Triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) là vấn đề mới và khó đối với tất cả các nước. Tổng cục Thuế hiện đang nghiên cứu, triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam sao cho trúng và đúng?

Tuyết Nhung | 30/03/2023, 10:28

Triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) là vấn đề mới và khó đối với tất cả các nước. Tổng cục Thuế hiện đang nghiên cứu, triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

ap-dung-thue-toi-thieu-voi-doanh-nghiep-toan-cau_inpf.jpg

Loại thuế này đã được nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, gần đây khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động thì loại thuế này đã được đẩy mạnh triển khai đi vào thị trường kinh tế toàn cầu. Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế.

Tổng cục Thuế cho biết đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, những doanh nghiệp được đánh giá là sẽ phải chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 để được lắng nghe ý kiến khách quan và những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp phải. Đồng thời lắng nghe những đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, các doanh nghiệp tham gia cuộc họp đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu...

Về tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Việt Nam là nước thu hút FDI vào đầu tư tại Việt Nam, đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Trụ cột 2 của Diễn đàn IF về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 8.2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Tiếp đó, vào tháng 2.2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh: "Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp toàn bộ các ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo Bộ Tài chính trong thời gian sớm nhất về những ý kiến và kiến nghị của các doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc triển khai các chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó tạo môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam".

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu chúng ta cần giải quyết được các câu hỏi như: Làm gì và làm như thế nào để khi thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư...".

Ông Tuấn khuyến nghị Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu khoảng 15%. Cùng với đó là sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư để luật hoá cam kết này.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới. Đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các "thiên đường" thuế. Trong hàng trăm nghìn dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản.

Lãnh đạo ngành thuế cho biết nhiều nước khác cũng đang nghiên cứu, sửa đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư nước ngoài. Còn chính sách thuế Việt Nam có định hướng thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của đất nước. Quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.

Theo ông Minh, điểm cần lưu ý là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Cuối cùng là ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi tăng thu trong nước. Theo đó, những dự án đang hoạt động tìm giải pháp ưu đãi tiếp tục, nhưng biện pháp dài hạn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế, sẽ thu hàng trăm nghìn tỉ đồng nếu bỏ ưu đãi. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hoà đầu tư trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nêu một số kiến nghị về thuế tối thiểu toàn cầu với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng ngành Thuế cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) để ban hành sớm nhất trước khi BEPS có hiệu lực, đồng thời có kế hoạch tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Theo ông Lực, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh thay vì hướng tới ưu đãi về thuế.

"Việt Nam cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực với chi phí ở mức trung bình thấp", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bài liên quan
Chuẩn bị xét xử Út ‘trọc’ Đinh Ngọc Hệ và 2 đồng phạm về tội ‘Trốn thuế’
Ngày 30.3 tới, Tòa án Quân sự quân khu 7 sẽ đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) và 2 đồng phạm ra xét xử về tội “Trốn thuế”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam sao cho trúng và đúng?