Google đã xóa các ứng dụng cho vay nhằm vào người tiêu dùng ở Ấn Độ khỏi cửa hàng ứng dụng trong nỗ lực bảo vệ họ, công ty con của Alphabet cho biết trong bài đăng trên blog hôm 14.1.

2 người tự tử vì bị đòi nợ kiểu khủng bố, Google xóa các ứng dụng cho vay để bảo vệ người dùng

Nhân Hoàng | 14/01/2021, 18:10

Google đã xóa các ứng dụng cho vay nhằm vào người tiêu dùng ở Ấn Độ khỏi cửa hàng ứng dụng trong nỗ lực bảo vệ họ, công ty con của Alphabet cho biết trong bài đăng trên blog hôm 14.1.

Chúng tôi đã xem xét hàng trăm ứng dụng cho vay cá nhân ở Ấn Độ, dựa trên cảnh báo do người dùng và các cơ quan chính phủ gửi”, Suzanne Frey, Phó chủ tịch Sản phẩm, Bảo mật và Quyền riêng tư của Android cho biết trong bài đăng.

Hãng tin Reuters điều tra gần đây và phát hiện ra ít nhất 10 ứng dụng cho vay trên Play Store Ấn Độ vi phạm các quy tắc của Google về thời hạn hoàn trả khoản vay nhằm bảo vệ những người vay dễ bị tổn thương. Reuters cũng phát hiện rằng một số ứng dụng cho vay cũng thực hiện các quy định của ngân hàng trung ương nhằm bảo vệ người vay.

Google không nói rõ về số lượng ứng dụng đã bị gỡ xuống.

Ngành công nghiệp cho vay trực tuyến đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách Ấn Độ sau ít nhất 2 vụ tự tử trong tháng qua liên quan đến cáo buộc bị quấy rối bởi nhân viên đòi nợ của các ứng dụng như vậy.

Đánh giá của Reuters về 50 ứng dụng cho vay phổ biến hiện có ở Ấn Độ cũng cho thấy gần như tất cả những người đi vay đều bị yêu cầu phải cấp quyền truy cập vào danh bạ điện thoại được các nhân viên đòi nợ sử dụng trong trường hợp vỡ nợ hoặc thanh toán chậm.

Google nói các nhà phát triển chỉ cần truy cập các quyền cần thiết để triển khai các tính năng và dịch vụ hiện tại.

Họ không nên sử dụng các quyền cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu người dùng hoặc thiết bị cho các tính năng hoặc mục đích chưa được tiết lộ, chưa được thực hiện hoặc không được phép”, Google đề cập trong bài đăng của mình.

Google cho biết sẽ đảm bảo các ứng dụng tuân thủ luật và quy định địa phương: “Các ứng dụng không làm được như vậy sẽ bị xóa mà không cần thông báo thêm”.

Ngày 13.1, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã thành lập một nhóm làm việc để xem xét các hoạt động cho vay kỹ thuật số. Ban hội thẩm đã được giao nhiệm vụ xác định các rủi ro do cho vay kỹ thuật số không được kiểm soát với sự ổn định tài chính, các thực thể và người tiêu dùng được quy định, dự kiến ​​sẽ gửi báo cáo trong vòng 3 tháng.

Ở Việt Nam, khi người viết tìm thử trên Google Play Store thì thấy có hàng trăm ứng dụng cho vay trực tuyến hoạt động dưới hình thức tín dụng đen với lãi hơn 250%/tháng, chưa tính các khoản tiền phạt và lũy tiến nếu khách không trả đúng hạn.

2-nguoi-tu-tu-vi-bi-doi-no-kieu-khung-bo.jpg
Có hàng trăm ứng dụng cho vay hoạt động dưới hình thức tín dụng đen ở Việt Nam

Ngoài việc phải cung cấp các thông tin cá nhân, gồm cả CMND, người vay có thể phải quay video chính mình nói về các khoản nợ. Nếu trễ hẹn trả nợ, khách sẽ bị kẻ đòi nợ tung video này lên mạng xã hội như Facebook, Zalo để bôi nhọ danh dự.

Chưa hết, kẻ đòi nợ có thể cũng quấy rối bạn bè, người thân của người vay, đăng status và hình ảnh họ lên mạng xã hội để bôi nhọ nếu chưa nhận được đủ tiền cả gốc lẫn lãi.

Nhiều ứng dụng cho vay dường như của cùng một công ty vì kẻ đòi nợ đưa thông tin một tài khoản để người vay chuyển tiền trả nợ vào đó.

Ở Việt Nam có rất nhiều người sập bẫy tín dụng đen. Có nạn nhân ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng, sau 3 tháng số tiền nợ lên tới hơn 200 triệu đồng. Không thể trả nợ được, người vay phải lao xuống sông tự vẫn.

Vào ngày cuối tháng 3.2020, con gái duy nhất mới 23 tuổi của bà Trương Thị Ngọc Bích ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã tự tử tại phòng ngủ. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô gái có đề cập đến việc vay tín dụng đen qua ứng dụng trên mạng. Cô đã mắc nợ rất nhiều, trong đó có hơn 10 cái ứng dụng cho vay tiền. Không có khả năng trả nợ, cô bị đe dọa liên tục nên phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Điều tàn nhẫn là sau khi con gái qua đời, bà Bích vẫn liên tục bị kẻ đòi nợ từ các ứng dụng gọi điện khủng bố, yêu cầu trả nợ. Mỗi ngày đến gần trăm cuộc điện thoại, chửi bới, hù dọa, lăng mạ bà,...

Điều nhiều người quan tâm là vì sao Google dễ dàng phê duyệt cho các ứng dụng này xuất hiện trên Play Store Việt Nam đến vậy và chừng nào sẽ xóa chúng để bảo vệ người tiêu dùng Việt như ở Ấn Độ? Khi nào công an truy tìm và xử lý những kẻ đòi nợ kiểu khủng bố lẫn công ty đứng sau?  

Thời gian qua, Bộ Công an cho biết đã xác định được hàng chục công ty, tổ chức tài chính chưa được cấp phép cho vay ngang hàng để hoạt động tín dụng đen. Theo Bộ Công an, có những công ty đã thu hút hơn 1,5 triệu khách hàng với số tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Theo dự báo của Bộ Công an, một hoạt động "tín dụng đen" sẽ ngắm đến là "Thương mại điện tử" với việc giả các hợp đồng thương mại để thực hiện chiêu trò cho vay nặng lãi và đòi nợ.

Bài liên quan
Công ty cho vay tiền của Trung Quốc tìm cách sang Việt Nam, người dân đề cao cảnh giác
Theo dự bảo báo cáo đánh giá tác động của kinh tế chia sẻ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình kinh tế chia sẻ có tác động tới công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 người tự tử vì bị đòi nợ kiểu khủng bố, Google xóa các ứng dụng cho vay để bảo vệ người dùng