hại nghi do thuốc, với 199 sự cố liên quan đến vắc xin do Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) hợp tác phát triển và 154 với vắc xin của Moderna (Mỹ).
Swissmedic cho biết độ tuổi trung bình của những người tử vong là 86 và hầu hết trong số họ đã mắc các bệnh nền từ trước, thêm vào đó chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc xin là nguyên nhân gây tử vong.
Các chuyên gia Trung Quốc nói các sự cố nên được đánh giá thận trọng để hiểu liệu các trường hợp tử vong do vắc xin hay các tình trạng khác tồn tại ở những người này.
Trước đó, Na Uy báo cáo 23 trường hợp tử vong liên quan đến tiêm chủng, tất cả đều trên 80 tuổi. Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna đã được sử dụng ở Na Uy.
Một nhà miễn dịch học Trung Quốc yêu cầu giấu tên nói rằng việc sử dụng quy mô lớn vắc xin mRNA có nguy cơ gây rối loạn chức năng miễn dịch bất thường, dị ứng hoặc thậm chí tử vong, đặc biệt là ở người cao tuổi và những người mắc các bệnh nền.
Nhà miễn dịch học đề nghị những người có bệnh nền, lớn tuổi và có khả năng miễn dịch dễ bị tổn thương không nên tiêm vắc xin.
Cả vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna đều được phát triển dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) và sử dụng với hai liều.
Vắc xin mRNA là một loại vắc xin mới nhưng không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như các loại vắc xin cổ điển. Thay vào đó, loại vắc xin này dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein, hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein. Protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu vi rút thực sự xâm nhập vào cơ thể con người.
Các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các ca tử vong liên quan đến vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna, cũng như 16 trường hợp tử vong ở Thụy Sĩ.
Một số nhà quan sát đặt câu hỏi về tính xác thực của những tuyên bố rằng những ca tử vong lẻ tẻ không liên quan đến vắc xin, đồng thời kêu gọi truyền thông phương Tây đưa tin về những ca tử vong một cách công bằng.
Giữa tháng 1.2021, truyền thông đưa tin 23 người tử vong ở Na Uy trong vòng vài ngày sau khi tiêm liều vắc xin Pfizer/BioNTech đầu tiên, trong số đó có 13 người trên 80 tuổi sống tại viện dưỡng lão.
Theo Sigurd Hortemo, bác sĩ trưởng tại Cơ quan Dược phẩm Na Uy, các phản ứng thông thường với vắc xin, bao gồm sốt và buồn nôn, có thể dẫn đến tử vong ở một số bệnh nhân yếu.
Dù vậy, Steinar Madsen, Giám đốc y tế của Cơ quan Dược phẩm Na Uy, tuyên bố rằng “họ không lo lắng về điều này”.
“Rõ ràng là loại vắc xin này có rất ít rủi ro, chỉ có một số ngoại lệ nhỏ với những bệnh nhân yếu nhất. Các bác sĩ cần phải cân nhắc cẩn thận khi quyết định đối tượng được tiêm chủng. Những người rất yếu và tuổi cao cần được đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi được chủng ngừa”, ông Madsen nói.
Đại diện hãng dược Pfizer nắm được tình hình các ca tử vong và đã làm việc với Cơ quan Dược phẩm Na Uy để thu thập thông tin liên quan. Người này cũng cho biết Cơ quan Dược phẩm Na Uy sẽ đánh giá kỹ lưỡng mối liên quan giữa các ca tử vong và việc tiêm chủng.
Mặc khuyến cáo, một số địa phương ở Bắc Kinh vẫn tiêm vắc xin COVID-19 cho người già
Một số cộng đồng địa phương ở Bắc Kinh đã bắt đầu tiêm liều vắc xin COVID-19 cho những người trên 60 tuổi, ngay cả khi các cơ quan kiểm soát dịch bệnh của thành phố công khai khuyến cáo nhóm tuổi này không nên tiêm chủng.
Ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh, những người trên 65 tuổi là một trong những nhóm ưu tiên hàng đầu trong danh sách tiêm vắc xin COVID-19 vì người cao tuổi có nguy cơ tử vong và nhập viện sau khi nhiễm vi rút cao hơn so với những người trẻ tuổi.
Chương trình tiêm chủng của Trung Quốc, với 40,5 triệu liều đã được sử dụng tính đến ngày 9.2, loại trừ những người trên 59 tuổi và những người dưới 18 tuổi, với các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc trích dẫn dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ít đầy đủ hơn cho trẻ vị thành niên và người già.
Theo thông báo từ nhân viên của một số cộng đồng ở quận Đông Thành, trung tâm Bắc Kinh mà Reuters nhìn thấy, những người trên 60 tuổi có thể đến các địa điểm được chỉ định để tiêm phòng với bốn loại vắc xin do Trung Quốc phát triển có sẵn. Việc tiêm phòng không phải là bắt buộc.
Tuy nhiên, một bài báo được xuất bản trực tuyến bởi Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Bắc Kinh hôm 28.2 đã phân loại những người trên 60 tuổi này là không thích hợp để tiêm chủng, theo hướng dẫn quốc gia.
Không rõ tại sao quận Đông Thành lại nói người cao tuổi đi tiêm phòng. Thành phố không chống lại sự lây lan của bất kỳ cụm COVID-19 nào. Bắc Kinh lần cuối báo cáo một ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 29.1.
Trung Quốc sẽ bắt đầu cuộc họp Quốc hội thường niên vào 5.3 khi hàng ngàn đại biểu từ khắp đất nước sẽ tập trung tại Bắc Kinh.
Trung Quốc có bốn loại vắc xin được phát triển trong nước đã được phê duyệt để tiêm chủng cho công chúng, bao gồm hai loại từ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), một loại từ Sinovac Biotech và một loại từ CanSino Biologics (CanSinoBIO). Tất cả đều đã được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng quy mô nhỏ hơn trước khi được thông quan để sử dụng rộng rãi hơn.
Các phê duyệt chính thức với vắc xin từ CanSinoBIO và Sinovac dành cho những người trên 18 tuổi, không giới hạn độ tuổi, theo tuyên bố của công ty.